Hơn 100 quỹ đầu tư quản lý 5.000 tỷ USD tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam

“Hội nghị Đầu tư Invest ASEAN 2015 (Việt Nam) – Công xưởng mới của thế giới” đang diễn ra tại TP. HCM, 15 doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Malaysia, Singapore đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của hơn 100 đại diện các quỹ đầu tư với tổng giá trị tài sản quản lý lên tới 5.000 tỷ USD đang có mặt trong hội nghị tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện hơn 100 quỹ đầu tư với tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ USD có mặt tại Hội nghị Đầu tư ASEAN 2015 Đại diện hơn 100 quỹ đầu tư với tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ USD có mặt tại Hội nghị Đầu tư ASEAN 2015

Tại hội nghị, ông John Chong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành công xưởng mới của thế giới.

“Chúng tôi rất lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và ước tốc độ tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm nay. Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN như một thị trường thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa vị thế của Việt Nam so với các nước láng giềng với vai trò là trung tâm sản xuất của cả khu vực”, ông John Chong nhận định.

Một trong những nhân tố dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được hưởng lợi từ tỷ trọng cao nhất khu vực của FDI chiếm trên 5% so với tổng thu nhập quốc dân.

Các chuyên gia kinh tế của Maybank Kim Eng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có thặng dư thương mại. Trong 5 năm qua, xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại… đã tăng 5 lần, vượt qua đóng góp của ngành dệt may. Ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 170 tỷ USD vào cuối năm 2014 với sản phẩm xuất khẩu đi hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với thu nhập trên đầu người 2.200 USD/người/năm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển từ gia tăng cơ học: vốn, lao động… sang nâng cao năng suất của các yếu tố đầu vào. Trong giai đoạn này, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục, công nghệ cũng như hạ tầng (cứng và mềm). Bên cạnh đó, thị trường tài chính cũng phải nhanh chóng bắt kịp để không làm cản trở cơ hội vàng tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó xhủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, qua 15 năm phát triển, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt khoảng 32% GDP, nếu tính cả dư nợ trái phiếu, quy mô của thị trường vốn Việt Nam đạt 55% GDP và đã khẳng định là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế. Trong 15 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển từ một hệ thống tài chính dựa hoàn toàn vào ngân hàng sang một hệ thống đa trụ cột, có sự tham gia ngày một tăng của thị trường vốn.

Việt Nam đang có ưu thế về cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ ngày càng chuyên nghiệp và làn sóng đầu tư từ các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel… Việt Nam hội đủ yếu tố trở thanh công xưởng mới của thế giới, mở ra cơ hội và tiềm năng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

Linh Lan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục