Đó là một số chia sẻ của bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt (VDSC) trong cuộc trao đổi với ĐTCK.
TTCK sụt giảm sau khi thông tin căng thẳng trên Biển Đông lan ra. Theo bà, mức độ “thiệt hại” của thị trường như thế nào?
Chu kỳ tăng giảm ngắn hạn của TTCK hình thành trên kỳ vọng của NĐT về triển vọng của nền kinh tế. Giữa lúc kỳ vọng chưa được “neo” vững chắc thì một tín hiệu bất ổn có thể khuếch đại thành “ngòi nổ”. Sự kiện trên Biển Đông vừa qua có thể coi là một ngòi nổ thực sự và bất ngờ đối với NĐT trên TTCK. Không những thế, những “tàn tích” sau “vụ nổ” như các vụ gây rối ở một số khu công nghiệp, hay TTCK liên tục lặp lại kịch bản tăng giảm với biên độ mạnh đã khiến niềm tin vào thị trường của nhiều NĐT bị lung lay.
Ngày 8/5, thị trường đã có một phiên sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử những ngày thứ Năm của TTCK Việt Nam, VN-Index giảm 6,23%, HNN-Index giảm 6,84%. Tính đến ngày 19/5, phiên khẳng định sự phục hồi, thì vốn hóa thị trường đã bị giảm khoảng 1,5 tỷ USD, P/E bình quân toàn thị trường giảm từ 15x xuống 13x (trong đó, P/E sàn HOSE giảm còn 12,7x). Trong số 670 cổ phiếu đang niêm yết trên cả hai sàn, khoảng 38% cổ phiếu giảm về vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể các nhóm cổ phiếu theo ngành nghề thì sao, thưa bà?
Trong giai đoạn thị trường sụt giảm vừa qua, có nhiều nguyên nhân được nhắc đến trong các quyết định bán cổ phiếu liên quan đến ngành dầu khí, cảng, các công ty có cổ đông lớn là NĐT nước ngoài, nhưng chủ yếu đến từ tâm lý lo sợ hơn là những suy nghĩ có cân nhắc. Ví dụ, theo tin liên hệ với các doanh nghiệp, chẳng hạn PVN, không có công ty nào trong tập đoàn này có hoạt động gần khu vực xảy ra căng thẳng. Các DN cảng khu vực Hải Phòng cho biết, tỷ trọng các tàu ghé cảng để nhận hàng đi Trung Quốc rất thấp, không phải vì diễn biến trên Biển Đông, mà vì hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ.
Riêng đối với lo ngại NĐT nước ngoài sẽ rút vốn, thì với con số giao dịch của họ trong thời gian vừa qua đã chứng minh điều ngược lại. Khối ngoại tăng mua cổ phiếu, tổng giá trị mua ròng trên cả hai sàn từ ngày 8/5 đến 20/5 lên đến 2.000 tỷ đồng.
Khối ngoại tăng mua, có nghĩa là TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn?
TTCK Việt Nam nhìn chung vẫn đang hấp dẫn so với một số nước trong khu vực và nhiều NĐT nước ngoài như TS. Marc Faber có quan điểm tích cực đối với triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ đang quyết liệt cổ phần hóa các DNNN nhằm tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước, tạo thêm nguồn hàng cho TTCK; xử lý các vấn đề tồn đọng như nợ xấu, tồn kho bất động sản…
Bên cạnh đó, nền kinh tế đang trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập, các hiệp định thương mại tự do như TPP được thúc đẩy để có thể hoàn tất đi vào thực hiện. Kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm của Việt Nam là khả quan: lạm phát ở mức thấp, xuất khẩu tăng trưởng khá, FDI duy trì tốc độ giải ngân và có dấu hiệu tăng, sản xuất đang phục hồi…
Như vậy, NĐT cần hành động thế nào, thưa bà?
Những căng thẳng trên Biển Đông có thể kéo dài và sự phục hồi của thị trường trong các phiên gần đây là nhờ sự hồi lại của tâm lý NĐT. Trong thời gian tới, không loại trừ sẽ tiếp tục có những tin tức “gây lo sợ”. Do đó, NĐT nên tập “sống chung” với điều đó. NĐT nên nhìn vào nội tại của doanh nghiệp, cho dù có chuyện gì xảy ra, HPG vẫn sản xuất thép, TCM vẫn “may quần áo”… Với những cổ phiếu cơ bản và có triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, NĐT trung - dài hạn nên tích lũy dần, “phần thưởng” sẽ là không nhỏ.
Chúng tôi giữ quan điểm, tháng 5 này là tháng để “chim sẻ nhặt thóc”, những cổ phiếu tốt và có triển vọng tăng trưởng trong tương lai gần nên được tích lũy trong thời gian này. Đối với các cổ phiếu giảm mạnh và tăng nóng trở lại trong thời gian qua, những NĐT chọn đúng thời điểm đã có những thu hoạch đáng kể. Khoảng 20% cổ phiếu có mức hồi phục mạnh (trên 15%) sau đợt sụt giảm vừa qua, Trong đó, đáng chú ý là các cổ phiếu blue-chip như HSG, VCB, BVH, HSG, HCM…