Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/5 của một số công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/5

DRC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybak KimEng (MBKE)

Doanh thu quý I/2014 tăng chủ yếu là do DRC tiêu thụ được khoảng 14.000 chiếc lốp radian toàn thép. Lợi nhuận gộp biên nới rộng từ 24% quý I/2013 lên 25,6% quý I/2014 do giá cao su thiên nhiên đầu vào (chiếm khoảng 45% giá thành) đã giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính ròng tăng hơn 2x, lên 32,9 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí lãi vay từ dự án lốp radian toàn thép.

Chi phí hoạt động tăng nhẹ với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu tăng từ 4,7% lên 5,2% do công ty tăng cường chiết khấu thương mại và quảng bá sản phẩm mới. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 85,8 tỷ đồng.

Trong năm 2014, DRC dự kiến doanh thu đạt 3.485 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 25 triệu USD, tăng 60% so với năm ngoái. DRC ước tính tiêu thụ 135.000 chiếc lốp radian toàn thép trong năm 2014. Với lợi thế về giá bán (chỉ bằng 80% so với hàng nhập khẩu), chúng tôi cho rằng DRC hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra đối với tiêu thụ lốp radian toàn thép. Tuy nhiên DRC lại khá thận trọng với lợi nhuận trước thuế 2014 dự kiến giảm 15% so với năm ngoái, còn 425 tỷ đồng do chi phí khấu hao và lãi vay tăng mạnh.

Chúng tôi cho rằng DRC vẫn được hưởng lợi từ giá cao su thấp giúp bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay gia tăng nên lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ không giảm nhiều. DRC đang được giao dịch tại P/E 2014 9,6x, cao hơn CSM hiện tại ở mức 7,5x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị GIỮ.

>> Tải báo cáo

PPC: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong quý I/2014, PPC tiêu thụ được khoảng 1,6 tỷ kwh điện, đạt 2.165 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm 2013, doanh thu thuần tăng 22% tuy nhiên lợi nhuận giảm mạnh (-77%) chủ yếu do PPC chịu chi phí lỗ tỷ giá khoảng 103 tỷ VNĐ trong quý I/2014 do đồng Yên tăng giá, trong khi cùng kỳ năm 2013, Công ty ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá 573 tỷ VNĐ do đồng JPY đã giảm giá đến 8% trong 3 tháng đầu năm 2013. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ giảm và giá điện tăng không đủ bù đắp mức tăng của giá than đầu vào cũng khiến lợi nhuận hoạt động sản xuất điện giảm khoảng 70 tỷ so với Q1/2013.

Nếu chỉ xét hoạt động sản xuất kinh doanh điện của PPC và không tính đến lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá, trong quý II/2014, PPC có thể đạt 1.940 tỷ VNĐ doanh thu và 179 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Nhiệt điện Hải Phòng. Tính đến cuối quý I/2014, PPC đang nắm giữ 127.450.000 cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 25,5% của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng. Năm 2013, Nhiệt điện Hải Phòng đạt 279,45 tỷ VNĐ lợi nhuận và kế hoạch lợi nhuận năm 2014 ở mức 278,4 tỷ VNĐ.

Chúng tôi dự báo PPC có thể đạt 7.148 tỷ VNĐ doanh thu và 778 tỷ lợi nhuận sau thuế trong năm 2014, tăng 9% về doanh thu tuy nhiên lợi nhuận giảm 53% do đồng Yên nhiều khả năng sẽ ổn định so với VNĐ khiến doanh thu tài chính giảm mạnh so với năm 2013.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2014 không có nhiều đột biến khi sản lượng tiêu thụ có thể giảm và tỷ giá JPY không còn nhiều biến động có lợi như năm 2013. Mức giá hợp lý theo mô hình DCF của chúng tôi ở mức 21.000 VNĐ/cổ phần – khá sát với giá giao dịch hiện tại của PPC (20.500 VNĐ/cổ phần). Do đó chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu PPC.

>> Tải báo cáo

HSG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu niên độ 2013-2014 kém khả quan chủ yếu là do (i) việc sử dụng hàng tồn kho giá cao khiến biên lợi nhuận gộp sụt giảm và (ii) một số khoản chi phí tăng cao. Doanh thu thuần đạt 6.640,6 tỷ đồng (+25,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 47,5% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 170,5 tỷ đồng (-51,7% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 28,4% kế hoạch).

Mặc dù HSG đứng đầu thị phần nội địa với hai mảng sản phẩm chính là tôn mạ và ống thép nhưng nhu cầu tiêu thụ tôn mạ suy giảm và nguồn cung ra thị trường ngày càng tăng khiến cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng tiêu thụ (46,7%) của HSG. HSG là nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu Đông Nam Á và hiện đang xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia trên thế giới, kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khi TPP thông qua. Tuy nhiên HSG vẫn phải đối mặt với rủi ro bị kiện chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như Indonesia và Thái Lan.

Chi phí khấu hao và lãi vay tăng lên sẽ khiến cho kết quả kinh doanh của HSG kém khả quan so với cùng kỳ. Chúng tôi dự báo, HSG có thể đạt 14.304 tỷ đồng doanh thu (+21,5% so với năm ngoái) và 449,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-22,6% so với năm ngoái), theo đó EPS forward đạt 4.663 đồng, P/E forward đạt 9,4 lần (so với mức trung bình ngành thép là 13 lần). Do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI HSG.

>> Tải báo cáo

DMC: PE dự phóng 2014 khá hấp dẫn 8x

CTCK Maybak KimEng (MBKE)

Doanh thu quý I/2014 tăng mạnh chủ yếu do DMC đã tái cấu trúc lại danh mục hàng sản xuất theo hướng loại bỏ những sản phẩm có giá trị thấp để tập trung vào những sản phẩm có hiệu quả cao hơn. Lưu ý là DMC hiện đang hoạt động ở mức công suất tối đa nên khó có khả năng tăng trưởng mạnh về sản lượng.

Việc Bà Lưu Hương Giang, đại diện của CFR tại DMC được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc có thể được xem như là một bước tiến mới trong vai trò của CFR tại DMC sau hơn 2 năm làm cổ đông chiến lược. Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng chiến lược hợp tác kinh doanh giữa DMC và CFR sẽ là yếu tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DMC.

DMC hiện đang giao dịch ở mức PE dự phóng 2014 khá hấp dẫn 8x, so với bình quân ngành 11x.

EVE: Lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm

CTCK Maybak KimEng (MBKE)

Doanh thu quý I/2014 chỉ giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 121 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 84% so với cùng kỳ năm ngoái còn 2,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí tăng mạnh bao gồm giá vốn, chi phí quản lý và bán hàng.

Theo dữ liệu lịch sử, BĐH của EVE rất có kinh nghiệm trong việc kiểm soát tốt chi phí với biên lợi nhuận gộp duy trì khoảng 38% trong 6 năm qua. Tuy nhiên, tổng chi phí của EVE lại tăng đột biến trong quý I/2014, tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu đã tăng từ 64% trong quý I/2013 lên 70%, dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm 6 điểm phần trăm. Việc lợi nhuận biên sụt giảm mạnh sẽ tác động lớn đến kết quả kinh doanh cả năm của EVE.

Chúng tôi dự báo doanh thu quý II/2014 sẽ khả quan hơn quý I do EVE sẽ tung ra sản phẩm phụ trợ mới. Ước doanh thu quý II/2014 sẽ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dự phóng lợi nhuận sau thuế vẫn tiếp tục giảm do lợi nhuận biên của các sản phẩm này không cao và EVE vẫn đang đầu tư sâu vào hệ thống bán hàng.

KBC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Quý I/2014, KBC đạt 154 tỷ đồng doanh thu (+296% so với cùng kỳ năm ngoái) và 13,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (cùng kỳ năm ngoái lỗ 53 tỷ). Kết quả được cải thiện mạnh như vậy là do tình hình thu hút FDI của KBC tiếp tục được cải thiện đáng kể từ cuối năm ngoái.

Tất cả các mảng hoạt động của KBC đều tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt. Hoạt động chính của KBC là hoạt động cho thuê đất và cơ sở hạ tầng đạt 114 tỷ doanh thu (+160% so với cùng kỳ năm ngoái). Các KCN đem lại doanh thu, lợi nhuận cho KBC trong quý I năm nay là KCN Quế Võ, Tràng Duệ. Tỉ suất lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện. Tỉ suất lợi nhuận gộp quý I/2014 của toàn KBC hợp nhất đạt 48% (năm 2013 đạt 46%, năm 2012 chỉ đạt 38%). Tỉ trọng trên doanh thu của hầu hết các đầu chi phí vẫn tiếp tục giảm. Đáng chú ý là chi phí lãi vay đã giảm 20% yoy .

Năm 2014, KBC đặt kế hoạch 1.800 tỷ doanh thu và 160 tỷ lợi nhuận sau thuế. VCBS cho rằng kế hoạch này khá tham vọng do gần 30% kế hoạch doanh thu là ở hoạt động thoái vốn. Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn tại các đơn vị dự kiến có thể bị kéo dài sang sau năm 2014. Thêm vào đó, 2 hoạt động chính còn lại (1) cho thuê đất và cơ sở hạ tầng KCN và (2) bán nhà xưởng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp vùng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mặc dù vậy chúng tôi đánh giá mức độ ảnh hưởng bởi yếu tố này đến FDI vào Việt Nam ở mức độ nhỏ, do phần lớn dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Indonexia, Singapore, Anh, Canada và Nhật Bản.

Do đó, chúng tôi cho rằng, KBC khó có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận. Quý I/2014, KBC mới chỉ hoàn thành 9% kế hoạch doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đã dần dần được cải thiện, tuy nhiên KBC vẫn đang trong quá trình hồi phục và chuẩn bị tăng tốc. Hiện tại, EPS trailing đạt 479 đồng. Tại mức giá 10.100 đồng/cổ phiếu ngày 22.05.2014, P/E trailing đạt 21,x lần, P/B đạt 0,73 lần – tương đối cao so với P/E trung bình ngành BĐS đang là 15,x. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu KBC.

>> Tải báo cáo

TLH: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh quý I/2014 của TLH tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận giảm mạnh. Doanh thu đạt 738 tỷ đồng (+22,7% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 28,6 tỷ đồng (-76,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ là do quý I/2013 TLH được hoàn nhập dự phòng 107 tỷ đồng khi sáp nhập CTCP Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến. Do đó kết quả kinh doanh của hoạt động cốt lõi trong quý I/2014 của TLH có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Kế hoạch 2014 của TLH đặt khá cao với sự tăng trưởng của cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế mặc dù không còn nhiều khoản hoàn nhập dự phòng lớn như năm 2013. Cụ thể, TLH đặt kế hoạch doanh thu thuần 4000 tỷ đồng (+31%) và lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng (+9% so với năm ngoái).

Dự án Nhà máy thép hình Bắc Nam: với quy mô là 300.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư vào dự án này cuối năm 2013 đạt 369 tỷ đồng (trong đó TLH góp 46,8%). Nhà máy này được đánh giá là có quy mô lớn nhất cả nước khi hiện nay, thép hình của Việt Nam chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu. Việc nhà máy đi vào hoạt động kỳ vọng tạo ra sự tăng trưởng tốt cho TLH, cung cấp ổn định nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên theo lãnh đạo công ty do khuôn mẫu chưa chuẩn bị xong nên dự kiến năm 2015 TLH mới đi vào vận hành nhà máy này. Do đó biên lợi nhuận gộp trong năm 2014 của TLH khó có thể cải thiện nhiều do doanh thu từ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Bán cổ phiếu quỹ và phát hành TPCĐ: TLH đã bán thành công 3,5 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá bình quân là 9.200đ/cp. Ngay sau đó TLH lại tiếp tục đăng ký bán từ 1,5 triệu đến 2,25 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 15/5 đến 15/6/2014. Nguồn vốn thu được từ bán cổ phiếu quỹ sẽ được TLH sử dụng để giảm các khoản nợ ngắn hạn. Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi đã được ĐHCĐ thông qua. Giá trị phát hành là 200 tỷ đồng, mỗi trái phiếu được chuyển đổi thành 10 cổ phiếu phổ thông, kỳ hạn trái phiếu tối đa là 3 năm, và mức lãi suất không quá 9%/năm Mục đích huy động vốn là đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại An Phước, bổ sung vốn lưu động cho nhà máy thép Bắc Nam,…

Khuyến nghị: TLH đang dần chuyển mình từ công ty thương mại thành công ty sản xuất thép hình. Tỷ lệ nợ của TLH sẽ giảm dần trong thời gian tới khi TLH phát hành thành công TPCĐ cũng như huy động vốn vay từ các cổ đông lớn. Tuy nhiên tăng trưởng kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu là là từ các khoản hoàn nhập dự phòng và doanh thu khác. Biên lợi nhuận gộp chưa thể cải thiện nhiều trong năm 2014 khi nhà máy thép hình Bắc Nam chưa đi vào vận hành. EPS theo kế hoạch 2014 là 1.549 đồng/CP, P/E forward đạt 5,3 lần, thấp hơn trung bình ngành thép là 11 lần. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI sự vận hành của nhà máy thép hình và quá trình cơ cấu nợ để ra quyết định đầu tư vào TLH.

SD6: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh quý I/2014 của SD6 tăng trưởng tốt. Doanh thu thuần đạt 174,6 tỷ đồng (+10,7% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 15,5 tỷ đồng (+103% so với cùng kỳ năm ngoái). Doanh thu thuần tăng nhẹ chủ yếu do công tác nghiệm thu thanh toán đạt hiệu quả cao. Mặc dù biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế quý I/2014 tăng trưởng mạnh do doanh thu tài chính tăng vọt lên tới 39,2 tỷ đồng. Khoản doanh thu tài chính đột biến này do SD6 đã bán toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu SJS trước đây công ty sở hữu.

Hiện tại SD6 đang thi công tại công trình thủy điện lớn như Huội Quảng, Lai Châu, Đồng Nai 5, Xekaman 1, và Xekaman Xanxay. SD6 còn đang thi công công trình hầm tại tòa nhà Quốc Hội, trụ bê tông của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và Sài Gòn - Cát Tiên. Mặc dù SD6 đã lên kế hoạch thoái vốn tại CTCP Sông Đà Hoàng Long nhưng chưa thành công

Kế hoạch 2014 của SD6 có sự tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, SD6 đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.225,8 tỷ đồng (+6,2%) và lợi nhuận sau thuế là 64,8 tỷ đồng (+46,3% so với năm ngoái). Kế hoạch quý II/2014 của SD6 cũng khá ấn tượng với doanh thu đạt 416,1 tỷ đồng (+19% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 32,5 tỷ đồng (+115% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo ban lãnh đạo của SD6 thì khả năng hoàn thành kế hoạch 2014 là rất cao do kết quả kinh doanh 2014 ghi nhận tới 85% từ các công trình đã hoàn thành, đợi nghiệm thu thanh toán.

Tổng công ty Sông Đà sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu SD6 lên 65%, theo đó SD6 sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty Sông Đà. Đến hết quý I/2014, Tổng công ty Sông Đà nắm giữ 60,5% vốn điều lệ. Lộ trình tăng sở hữu của Tổng công ty Sông Đà tại SD6 sẽ được hoàn tất trước ngày 30/6/2014.

SD6 là công ty hàng đầu về xây dựng hạ tầng của Tổng công ty Sông Đà. SD6 cũng là một trong số ít công ty có tăng trưởng tương đối tốt trong Tổng công ty Sông Đà. Tuy nhiên tăng trưởng của SD6 sẽ bị đe dọa khi các các công trình thủy điện lớn tại Việt Nam sẽ gần như hết sau năm 2015. Công ty cũng chủ động xây dựng chiến lược giảm dần sự phụ thuộc vào các công trình thủy điện và chuyển dần sang thi công các công trình nhiệt điện, hạ tầng đô thị, và đón đầu triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân. SD6 sẽ tăng vốn lên 347,7 tỷ đồng trong năm 2014 khi Tổng công ty Sông Đà nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%. EPS pha loãng theo kế hoạch 2014 là 1.975/CP, P/E forward đạt 5,6 lần, thấp hơn trung bình ngành xây dựng là 13 lần. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ SD6.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục