Kết thúc phiên phiên giao dịch ngày 8/10, VN-Index đã giảm về mức 996,12 điểm. Theo giới chuyên gia, việc VN-Index “bay hơi” hơn 27 điểm chỉ trong 2 phiên 5/10 và 8/10 là do tác động từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới và khu vực.
Không chỉ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, một nhóm cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường là cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến kém tích cực trước áp lực bán mạnh.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng Phòng Môi giới, CTCK Nông nghiệp (Agriseco) cho rằng, sau nhịp giảm này, thị trường sẽ bước vào giai đoạn lình xình với biên độ hẹp trong ngắn hạn để tích lũy, tạo nền tảng chắc chắn hơn.
“Các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua như dầu khí, dệt may, thủy sản là nhóm nên hạ tỷ trọng, trong khi nhóm tài chính và bất động sản là những nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nên cân nhắc mua vào khi thị trường điều chỉnh và tích lũy”, bà Lan khuyến nghị.
Về cơ bản, việc thị trường điều chỉnh sau nhịp tăng là bình thường, song nhịp giảm hiện tại được nhìn nhận là khá đột ngột, khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên "nóng" hơn đã tác động tiêu cực đến hoạt động giao dịch của khối ngoại với việc bán ròng mạnh tại một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, VIC, VJC, VCB, PVD, VHM…, dẫn đến thị trường giảm sâu. Nếu khối ngoại tiếp tục việc bán ròng trong thời gian tới, theo ông Lân, thị trường sẽ còn điều chỉnh.
Yếu tố được thị trường trông đợi hiện nay là thông tin về lợi nhuận quý III/2018. Dòng tiền được nhận định sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu có lợi nhuận tích cực trong kỳ.
Theo đó, ở mùa công bố báo cáo tài chính quý III, nhóm dầu khí đang được kỳ vọng cao nhất, bởi giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong thời gian và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tương tự, cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cũng là nhóm nhận được sự chú ý nhờ yếu tố thanh khoản.
Trong bối cảnh vĩ mô ổn định, đặc biệt là kỳ vọng nâng hạng của thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc và thị trường đi ngang tích lũy trước khi đón một đợt sóng tăng vào cuối năm.
Khi đó, nhóm cổ phiếu bluechips đầu ngành hay nhóm ngân hàng sẽ vẫn được nhìn nhận là nhóm dẫn dắt. Bởi vậy, nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu này.
Ở kịch bản thị trường diễn biến theo hướng kém lạc quan hơn, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong quý III là sự lựa chọn an toàn.
Nhìn vào giao dịch của thị trường trong quý III có thể thấy sự phân hóa mạnh mẽ khi có nhiều cổ phiếu ghi nhận tăng đến 50-60% và không ít mã thiết lập vùng đáy mới.
Đứng ở góc độ là nhà đầu tư, anh Nguyễn Bình (Hà Nội) cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư không còn quá quan tâm đến những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua bởi dư địa tăng thêm không nhiều, trong khi rủi ro giảm điểm lớn.
Thay vào đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến những cổ phiếu chưa tăng giá so với vùng đáy, bởi một khi thông tin tích cực xuất hiện, dòng tiền sẽ đẩy giá các cổ phiếu này tăng mạnh.
Thực tế, ngay cả thị trường điều chỉnh mạnh thì vẫn có những cổ phiếu “ngược dòng” đi lên. Chính vì vậy, giao dịch tích cực hoặc chủ động trading trong nhiều trường hợp sẽ không hiệu quả bằng việc kiên nhẫn nắm giữ.
Về cơ bản, việc thị trường điều chỉnh sau nhịp tăng là bình thường, song nhịp giảm hiện tại được nhìn nhận là khá đột ngột, khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.
Điểm đáng lo ngại nữa là thanh khoản trên sàn có xu hướng giảm khá rõ nét. Nếu như tháng 1/2018, thanh khoản trên sàn HOSE đạt khoảng 7.500 tỷ đồng/phiên, thì hiện nay chỉ còn chưa đầy 5.000 tỷ đồng/phiên (xem bảng).
Thanh khoản co hẹp khiến không chỉ công ty chứng khoán bị giảm nguồn thu, mà nhà đầu tư cũng khó “chơi” hơn khi mua cũng không dễ, mà bán cũng không dễ trên sàn.
Dù vậy, nhiều công ty chứng khoán vẫn khuyến nghị và tin tưởng chứng khoán quý IV sẽ tích cực. Nhà đầu tư có kiếm được lợi nhuận hay không, tùy năng lực chọn lựa “món hàng”.