Thị trường vừa trải qua những phiên đầu tháng 8 khá tiêu cực, các chỉ số lần lượt giảm điểm qua các phiên giao dịch và xuyên qua các ngưỡng kháng cự mạnh. Trong đó, chỉ số VN-Index không chỉ mất mốc 640 điểm mà còn chính thức rơi xuống dưới ngưỡng 630 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần khi tâm lý thị trường đang xấu, nhà đầu tư lo ngại những sự kiện tại TTF, VIC, các mã khoáng sản, giá dầu giảm tạo áp lực lên cổ phiếu năng lượng, cũng như đại án Ngân hàng Xây dựng đang xử cho thấy việc kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng còn nhiều tồn tại.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng suy giảm mạnh bởi tác động của tâm lý mua vào thận trọng. Trong đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh mua-bán qua các phiên và hãm mạnh giá trị mua ròng trong cả tuần sau 1 tháng mua ròng kỷ lục trước đó (tháng 7 mua ròng hơn 1.150 tỷ đồng, tương ứng hơn 52 triệu USD).
Giới đầu tư đang khá lo ngại về thị trường chứng khoán trong thời gian này bởi thị trường đang trong vùng trũng thông tin khi các báo cáo tài chính quý II/2016 của các doanh nghiệp đã được hé mở, cùng với đó là tâm lý kiêng cữ chuyện làm ăn trong tháng Ngâu. Cũng có chung quan điểm trên, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, thị trường tăng mạnh là điều khó trừ khi có thông tin đột biến và dòng tiền quay trở lại với khối lượng lớn, tuy nhiên, việc giảm mạnh chỉ diễn ra trong tuần đầu của tháng.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS), trong bối cảnh các mục tiêu và chỉ báo về kinh tế như tăng trưởng, nợ công đang gặp những thách thức lớn kèm theo những diễn biến không mấy thuận lợi trên thị trường thế giới, thì khả năng cao thị trường tiếp tục điều chỉnh nhằm hình thành mặt bằng giá hợp lý mới.
Đúng như nhận định của các chuyên gia nói riêng và công ty chứng khoán nói chung, mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần, thị trường vẫn trong trạng thái điều chỉnh.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,16 điểm (-0,03%) xuống 627,23 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,57 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 42,86 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, tâm lý thận trọng mua vào vẫn duy trì trong khi lực cung vẫn dâng cao khiền đà giảm điểm tiếp tục được nới rộng. Trong đó, các ông lớn như VNM, VIC, MSN đóng vai trò là lực hãm chính kéo thị trường đi xuống, chỉ số VN-Index đang có nguy cơ đe dọa mốc 620 điểm.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay vẫn là cổ phiếu quen thuộc trong thời gian gần đây, đó là TTF. Cuối tuần qua, TTF bất ngờ thông báo khoản mục hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê lên tới 980 tỷ đồng theo thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm 2016, chính vì vậy, TTF đã lỗ gộp 807 tỷ đồng và lỗ ròng lên tới 1.073 tỷ đồng.
Tác động của thông tin xấu trên khiến TTF tiếp tục lao dốc không phanh. Áp lực bán ồ ạt khiến TTF dư bán sàn khủng ngay từ đầu phiên, hơn 11 triệu đơn vị chỉ sau gần 1 giờ giao dịch trong khi lượng khớp chỉ đạt 1.480 đơn vị. Hiện TTF ghi nhận phiên giảm sàn thứ 15 liên tiếp và lùi về mức giá 15.000 đồng/CP, giảm 6,8%.
Trái lại, sau những đồn đoán về việc hủy niêm yết khiến giá cổ phiếu HNG rơi rớt, cuối tuần qua, ban lãnh đạo Công ty cũng đã có văn bản giải trình và xác nhận thông tin trên hoàn toàn không chính xác và không có căn cứ, cặp đôi cha con HAG-HNG đã hồi phục mạnh trong phiên sáng nay, thậm chí có thời điểm tăng trần sau chuỗi ngày giảm sâu. Hiện HAG đã chuyển nhượng hơn 1,5 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau CII khớp 2,26 triệu đơn vị.
Thị trường giao dịch thiếu tích cực, sau gần nửa phiên sáng, chỉ số Vn-Index rơi xuống ngưỡng 621 điểm. Lực cầu hấp thụ tốt nhanh chóng giúp thị trường hồi phục và tiến nhanh đến ngưỡng 630 điểm, tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để giúp VN-Index vượt qua được thử thách này. Thị trường đóng cửa trong sắc xanh với độ rộng khá yếu. Thanh khoản thị trường suy giảm mạnh bởi tâm lý lo sợ điều chỉnh sâu, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 83 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,49 điểm (+0,24%) lên 628,88 điểm. VN30-Index tăng nhẹ 0,42 điểm lên 615,48 điểm khi có 18 mã tăng, 5 mã giảm và 7 mã đứng giá.
Giao dịch khá dè dặt với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 45,73 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 820,42 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,63 triệu đơn vị, trị giá 43,48 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong phiên sáng nay là sự hồi phục mạnh của VIC. Áp lực bán mạnh đầu phiên của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khiến VIC giảm mạnh và lùi về mức giá sàn, tuy nhiên, lực cầu hấp thụ mạnh nhanh chóng giúp VIC vượt qua mốc tham chiếu và đóng cửa trong sắc xanh. Với mức tăng 200 đồng (+0,4%), VIC đứng ở mức 44.900 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công gần 1,8 triệu đơn vị. VIC vẫn là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, đạt gần 1,34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu lớn MSN vẫn đóng vai trò kìm hãm thị trường với mức giảm 1.500 đồng (-2,43%) xuống 60.000 đồng/CP và khớp hơn 70.000 đơn vị.
Dù được nhận định khá tích cực về triển vọng giá dầu nhưng diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí khá phân hóa. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Maritime, ngành dầu khí có sự chuyển hướng khai thác các mỏ dầu và khí nước nông chuyển sang các mỏ dầu và khí nước sâu ở khu vực biển Hải Phòng, Thái Bình… Sự chuyển hướng này cũng như giá dầu hồi phục sẽ giúp ngành dầu khí nói chung, các doanh nghiệp trong ngành nói riêng chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Cụ thể, GAS tăng khá tích cực 1,7%, PVD nhích nhẹ, trong khi các mã họ P trên sàn HNX như PVS, PVG, PVX đang giảm điểm, PVC và PVB đứng giá tham chiếu.
Cặp đôi HAG – HNG vẫn giao động quanh mức giá trần và đóng cửa ở mức tăng 200 đồng/CP, trong đó, HAG vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản với lượng khớp 2,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, áp lực bán ở TTF vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Chốt phiên, TTF vẫn đứng ở mức giá sàn 15.000 đồng/CP với lượng khớp 1.490 đơn vị và dư bán sàn hơn 10,7 triệu đơn vị.
Thanh khoản thị trường suy giảm mạnh, CII vẫn giữ vị trí đứng đầu với lượng khớp chưa tới 2,8 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tăng 200 đồng (+0,79%). Các cổ phiếu thường giao dịch mạnh như ITA, FLC, KBC cũng chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu giảm và tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường chưa thể hồi phục.
Với mức giảm 0,23 điểm (-0,28%), HNX-Index đứng ở mức 80,84 điểm. Thanh khoản giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 18,73 triệu đơn vị, giá trị 190,55 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,74 điểm xuống 145,59 điểm với 10 mã tăng, 10 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Cổ phiếu đáng chú ý HKB đã thoát được giá sàn về cuối phiên, chấm dứt 4 phiên nằm sàn liên tiếp trước đó, tuy nhiên, áp lực bán vẫn khiến cổ phiếu này đóng cửa trong sắc đỏ. Với mức giảm 500 đồng (-4,7%), HKB đứng ở mức giá 10.200 đồng/CP và khớp hơn 2,9 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản trên sàn HNX.