Phiên giao dịch sáng 26/5: Kẻ vào, người ra

(ĐTCK) Diễn biến phiên giao dịch sáng nay rất sôi động với thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước khi những lực bán chốt lời đều được hấp thụ khá tốt.
Phiên giao dịch sáng 26/5: Kẻ vào, người ra

Dù được nhận định sẽ gặp áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng 5 phiên liên tiếp, nhưng những chịu áp lực bán hoặc chốt lời chỉ làm nhà đầu tư sợ hãi trong giai đoạn trước đó, còn hiện nay, khi nhận thấy cơ hội đã đến, bên nắm giữ tiền mặt vẫn mạnh dạn xuống tiền, giúp thị trường sôi động ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, cũng giống như phiên đầu tuần, do không nhận được sự đồng thuận của các mã lớn, nên VN-Index chỉ lình xình lúc đầu phiên.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,31 điểm (+0,06%), lên 563,31 điểm số mã tăng gấp 2 lần số mã giảm (56 so với 28). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 55,3 tỷ đồng và chủ yếu đến từ khớp lệnh.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, dù sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo và hơn gấp 2 lần sắc đỏ, nhưng đà tăng của VN-Index không thể được nới rộng do chịu lực cản từ các mã lớn như GAS, DPM, CTG, BID, EIB, nhóm chứng khoán…

Đúng như dự đoán, áp lực chốt lời đã gia tăng trong phiên sáng nay. Với việc thị trường đã có chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, nhiều mã cũng đạt được mức tăng 10-20% và với diễn biến của thị trường như thời gian qua, thì việc một số nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, một số người thoát ra, thì có những người đã chậm chân trong đợt sóng trước nhận thấy cơ hội thị trường vẫn còn lớn, nên không ngần ngại vào hàng, giúp diễn biến thị trường phiên sáng nay diễn ra sôi động hơn hẳn so với các phiên trước. Thanh khoản trên cả 2 sàn được cải thiện đáng kể và quan trọng, lực mua từ những nhà đầu tư mới giúp đà tăng của 2 sàn được duy trì, trong đó đáng chú ý là HNX-Index có mức tăng khá mạnh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 1,3 điểm (+0,24%), lên 564,33 điểm với 94 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,7 triệu đơn vị, giá trị 1.226,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không lớn với 5,8 triệu đơn vị, giá trị 72,6 tỷ đồng.

HNX-Index tăng tốt hơn khi không có lực cản từ các mã lớn như VN-Index. Cụ thể, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+1,17%), lên 81,19 điểm với 80 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,7 triệu đơn vị, giá trị 412,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng chỉ đóng góp chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị gần 15 tỷ đồng.

Hoạt động “ra - vào” nhộn nhịp trong phiên sáng nay đến từ các mã có tính đầu cơ cao. Trên HOSE, lực cầu tăng mạnh đầu phiên giúp HQC, ITA, GTN lên mức giá trần trong nửa đầu phiên. Tuy nhiên, áp lực bán ra tăng sau đó khiến các mã này không còn giữ được sắc tím, thanh khoản của cả 3 khá tốt, hơn 3,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, OGC sau phiên giảm sàn hôm qua đã tăng trần trở lại, lên 2.500 đồng trong phiên sáng nay. Kết thúc phiên, OGC được khớp gần 4,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.

HHS dù không còn duy trì đà tăng mạnh như đầu phiên, nhưng vẫn tiếp tục có phiên tăng giá tiếp theo. Đây là cổ phiếu đang được nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Nhóm khoáng sản có sự phân hóa, trong đó 3 mã LCM, KTB, KSS tiếp tục duy trì mức giá trần, trong khi BMC lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau những rung lắc nhẹ đầu phiên, đà đồng loạt lấy lại đà tăng với sự dẫn dắt của VCB. Tuy nhiên, các mã lớn khác như nhóm dầu khí (GAS, PVD, DPM), chứng khoán (SSI, HCM), VNM, GMD, REE không chịu được áp lực từ nguồn cung nên cùng đóng cửa trong sắc đỏ. Đây chính là những lực cản khiến VN-Index không thể tiến nhanh như HNX-Index.

Các mã có tính đầu cơ cao khác như FLC, HAI, VHG, KBC đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, FLC được khớp nhiều nhất với 9,4 triệu đơn vị.

Trên HNX, tâm điểm trong những phút giao dịch đầu tiên chính là PVX. Dòng tiền chảy mạnh đầu phiên giúp mã này nhanh chóng xác lập mức giá trần 4.200 đồng. Thậm chí, có lúc lượng dư bán giá trần mấy trăm ngàn đơn vị được hấp thụ hết trong tích tắc. Tuy nhiên, lực bán ở mã này cũng khá lớn, nên PVX không giữ được mức giá trần khi đóng cửa khi đứng ở mức 4.100 đồng, tăng 5,13% với 4,3 triệu đơn vị được khớp.

KLF cũng duy trì được mức tăng nhẹ 1 bước giá với 4,23 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, S99 vẫn đang giữ độ nóng của mình khi đóng cửa sát mức trần với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Hoạt động “ra-vao” tại ITQ cũng khá sôi động và nhiều khả năng, diễn biến tại mã này sẽ đáng xem trong phiên chiều.

So với mức giá thấp nhất 52 tuần 7.600 đồng hôm 7/5, thì hiện ITQ đã có mức tăng khoảng 40%, nên mã này có khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lời. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của ITQ, Công ty vừa xuất 3 container hàng nhựa sang Pháp và sắp tới là các sản phẩm nhựa mới. Kết quả kinh doanh tháng 5 dù chưa được công bố, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này tự tin cho biết, sẽ tốt hơn nhiều trong tháng 4 và cùng kỳ. Cùng với việc mã này có lúc đã lên trên 40.000 đồng, thì nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ gặt hái được lợi nhuận.

Trong khi đó, BAM và ASA có mức giá trần ngay từ đầu phiên và yên vị với sắc tím khi lược cung gần như không có, trong khi bên mua còn dư mua giá trần rất lớn.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục