Hợp đồng tương lai chỉ số VN30: Thành công vượt mong đợi

(ĐTCK) Ngày 10/8/2018 đánh dấu tròn 1 năm sản phẩm phái sinh đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam được giao dịch. Sau một năm chính thức vận hành, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã được đón nhận rộng rãi từ nhà đầu tư, vượt trên cả mong đợi ban đầu của nhà quản lý và các thành viên thị trường.
Hiện tại, không còn có hiện tượng giá hợp đồng tương lai chạy quá xa so với giá trị định giá Hiện tại, không còn có hiện tượng giá hợp đồng tương lai chạy quá xa so với giá trị định giá

Bùng nổ thanh khoản

Sự ra đời của sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai chỉ số là mảnh ghép quan trọng, bổ sung và góp phần hoàn thiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối với nhà đầu tư tham gia thị trường, đây là công cụ kiếm lời và quản trị rủi ro khi thị trường đi xuống.

Với việc có thể giao dịch vị thế theo cả chiều lên và chiều xuống (long/short), có thể mua bán ngay trong phiên và đòn bẩy tài chính cao, hợp đồng tương lai đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm khi giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Sau một năm triển khai, thanh khoản trung bình giao dịch của hợp đồng tương lai 4 kỳ hạn trong tháng gần nhất đã đạt xấp xỉ 120.000 hợp đồng/ngày. Đây là con số cao ngoài mong đợi, nếu nhìn sang thị trường Thái Lan, sản phẩm hợp đồng tương lai với chỉ số SET50 đã được triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay số lượng hợp đồng được giao dịch trung bình cũng chỉ đạt hơn 140.000 hợp đồng/ngày.

Thanh khoản của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 bùng nổ từ giữa tháng 4 khi thị trường chứng khoán cơ sở tạo đỉnh, đỉnh điểm lên tới hơn 160.000 hợp đồng/ngày. Rõ ràng, khi thị trường cơ sở không thuận lợi, phái sinh đã cung cấp cho nhà đầu tư thêm sự lựa chọn để kiếm lời.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30: Thành công vượt mong đợi ảnh 1

Cách thức vận hành sản phẩm và việc tạo lập thị trường cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần tham gia giao dịch. Hiện tại, không còn có hiện tượng giá hợp đồng tương lai chạy quá xa so với giá trị định giá.

Sự khác biệt giữa giá của hợp đồng tương lai và giá trị của tài sản cơ bản (basis) của các hợp đồng không còn biến động khó lường như giai đoạn mới vận hành sản phẩm. Thời gian gần đây, chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lai gần nhất và giá cơ sở ổn định, chỉ dưới 5 điểm. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro khi giao dịch đầu cơ, cũng như khi sử dụng hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro.

Hút giới đầu cơ

Trên thị trường phái sinh, cụ thể là hợp đồng tương lai, có ba đối tượng tham gia chính. Đó là nhà đầu cơ, nhà quản trị rủi ro và nhà kinh doanh chênh lệch giá. Bản chất của phái sinh là được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên dù đã có sự bùng nổ về khối lượng giao dịch, nhưng thành phần tham gia chủ yếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là giới đầu cơ.

Điều này được thể hiện qua việc thị trường thiếu chiều sâu, khối lượng giao dịch các hợp đồng tương lai đa số được đóng vị thế ngay trong phiên. Khối lượng hợp đồng được giữ qua đêm (open interest) trên thị trường phái sinh Việt Nam dù đã tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng vẫn rất thấp so với khối lượng giao dịch. Trong khi đó, theo thống kê ở các thị trường khác, lượng hợp đồng mở so với khối lượng giao dịch thường cao hơn rất nhiều.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30: Thành công vượt mong đợi ảnh 2

Dường như trên thị trường chứng khoán phái sinh, sự xuất hiện của các nhà đầu tư dùng phái sinh để phòng ngừa rủi ro là chưa nhiều. Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đều rất hạn chế. Thực trạng trên cũng đặt ra thử thách cho các cơ quan quản lý để có các chính sách phù hợp cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới. 

Phái sinh ảnh hưởng ra sao đến giá chứng khoán cơ sở?

Thời điểm sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 bùng nổ về khối lượng cũng là thời điểm thị trường cơ sở chứng kiến đợt giảm điểm mạnh kể từ đỉnh 1.200 điểm, làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại việc đầu cơ trên thị trường phái sinh sẽ làm tăng tính biến động của thị trường cơ sở.

Việt Nam chưa có nghiên cứu nào cụ thể về thị trường chứng khoán phái sinh, tuy nhiên nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa cơ sở và phái sinh. Các nghiên cứu đã được công bố của Martin T. Bohl and Patrick M. Stephan (2013) trên thị trường hàng hóa, Celso Brunetti (2016) trên các thị trường dầu hỏa, khí đốt; B.M. Ordu-Akkaya (2018) trên thị trường dầu hỏa và vàng… cho thấy, các hoạt động đầu cơ trên thị trường phái sinh không tác động đến sự biến động giá cơ sở.

Ngược lại, động thái của các nhà phòng ngừa rủi ro tác động nhiều hơn và hàm chứa khả năng dự báo tốt hơn cho giá tài sản cơ sở. Do đó, ý kiến cho rằng, cần can thiệp giảm việc đầu cơ của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán phái sinh nhằm làm giảm rủi ro và biến động của chứng khoán cơ sở là chưa thuyết phục, trước khi có các nghiên cứu được tiến hành kỹ lưỡng hơn trên thị trường Việt Nam.

Ở các thị trường trên thế giới, đa phần đều có sự phân loại về thành phần tham gia thị trường phái sinh và được công bố định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng. Ví dụ ở Mỹ, Hiệp hội Giao dịch thị trường tương lai (Commodity Futures Trading Commission, viết tắt là CFTC) đưa ra bản báo cáo về giao dịch của các nhà đầu tư (Commitment of Traders Report, COT), bản khai báo số lượng giao dịch của các nhà đầu tư vào thứ Sáu hàng tuần.

Việc phân loại các nhà đầu tư giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc giám sát thị trường. Các thống kê này cũng sẽ đảm bảo tính minh bạch của thị trường và đảm bảo lợi ích của số đông, giới học thuật cũng sẽ có thêm dữ liệu để thực hiện các nghiên cứu nhằm trả lời cho các câu hỏi về việc có nên hay không việc can thiệp và hạn chế hành động đầu cơ trên thị trường phái sinh. 

Cần có cơ chế tạo lập thị trường cho sản phẩm phái sinh để sàn phái sinh sôi động một cách thực chất

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30: Thành công vượt mong đợi ảnh 3

 Ông Tạ Nguyên Vũ, Trưởng phòng Tư vấn và Đầu tư Công ty Chứng khoán Đông Á

Tròn 1 năm trước (18/8/2018), TTCK phái sinh chính thức hoạt động, đánh dấu bước phát triển mới của TTCK Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính cao cấp này.

Từ khi ra đời, sàn phái sinh Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục lập những kỷ lục mới, bất chấp những giai đoạn suy giảm trên TTCK cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả và thu hút thêm nguồn vốn, tăng giá trị giao dịch cũng như tăng thanh khoản cho TTCK cơ sở.

Tuy nhiên, sản phẩm chứng khoán phái sinh kiểu hợp đồng tương lai là một “con dao hai lưỡi”. Sản phẩm này vừa là công cụ để quản lý rủi ro, vừa là nguồn cơn của những rủi ro nếu công cụ này được sử dụng một cách không đúng đắn. Hiện sản phẩm của TTCK phái sinh vẫn còn nghèo nàn, tham gia chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, hoạt động đầu cơ đang diễn ra mạnh mẽ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

So với TTCK cơ sở, hàng hóa trên thị trường phái sinh không phụ thuộc vào tổ chức phát hành, mà phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với sự vận động của thị trường trong tương lai, cụ thể là chỉ số VN30-Index. Nói cách khác, nhà đầu tư sẽ mở vị thế mua (long) khi đánh giá chỉ số VN30 sẽ tăng trong tương lai, hoặc mở vị thế bán (short) nếu kỳ vọng chỉ số này đi xuống. 

Tuy nhiên, sự hấp dẫn chủ yếu của phái sinh nằm ở mức sinh lời rất cao (do tỷ lệ đòn bẩy cao) và khả năng đóng vị thế ngay trong phiên. Trong bối cảnh thị trường cơ sở còn nhiều hạn chế, chứng khoán phái sinh đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, nhờ phát huy lợi thế giao dịch hai chiều để tạo thêm cơ hội. Nói cách khác, dù chỉ số giảm hay tăng, nhà đầu tư đều có thể kiếm lời nếu dự báo đúng xu hướng.

Mức lợi nhuận càng lớn nếu biến động giá càng nhanh. Vì thế, hiện tượng tác động phái sinh ảnh hưởng không tốt đến thị trường cơ sở, làm ảnh hưởng tâm lý là một rủi ro mà nhà đầu tư cần phải xem xét khi tham gia phái sinh trong suốt quá trình đầu tư.

1 năm qua, giao dịch trên sàn phái sinh tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước với hoạt động chủ yếu là đầu cơ, kinh doanh chênh lệch giá. Để thu hút nhiều đối tượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội cần phát triển thêm các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp.

Đồng thời, nhà quản lý cần hoàn thiện hệ thống phòng ngừa rủi ro nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia thị trường, tăng cường quản lý và công bố thông tin có liên quan. Chúng tôi cũng cho rằng, cần nghiên cứu triển khai cơ chế tạo lập thị trường cho sản phẩm phái sinh nhằm giúp cho giao dịch trên TTCK phái sinh sôi động một cách thực chất.

Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục