Phiên giao dịch sáng 8/12: Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng nhấn chìm thị trường

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng bị bán mạnh khéo cả 2 sàn chìm trong sắc đỏ với mức giảm hơn 1% trong phiên sáng đầu tuần mới.

Chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với thông tin giá xăng tiếp tục giảm được công bố thứ Bảy tuần trước. Cùng với đó là kỳ vọng về đợt sóng nhỏ “ăn theo” đợt tái cơ cấu danh mục quý IV/2014 của các quỹ ETFs ngoại.

Một số công ty chứng khoán nhận định, lượng cung chốt lời không còn quá nhiều và sức ép về margin cũng không còn lớn. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu khi dòng tiền, được đánh giá chưa rút khỏi thị trường, nhưng cũng chưa mạnh dạn tham gia, mà đang chờ đợi bên bán mất kiên nhẫn để gom vào. Chính vì vậy, thị trường tiếp tục diễn ra với không khí ảm đạm, giao dịch nhỏ giọt khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,32 điểm (-0,23%), xuống 577,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,9 triệu đơn vị, giá trị 48 tỷ đồng. Tương tự, HNX-Index cũng mất điểm ngay khi bước vào phiên sáng nay.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục trên HOSE, tâm lý thận trọng vẫn được nhà đầu tư duy trì. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, dòng tiền vẫn chưa rút ra khỏi thị trường, mà chỉ xoay vòng 1 cách khéo léo, chờ đợt cơ hội. Nếu bên nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn, dòng tiền này sẽ chảy mạnh để gom vào.

Dường như cũng biết được điều này, nên bên nắm giữ cổ phiếu cũng không hạ giá thấp để bán, cuộc thi xem ai kiên nhẫn hơn khiến giao dịch của thị trường diễn ra ảm đạm.

Những mã có tên trong danh sách tái cơ cấu danh mục của FTSE ETF cũng không có nhiều biến động. SSI được thêm vào cũng chỉ tăng 1-2 bước giá, trong khi STB, DRC, VSH bị loại ra cũng chỉ dao động quanh mốc tham chiếu.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nhà đầu tư chỉ ưa thích khi thông tin chưa chính thức được đưa ra và SSI đã có những phiên tăng điểm tốt trước đây khi nhiều dự đoán mã này sẽ được ETFs đưa vào danh mục. Ngoài ra, thói quen giao dịch của các quỹ ngoại, các nhà đầu tư lớn, nhất là ETFs thường diễn ra vào cuối phiên, đặc biệt là đợt ATC và thường là ngày cuối chốt danh mục. Giao dịch của các nhà đầu tư lớn cũng rất khôn khéo, tránh gây ra những biến động giá quá lớn, gây khó khăn cho việc cơ cấu danh mục. Trước đây, thường có các đợt sóng theo ETFs, nhưng chủ yếu là nhà đầu tư nội “ăn theo”, tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng này đã giảm đi khá nhiều, nên các đợt review của ETFs không còn tạo sóng như trước.

Ngoài các mã kể trên, thì các mã lớn, nhất là khối ngân hàng bị chốt lời, cùng với GAS giảm giá mạnh khiến đà giảm VN-Index được nới rộng. Tuy nhiên, như nhận định ở trên, khi bên bán có dấu hiệu mất kiên nhẫn, lực mua đã mạnh hơn, giúp thanh khoản được cải thiện hơn.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 6,67 điểm (-1,15%), xuống 572,09 điểm với 63 mã tăng, trong khi có tới 146 mã giảm. Tương tự, VN30-Index cũng giảm 5,2 điểm (-0,83%), xuống 619,47 điểm với 8 mã tăng và 20 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,79 triệu đơn vị, giá trị 1.115,06 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 65,25 tỷ đồng.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự, lực bán mạnh khiến HNX-Index giảm dần xuống mức 87 trước khi bật nhẹ trở lại cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,24 điểm (-1,4%), xuống 87,38 điểm với 55 mã tăng và 117 mã giảm. HNX30-Index giảm 2,69 điểm (-1,51%), xuống 175,51 điểm với 7 mã tăng và 21 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,85 triệu đơn vị, giá trị 717,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn với 280.000 đơn vị, giá trị 5,54 tỷ đồng.

Các mã lớn trên HOSE chịu áp lực bán mạnh cuối phiên. Trong đó, GAS giảm 3.500 đồng (-4,05%), xuống 83.000 đồng, thậm chí có lúc đã xuống 81.500 đồng. PVD giảm 3.500 đồng (-4,70%), xuống 71.000 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, VCB sau mấy phiên tăng tích cực cuối tuần trước cũng đang chịu áp lực chốt lời và giảm 300 đồng (-0,99%), xuống 30.000 đồng. Tuy nhiên, EIB mới là mã bị chốt lời mạnh khi đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 12.400 đồng, giảm 700 đồng (-5,34%). Ngoài EIB và VCB, các mã ngân hàng khác cũng giảm giá.

Ngược lại, VN-Index đang được hỗ trợ tích cực của một số mã bluechip khác như DPM, MSN, REE.

Trong khi đó, FLC, HQC, SAM lại có được mức tăng, dù không quá mạnh. Đóng cửa phiên sáng, FLC và HQC tăng 100 đồng, đứng ở mức 11.500 đồng và 8.100 đồng với 6,37 triệu đơn vị và 4,26 triệu đơn vị được khớp. Trong khi SAM tăng 300 đồng (-2,07%), lên 14.800 đồng với 2,38 triệu đơn vị được khớp.

HHS sau kết quả kinh doanh tích cực đã tăng mạnh 600 đồng (+3,06%), lên 20.200 đồng với 2,19 triệu đơn vị được khớp.

Dù cũng chịu áp lực giảm điểm với sự tác động của nhóm dầu khí như VN-Index, nhưng sàn HNX đang tạo sự chú ý khi con sóng lớn có dấu hiệu hình thành tại KLF.

Kết thúc phiên, KLF được khớp hơn 12,1 triệu đơn vị, chiếm hơn 26% tổng khối lượng khớp trên HNX. Mã này cũng đóng cửa tăng 500 đồng (+3,79%), lên 13.700 đồng.

Trong khi đó, nhóm dầu khi lại bị bán mạnh và giảm sâu như PVS giảm 2.000 đồng (-6,01%), PVC giảm 1.500 đồng (-4,82%)…

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục