Trong tuần này, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng được công bố. Thông tin đầu tiên là CPI đã được công bố cuối tuần trước với việc CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,2%, tính chung 5 tháng tăng 1,08% và tăng 4,72% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dường như thông tin CPI không còn mấy ảnh hưởng đến thị trường, vì đã được dự báo từ trước.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, sự thận trọng được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu, nhất là với việc nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh đang bán ra.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,01%), xuống 541,43 điểm với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 21 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi bên mua vẫn giữ thái độ thận trọng khi đặt lệnh mua ở mức giá thấp, thì bên bán bắt đầu mất kiên nhẫn, hạ thấp giá để thoát hàng, khiến biên độ giảm tăng dần. VN-Index có lúc mất hơn 5 điểm và lùi về mốc hỗ trợ 535 điểm. Tuy nhiên, kịch bản cũ lại được áp khi các mã lớn như MSN, VIC, VCB được đỡ giá để giúp thị trường không giảm quá sâu. Với sự hỗ trợ của các mã lớn, VN-Index dần quay đầu phục hồi và vượt qua tham chiếu trong những phút cuối của phiên sáng.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,03 điểm (+0,19%), lên 542,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,76 triệu đơn vị, giá trị 818 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 14 triệu đơn vị, giá trị 265 tỷ đồng. Riêng TBC được thỏa thuận 12,5 triệu đơn vị, giá trị 252,04 tỷ đồng, đúng bằng số lượng cổ phiếu TBC mà REE đăng ký mua từ 26/5 đến 24/6. Nếu đúng là REE đã mua lượng cổ phiếu TBC này, thì tỷ lệ sở hữu của REE tại TBC được nâng lên thành 58,14%. VN30-Index tăng 0,66 điểm (+0,11%), lên 595,11 điểm.
HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,21%), xuống 74,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,78 triệu đơn vị, giá trị 213,17 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,9 điểm (-0,61%), xuống 147,24 điểm.
Từ chỗ chỉ bằng chưa tới 1/3 số mã giảm trong 1 tiếng đầu giao dịch, số mã tăng giá đã nhiều dần trên 2 sàn, cùng với sự tích cực của bên nắm giữ tiền mặt và chỉ còn ít hơn chút ít so với số mã giảm khi chốt phiên.
FLC dù rung lắc nhẹ đầu phiên, nhưng sau đó nhờ lực mua tốt, đã bật tăng trở lại, thậm chí có lúc lên mức giá trần 11.100 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 10.900 đồng, tăng 500 đồng (+4,81%) với 8,32 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, HQC có lúc còn vệ gần mức sàn, trước khi được kéo dần về tham chiều khi đóng cửa phiên với 2,65 triệu đơn vị được khớp. Cùng với HQC, IJC, ITA cũng đóng cửa ở mức tham chiếu, dù chìm trong sắc đỏ nửa đầu phiên.
VCB sau ít phút ngập ngừng đầu phiên đã bứt phá với mức tăng 700 đồng (+2,66%), lên 27.000 đồng nhờ lực cầu ngoại. MSN cũng leo lên mức cao nhất phiên 91.500 đồng nhờ khối ngoại. Tương tự là VIC cũng có sắc xanh khi chốt phiên sáng nhờ lực cầu ngoại. Tuy nhiên, các mã này đều có thanh khoản rất thấp.
Trong khi đó, DLG gây chú ý khi được kéo từ mức dưới tham chiếu 2 bước giá lên mức giá trần khi chốt phiên với gần 2 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, KLF là mã có diễn biến giá tích cực nhất trong nhóm dẫn dắt, trong khi PVX, SCR và SHB đều giảm nhẹ, dù có lúc được kéo lên trên tham chiếu. Chính lực mua thận trọng của nhà đầu tư trên sàn HNX khiến HNX-Index không thể có sắc xanh như VN-Index, dù có lúc cũng đã vượt qua tham chiếu.
PVX và SCR là 2 mã được khớp lớn nhất trên HNX khi cùng được khớp hơn 3 triệu đơn vị. Cả 2 mã đều giảm nhẹ 100 đồng khi đóng cửa phiên sáng. Trong khi đó, KLF chỉ còn duy trì mức tăng 200 đồng (+1,92%), dù có thời điểm đầu phiên tăng tới 500 đồng (+4,81%).
Cũng giống DLG trên HOSE, S99 trên HNX cũng gây ấn tượng khi được kéo từ mức giá dưới tham chiếu 2 bước giá lên mức giá trần, thậm chí S99 còn dư mua giá trần và được khớp gàn 300.000 đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 200.000 đơn vị trên HNX trong phiên sáng nay, trong khi trên HOSE, khối này cũng chỉ mua vào hơn 1,5 triệu đơn vị trong phiên sáng nay, mức khiêm tốn hơn nhiều so với các phiên trước.