Thêm “nạn nhân” mới từ vụ MTM

(ĐTCK) Các cổ đông của MTM đang tập hợp nhau làm đơn thư, khởi kiện... nhằm làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, cũng như đòi bồi thường thiệt hại.
Thêm “nạn nhân” mới từ vụ MTM

CTCP Khoáng sản miền Trung (tên viết tắt MTM) cho biết, doanh thu của Công ty đang bị sụt giảm do ảnh hưởng từ vụ cổ phiếu “ma” MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung, khi nhiều đối tác tưởng lầm Công ty chính là cổ phiếu MTM gây xôn xao dư luận vừa qua.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Hân, Chủ tịch HĐQT CTCP Khoáng sản miền Trung cho biết, Công ty đang chốt số liệu để có được doanh thu chính xác cũng như tính toán thiệt hại. Tuy nhiên, ước tính doanh thu trong tháng 7 có thể bị sụt giảm đến 40 - 50%.

Trước đó, giữa tháng 6/2016, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung chỉ sau 2 tháng giao dịch trên sàn UPCoM với lý do: “xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư”. Cùng với đó, nhiều thông tin gây sốc được công bố như Công ty đã dừng hoạt động, Tổng cục Thuế thông báo Công ty chưa đóng mã số thuế theo đúng quy định, trụ sở chính của Công ty là quán ăn, địa chỉ ở Hà Nội là phòng khám răng hàm mặt, số điện thoại không tồn tại, dàn lãnh đạo có người chỉ tốt nghiệp THPT...

Trước nghi vấn của cổ đông cho rằng đây là công ty “ma”, HNX cho biết đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ, khi có kết quả sẽ tiến hành xử lý. Trong khi các cổ đông của Công ty đang tập hợp nhau làm đơn thư, khởi kiện... nhằm làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, cũng như đòi bồi thường thiệt hại.

Trong bối cảnh này, một doanh nghiệp khác là CTCP Khoáng sản miền Trung chỉ biết kêu trời vì họa từ trên trời rơi xuống. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Công ty đã mời đơn vị tư vấn để lên sàn, nhưng CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung đã lên sàn trước và lấy mã là MTM. Ngày đầu tiên giao dịch cổ phiếu của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung, ông Trương Hân đã nhận được điện thoại nhiều đối tác, cũng như cổ đông phàn nàn việc Công ty lên sàn mà không có thông báo.

“Lúc đó, tôi đã giải thích rằng, Công ty chưa lên sàn, đó là công ty khác”, ông Trương Hân nói và cho biết thêm, do thời gian sau phải đi công tác nên tạm gác lại việc này.

Tuy nhiên, khi thông tin vụ việc MTM bùng nổ, qua kiểm tra thì CTCP Khoáng sản miền Trung phát hiện CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (có cổ phiếu MTM) đã lấy các hình ảnh về nhà máy, công ty của mình để đưa lên website.

Ông Trương Hân cho biết, Công ty Mỏ và xuất nhập khẩu khoảng sản miền Trung sử dụng nhiều yếu tố tương tự ví dụ như hình ảnh của Công ty ông, số điện thoại chỉ khác một số, mã cổ phiếu chính là tên miền, nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ của Công ty. Điều này gây ra tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Trong tháng 6, doanh thu của Công ty sụt giảm chút ít, khoảng 10% nhưng đến tháng 7 khi thông tin ngày càng lan rộng, doanh thu có thể giảm tới 40 - 50%. Hiện Công ty đang chốt số liệu để có doanh thu chính xác cũng như xem xét rõ hơn tình hình sụt giảm doanh thu.

Theo ông Trương Hân, Công ty Khoáng sản miền Trung thành lập từ năm 2007, trong quá trình hoạt động, công ty đã đăng ký nhãn hiệu MTM cho các sản phẩm bột đá mịn và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Sản phẩm bột đá MTM được phân phối khắp cả nước và thị trường nước ngoài như Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pakistan...

Thời gian qua, không chỉ cổ đông, đối tác trong nước mà cả đối tác nước ngoài từ  Ấn Độ, Bangladesh cũng gửi email đến hỏi và không biết liệu Công ty có phải là cổ phiếu MTM trên sàn hay không. Công ty Khoáng sản miền Trung đã phải đăng thông báo trên website khẳng định Công ty chưa lên sàn, nói rõ tên Công ty là “CTCP Khoáng sản miền trung” không phải “CTCP mỏ và xuất nhập khẩu miền Trung”; ghi rõ địa chỉ trụ sở, địa chỉ nhà máy. Đồng thời, cung cấp số điện thoại di động của Giám đốc Công ty để nếu còn ai thắc mắc, lãnh đạo Công ty trực tiếp trả lời.

“Vụ việc khiến Công ty bị hiểu nhầm, tuy nhiên không thể thay nhãn hiệu hàng hóa bởi đây là thương hiệu đã được xây dựng bao nhiêu năm, có chỗ đứng nhất định trên thị trường”, ông Trương Hân nói.

Ngoài ra, Công ty hiện đang đánh giá các vấn đề thiệt hại và xem xét tư vấn pháp lý để cân nhắc gửi đơn thư tới cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục