Theo ông, sau một năm vận hành thị trường phái sinh đã có tác động như thế nào đến thị trường cơ sở?
Khi thị trường phái sinh ra đời, hoạt động đầu cơ giá cổ phiếu giảm đi nhiều. Mua đẩy giá trần và bán đẩy giá sàn từ khi có thị trường phái sinh trở nên nguy hiểm hơn vì nhà đầu tư sẵn sàng đua bán cổ phiếu cơ sở. Điều đó làm giảm giao dịch trên thị trường cơ sở, nhưng nhìn lại giúp giá cổ phiếu ở mức hợp lý hơn.
Ông Trịnh Hoài Giang
Trong tương lai, khi thị trường xuất hiện phần mềm công nghệ mới đủ điều kiện cho phép giao dịch cổ phiếu trong ngày thì thị trường sẽ tốt hơn nữa.
Trong ngắn hạn, khối lượng giao dịch cổ phiếu giảm đi, nhưng trong dài hạn có thể sẽ tăng trở lại. Ví dụ, cách đây một thời gian, HOSE quyết định giảm bước giá, ban đầu có nhiều ý kiến chỉ trích và thị trường giảm khối lượng giao dịch, nhưng đến nay thì khối lượng giao dịch tăng hơn gấp nhiều lần. Điều đó cho thấy thị trường sau một thời gian quan sát và đánh giá sẽ điều chỉnh dần thói quen đầu tư so với ban đầu.
Tôi thấy rằng, thị trường phái sinh ra đời làm cho thị trường cơ sở lành mạnh hơn, giảm đi những hành vi đẩy giá, làm méo mó giá cổ phiếu. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn thực sự được ưa chuộng hơn nhiều. Dòng tiền chuyển từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ sang các cổ phiếu vốn hóa lớn của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản tốt, đặc biệt là cổ phiếu trong danh mục chỉ số VN30.
Chỉ số VN30 dù còn hạn chế, nhưng vẫn được ghi nhận tương đối thành công khi được thị trường chấp nhận và ứng dụng mua bán tốt.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thị trường phái sinh đẩy chỉ số chứng khoán thị trường cơ sở giảm quá mức. Quan điểm của ông thế nào?
Đúng là cũng có xúc tác, có đẩy, nhưng bao giờ nó cũng tìm đến điểm cân bằng, chứ không đi quá xa. Do đó, lo ngại thị trường phái sinh ảnh hưởng là có cơ sở nhưng không hoàn toàn xấu như nhà đầu tư đánh giá.
Khoan bàn đến các công cụ quá phức tạp của thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai giúp cho thị trường cơ sở rất nhiều về mặt định giá và tính thanh khoản so với lúc trước. Việc phát triển thị trường phái sinh tại Việt Nam hiện nay là đang đi đúng hướng.
Theo ông, làm thế nào để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, để thị trường phái sinh có bước tiến mới?
Đến lúc này, hầu như vẫn chưa có nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tham gia, mặc dù họ rất quan tâm phái sinh tại Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, còn có những quy định chưa rõ ràng làm cho nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại chưa tham gia.
Nhà đầu tư nước ngoài chưa biết vì Việt Nam chưa giới thiệu thị trường phái sinh ra thị trường tài chính quốc tế. Đến khi họ hiểu và muốn giao dịch thì lại chưa kết nối.
Bước tiếp theo của thị trường phái sinh nên là quốc tế hóa chỉ số VN30; tức là tạo ra kết nối với các thị trường giao dịch phái sinh lớn trên thế giới để nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch được. Thử hình dung, nhà đầu tư giao dịch ở 20 thị trường khác nhau, họ không thể quan sát cùng lúc 20 màn hình.
Phải làm sao để VN30 Index xuất hiện lên màn hình của nhà đầu tư trading và khi họ thấy rồi thì làm sao để họ giao dịch thuận tiện nhất. Ở đây, chưa bàn đến khó khăn liên quan vấn đề quản lý ngoại hối của ngân hàng nhà nước, chế độ kế toán, thuế…
Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường phái sinh của Việt Nam, làm sao thúc đẩy giao dịch mạnh hơn, khi đó, thị trường sẽ tốt hơn trái ngược với việc thị trường cơ sở sẽ bị bóp méo như lo sợ hiện nay. Tôi tin tưởng rằng, càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường sẽ tốt, các cổ phiếu, đặc biệt các cổ phiếu lớn sẽ thể hiện đúng giá trị hơn trên thị trường.
Có ý kiến cho rằng thị trường phái sinh rủi ro như sòng bạc. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không đồng ý. Hợp đồng tương lai về hình thức là sự đánh cược giữa hai bên, nhưng nếu nhà đầu tư dự đoán sai thì sự chuyển dịch rủi ro rất dễ dàng. Tác động của thị trường cơ sở giống như nước đục thành nước trong, chức năng huy động vốn tốt hơn khi thị trường cơ sở tốt hơn về mặt bản chất.