Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Động lực đi lên đã suy yếu

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi bàn tròn với nhà báo Hải Vân, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, sau quá trình hồi phục vừa qua, tâm lý và mặt bằng định giá chung của thị trường đã quay về điểm cân bằng. Do đó, động lực để thị trường đi lên tiếp đã suy yếu. Tuy nhiên, rủi ro giảm sâu là khó vì dòng tiền chờ thời vẫn khá lớn, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục xu thế mua ròng.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Động lực đi lên đã suy yếu

Việc xét xử "bầu" Kiên đang rất nóng, theo các ông/bà, điều này tác động ra sao đến thị trường chứng khoán cũng như đến nhóm cổ phiếu ngân hàng?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo quan sát của tôi thì điều này không ảnh hưởng nhiều, dù nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như các nhà đầu tư cá nhân khá quan tâm đến sự kiện này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn, tổ chức lại ít chú ý hơn, bởi vì theo họ, khi “bầu” Kiên bị bắt, thì việc xét xử này sớm muộn cũng phải xảy ra.Trong khi việc kinh doanh, đầu tư là công việc của họ không thể dừng lại vì chuyện này, với lại, thông tin chủ yếu đã phản ánh vào giá vào giai đoạn “bầu” Kiên bị bắt, dư âm của nó đến giờ sẽ còn lại ít, trừ khi có những tình tiết đặc biệt mới.

Nếu nói vụ xét xử “bầu” Kiên, thì tình hình Biển Đông được quan tâm nhiều hơn, vì đây là vấn đề vĩ mô hơn nhiều, đồng thời ảnh hưởng thị trường nhiều hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Thông tin tác động tới thị trường tuần vừa qua vẫn là tình hình căng thẳng tại Biển Đông và phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Kiên. Tuy nhiên, trái ngược với những lo ngại của nhà đầu tư, thị trường đã ổn định trở lại và có tuần tăng điểm ấn tượng.

Nhiều cổ phiếu đã tăng về gần mức giá đầu tháng 5, nhiều cổ phiếu đã tăng 15% đến gần 40% như HPG, VCR, KLS, ITA, SCR....

Khối ngoại vẫn mua ròng đều đặn từ đầu tháng 5 đến nay. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù có mức phục hồi không mạnh như một số nhóm cổ phiếu khác, nhưng cũng đã ổn định và tăng trở lại. Như vậy, có thể thấy, việc xét xử ông Nguyễn Đức Kiên hầu như không còn tác động gì tới thị trường. 

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới  CTCK VNDirect

Theo cá nhân tôi, tác động của việc xét xử này tới thị trường là gần như không còn nữa và những lo ngại của các nhà đầu tư đã dịu lắng xuống. Điều này thể hiện rõ trong diễn biến giao dịch của tuần vừa qua, khi thị trường vẫn tăng điểm tốt và bỏ qua các diễn biến của các phiên xét xử.

Tôi đánh giá, đây là một yếu tố tích cực, bởi điều này xóa bỏ các tâm lý lo ngại không thiết thực và đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư về thông điệp tiếp tục minh bạch cũng như làm lành mạnh thị trường tài chính của Chính phủ.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Vụ án của bầu Kiên trên thực tế sẽ không còn tác động mạnh đến thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện tại, do 2 nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, vụ việc đã diễn ra cách đây gần 2 năm và các thông tin tiêu cực trong vụ việc này, các thiệt hại mà nó gây ra cho bản thân Ngân hàng ACB, các bên liên quan và hệ thống ngân hàng đều đã được làm rõ. Do đó, các yếu tố tiêu cực đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng, quá trình xét xử vụ án này cũng sẽ không có những tình tiết mới gây tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Thứ hai, trên thị trường chứng khoán, cơ chế truyền đạt và phản ánh thông tin thường theo quy luật khá đặc thù. Đó là các thông tin mới thường tác động mạnh và gây ra các phản ứng thái quá, trong khi các thông tin đã cũ thường ít gây được sự chú ý. 

Do đó, vụ án Bầu Kiên hiện nay cũng sẽ không có tác động nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Sau một nhịp hồi phục, cả hai chỉ số đã tiến tới những mốc kháng cự, vùng 550 - 555 điểm đối với VN-Index và 79 - 80 điểm đối với HNX-Index, khiến nhà đầu tư lo ngại một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ diễn ra. Một lý do nữa cũng khiến nhà đầu tư lo ngại là phiên tòa xét xử bầu Kiên đang diễn ra. Vì thế, hầu hết nhà đầu tư đều mạnh tay chốt lời số cổ phiếu mua giá rẻ trước đó, tạo áp lực nhỏ lên thị trường.

Tuần qua, thị trường liên tiếp tạo ra những nhịp tăng giảm ngay trong phiên, hầu hết nhà đầu tư đã chốt lời và thị trường được thay thế bởi những nhà đầu tư mới. Vì vậy, lo ngại về nhịp điều chỉnh mạnh diễn ra khi 2 chỉ số tiếp cận ngưỡng trên là không khả thi, khi mà nguồn cung giá thấp không còn. Nguồn cung này sẽ chỉ xuất hiện nếu có một thông tin rất thiếu tích cực diễn ra. Tuy nhiên ở giai đoạn này, nhà đầu tư cũng đã dần quen với áp lực và góc nhìn của họ đang hướng đến sự tích cực hơn. Điều đó thể hiện rất rõ qua phiên cuối tuần (23/05) khi áp lực bán không thực sự mạnh ngay cả những thời điểm thị trường đồng loạt bị bán ra.

Dòng tiền đã bắt đầu quay trở lại với nhóm cổ phiếu nóng, nhưng khối ngoại đang giảm dần mua vào, thậm chí đã có phiên bán ròng sau 20 phiên mua ròng liên tiếp. Các ông/bà có dự báo ra sao về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Tôi nghĩ, dòng vốn ngoại vẫn sẽ tiếp tục được duy trì khi kinh tế vẫn đang tốt dần lên, giá cổ phiếu đã rẻ hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm. Bên cạnh đó, những chính sách của Nhà nước hiện rất hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp lẫn nền kinh tế phát triển và thu hút dòng vốn ngoại.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Trong tuần vừa qua, khối nhà đầu tư tiếp tục mua ròng trên cả 2 sàn. Như vậy, tính từ đầu tháng 5 tới nay, khối ngoại đã mua ròng gần 1.900 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm tới đây. Theo tôi, trong thời gian tới, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, trong kỳ revew sắp tới của quỹ ETFs sẽ tăng khoảng 5% (tương đương 25 triệu USD) vào thị trường Việt Nam. 

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới  CTCK VNDirect

Dòng tiền quay trở lại thị trường khá rõ rệt và mạnh mẽ trong những phiên mà nhà đầu tư nội hoảng loạn bán tháo do lo ngại tình hình ở Biển Đông. Khối ngoại đã có chuỗi các phiên mua ròng liên tiếp trên 2 sàn với giá trị mua lớn (200-300 tỷ đồng/phiên) trong giai đoạn từ 8-19/05/2014.

Điều này giúp cho thị trường tìm được điểm dừng và hồi phục trở lại trong hơn 1 tuần qua, bởi lượng cung hàng được giải quyết bớt và cất đi cho các mục tiêu trung và dài hạn, trong khi đó nó cũng giúp tình hình giải quyết vay nợ margin của nhiều nhà đầu tư trở về trạng thái an toàn hơn.

Tuy nhiên, hiện dòng tiền này đã chững lại bởi giá đã tăng tương đối và giảm mức độ hấp dẫn, mặc dù tôi vẫn đánh giá dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục rất tích cực mua trong cả năm nay, nhưng trong thời gian ngắn hạn vài tuần tới, dòng tiền có thể sẽ bị rút bởi các quỹ ETFs theo chu kỳ hàng năm của nhóm này.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Trong thời gian qua, khi theo sát diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tôi nhận thấy, họ bám rất sát diễn biến thị trường và giao dịch mua/bán của họ cũng rất bài bản.

Họ mua ròng liên tiếp kể từ chân sóng tăng của VN-Index vào tháng 11/2013 cho tới tháng 2/2014. Họ bắt đầu bán mạnh vào tháng 3 với giá trị ròng lên đến 1.669 tỷ đồng, trùng vào thời điểm VN-Index tạo đỉnh cao nhất 609,46 điểm và sau đó thị trường cũng bắt đầu điều chỉnh giảm.

Sau đó, họ mua ròng trở lại vào tháng 4 và tháng 5 trong bối cảnh VN-Index lao dốc từ đỉnh xuống vùng thấp nhất 508,51 điểm, đặc biệt là mua ròng mạnh nhất trong các đợt giảm vào thời điểm giữa và cuối tháng 5 khi nhà đầu tư nội hoảng loạn.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 tới ngày 22/5, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE lên tới 1.613 tỷ đồng Điểm nhấn của hoạt động mua ròng của họ trong đợt “sale off” gần đây chủ yếu tập trung vào các mã cổ phiếu bluechips như GAS, HPG, PVD, HAG, MSN…

Trong đó vốn đổ vào quỹ VNM ETF tiếp tục tăng trong thời gian gần đây, nhất là trong đợt thị trường giảm mạnh. Tính từ đầu năm, dòng vốn đổ ròng vào Quỹ đạt 104,83 triệu USD, tiếp tục duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ bản, lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò lực đỡ lớn hỗ trợ thanh khoản chung của thị trường trong thời gian gần đây. Các chỉ số đo lường mức độ ổn định của vĩ mô Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá như CDS 5 Year, Bond Yield vẫn khá ổn định và giảm dần cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thay đổi nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Do đó, về mặt xu hướng nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, tôi cho rằng, mua ròng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo khi mức PE hiện tại của Việt Nam đang khá rẻ với kinh tế vĩ mô vẫn đang cải thiện đáng kể. Cùng với kỳ vọng về khả năng nới room trong thời gian tới sẽ là cú huých đối với thị trường trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Trong những phiên gần đây, khối ngoại đã giảm mức độ mua vào, nhưng điều đó không quá đáng ngại bởi thực tế dòng tiền nội đã được kích hoạt trở lại. nhà đầu tư nước ngoài được ví như “bà đỡ” của thị trường và hầu như họ chỉ mua khi mức giá trở nên hợp lý hoặc nhà đầu tư bán rẻ. Những phát biểu gần đây cho thấy, khối ngoại vẫn rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam, cho dù sự kiện căng thẳng trên biển Đông vẫn chưa lắng dịu. Và những thông điệp, những nỗ lực mà Chính phủ đang làm, tiếp tục tạo lòng tin cho các nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Câu hỏi không thể thiếu hàng tuần, nhận định của các ông/bà về thị trường chứng khoán trong tuần tới (26/5 đến 30/5)?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Tuần qua, thị trường đã có 1 tuần tăng điểm sau 1 tháng giảm giá. Bởi thế, tuần tiếp, cũng là tuần cuối tháng 5 là tuần khá quan trọng để xác định xem xu hướng giảm điểm còn tiếp tục hay không, hay thị trường bắt đầu vào giai đoạn tích lũy cho một sóng tăng mới.

Theo tôi, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân nên quan sát kỹ thị trường trong tuần này. Các nhà đầu tư trung, dài hạn với tỷ trọng tiền mặt lớn có thể bắt đầu tích lũy dần cổ phiếu để xây dựng danh mục đầu tư mới cho mình.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Trong tuần tới, thị trường nhiều khả năng sẽ điều chỉnh ngắn hạn về vùng 530-538 điểm, sau đó sẽ tăng trở lại vượt mức 545 điểm. Thị trường nhiều khả năng sẽ đi trong biên độ 530-560 điểm đối với VN-Index và 72-76 điểm đối với HNX-Index.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới  CTCK VNDirect

Sau quá trình hồi phục vừa qua, tâm lý và mặt bằng định giá chung của thị trường đã quay về điểm cân bằng. Do đó, động lực để thị trường đi lên tiếp đã suy yếu và rủi ro sideway để tạo mặt bằng giá mới hoặc điều chỉnh được tôi đánh giá cao hơn.

Nhìn chung, khi thị trường không có những rủi ro tổng thể, thì tính chất phân hóa sẽ phát huy, nên vẫn có những cơ hội cho các nhà đầu tư mạo hiểm, nhưng theo tôi hiện cơ hội sẽ ít và rủi ro ngắn hạn đang nhiều hơn.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Tuần vừa qua, VN-Index tiệm cận sát vùng kháng cự MA20 và ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% tương ứng với VN-Index 550 điểm và thoái lui trở lại cho thấy khả năng thị trường đang tạo một nhịp điều chỉnh sau đợt hồi phục dạng chữ V mang tính đầu cơ cao trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, giá nhiều cổ phiếu cũng đã hồi phục nhanh từ 10-20% kể từ đáy, do đó vùng giá hiện tại không còn quá "hời" nữa trong bối cảnh tin hỗ trợ chưa nhiều. Và diễn biến lình xình giảm điểm 2 phiên cuối tuần đang cho thấy, đỉnh ngắn hạn đang hình thành, tuy nhiên, khả năng giảm sâu là khó, mà nghiêng về kịch bản lình xình giảm, tạo đáy võng xuống rồi sau đó phục hồi với thời gian dao động trong khoảng 4 đến 6 tuần. Ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn nằm ở dải 515 - 530 điểm và khả năng thị trường sẽ giao dịch sideway tạo đáy tại vùng này và đi lên. Kịch bản xấu nhất thì VN-Index cũng khó thủng hỗ trợ mạnh 500 điểm và đợt giảm này nếu có vẫn là cơ hội lớn để tích lũy cổ phiếu tốt trong năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Tâm lý nhà đầu tư đã ổn định một cách rõ ràng và thị trường cũng chỉ cần điều này, bởi sẽ giúp cho những nhìn nhận của nhà đầu tư công bằng hơn, bớt đi những áp lực tâm lý. Thị trường chứng khoán vẫn cho thấy đây là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao nhất và hấp dẫn nhất giai đoạn này. Thực tế trong nhịp hồi phục vừa qua, một lượng tiền lớn vẫn đứng ngoài quan sát và chờ đợi cơ hội, do vẫn có những lo ngại. Đây sẽ là một lực đỡ rất tốt nếu thị trường có nhịp giảm mạnh, nhưng điều này khó khả thi. Thanh khoản của thị trường đã tăng nhẹ so tuần trước đó, nhưng vẫn giữ ở mức trung bình với khoảng 100 triệu đơn vị/phiên trên HOSE. Với khối lượng giao dịch như vậy chưa đủ để có thể tạo ra sự đột biến mạnh cho rủi ro giảm điểm.

Những thông tin về tình hình kinh tế tháng 5 sẽ được công bố và nhiều khả năng không có đột biến. Chỉ số PMI có thể sẽ là chỉ số được quan tâm nhất, nhưng liệu có tiếp tục vượt qua mốc tháng 4 với 53,1 điểm hay không?

Thêm câu hỏi quen thuộc, theo các ông/bà, đâu là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư cần lưu tâm?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Với các nhà đầu tư trung và dài hạn, thì việc tích lũy những mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, giảm nhiều trong giai đoạn vừa qua sẽ là những khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển từ các mã đã tăng nóng trong thời gian vừa qua sang những nhóm mã, ngành cơ bản tốt như PVS, VHG, SSI.... Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét đưa những cổ phiếu cơ bản tốt, chưa tăng nhiều trong nhịp điều chỉnh tăng vừa qua vào giỏ theo dõi.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Về cổ phiếu, sóng hồi phục hình chữ V trong thời gian qua được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu đầu cơ penny sau đó lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác. Tuy nhiên, lượng cung hàng giá thấp được mua từ trước đó đã thực hiện hoạt động chốt lời trong tuần qua tại các nhóm đầu cơ dẫn dắt như VHG, DLG, FLC, PVX...và có tín hiệu dịch chuyển dần sang nhóm cổ phiếu thuộc dòng cơ bản tốt như HPG, DRC, DMC, PVD… Do đó, trong thời gian tới, tôi nhận định, khả năng thị trường sẽ tạo lập đáy trung hạn trong năm nay và dòng tiền sẽ chảy vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt. Đối với giai đoạn này, tôi đặc biệt quan tâm tới 5 mã chiến lược: HPG, CSM, FPT, REE, HAG mà NDT có thể theo dõi và mua gom cho sóng hồi trung hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Xem xét tại nhiều cổ phiếu, hầu hết mức tăng vừa qua vẫn còn cách những vùng kháng cự một khoảng khá xa. Và đó sẽ là dư địa cho nhịp tăng kế tiếp trong tuần tới, trong đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục khuấy đảo thị trường. Dòng tiền sẽ được kích hoạt trở lại ngay cả với những nhà đầu tư vừa bán chốt lời trước đó. Việc quay trở lại đa phần là kiếm tìm cổ phiếu mới, đặc biệt là những cổ phiếu có mức hồi phục không nhiều trong giai đoạn vừa qua, như BMP, CTG, MBB, DPM, SSI, REE... Vì thế, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tốt hãy kiên trì nắm giữ, bởi dòng tiền sẽ sớm hướng tới.

-------------------------------------

“Tuần cuối tháng 5 là tuần khá quan trọng để xác định xem xu hướng giảm điểm còn tiếp tục hay không, hay thị trường bắt đầu vào giai đoạn tích lũy cho một sóng tăng mới” - ông Phan Dũng Khánh.
----------------------------------------
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Động lực đi lên đã suy yếu ảnh 2
“Trong kỳ revew sắp tới của quỹ ETFs sẽ tăng khoảng 5% (tương đương 25 triệu USD) vào thị trường chứng khoán Việt Nam”
- bà Bà Nguyễn Ngọc Lan

--------------------------------------

“Động lực để thị trường đi lên tiếp đã suy yếu và rủi ro sideway để tạo mặt bằng giá mới hoặc điều chỉnh được tôi đánh giá cao hơn” - ông Nguyễn Trung Du.

-----------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Động lực đi lên đã suy yếu ảnh 4
“Diễn biến lình xình giảm điểm 2 phiên cuối tuần đang cho thấy, đỉnh ngắn hạn đang hình thành, tuy nhiên, khả năng giảm sâu là khó, mà nghiêng về kịch bản lình xình giảm, tạo đáy võng xuống rồi sau đó phục hồi”
- ông Trần Hoàng Sơn.

 --------------------------------------

“Thị trường chứng khoán vẫn cho thấy là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao nhất và hấp dẫn nhất giai đoạn này” - ông Nguyễn Hữu Bình.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục