Trong những phiên gần đây, áp lực bán khá mạnh khiến VN-Index có 6 phiên giảm trong 7 phiên giao dịch gần đây và liên tục đánh mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của mình. Trong phiên hôm nay, nhiều nhận định cho rằng, thị trường có khả năng sẽ phục hồi kỹ thuật khi về ngưỡng hỗ trợ 570 điểm. Tuy nhiên, nỗi lo giải chấp, cũng như mắc bẫy bulltrap khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng, cản trở nỗ lực phục hồi của thị trường.
Trong phiên sáng nay, sau những phút đầu hứng khởi, nhà đầu tư đã nhanh chóng thận trọng trở lại khi nhận thấy lượng cung chờ bán rất mạnh, khiến thanh khoản thị trường suy giảm. Ngoài ra, với tác động tiêu cực của VNM đã cản trở đà phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên giao dịch sáng là độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía sắc xanh khi số mã tăng nhiều gấp rưỡi số mã giảm.
Tưởng chừng sự tích cực ở các cổ phiếu nhỏ sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên chiều, giúp VN-Index giữ được sắc xanh nhạt của mình, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Sau ít phút đầu cầm cự, cuối cùng bên mua đã chấp nhận thua cuộc, đẩy VN-Index quay đầu giảm điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Độ rộng của thị trường được thu hẹp và nghiêng chút ít về phía tiêu cực.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/12, VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,49%), xuống 570,41 điểm với 101 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 116 triệu đơn vị, giá trị 1.893,5 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ ngày 11/11. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,75 triệu đơn vị, giá trị 273,34 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,35 điểm (-0,43%), xuống 80,26 điểm với 75 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,71 triệu đơn vị, giá trị 343 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 29/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,76 triệu đơn vị, giá trị 58,86 tỷ đồng.
Trong phiên chiều, sắc xanh nhạt của GAS, FPT, BVH trong phiên sáng đã không còn giữ được. Trong đó, GAS, BVH đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, dù mức giảm chỉ là 2 bước giá so với tham chiếu.
Trong khi đó, VNM đã hãm bớt đà giảm khi đóng cửa ở mức 122.000 đồng, giảm 1,62% với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài ra cũng phải kể đến một số mã ngân hàng, nhất là VCB khi đóng cửa giảm 1,86%, xuống 42.100 đồng, dù phiên sáng có lúc đã tăng lên 43.400 đồng.
Sau 7 phiên giao dịch, từ 17/11 đến 26/11, OGC đã có mức tăng hơn 48%, từ 3.100 đồng, lên 4.600 đồng/CP và áp lực chốt lời diễn ra là điều dễ hiểu. Với 2 phiên giảm sàn liên tiếp trong tuần này, hiện OGC đã điều chỉnh về mức 3.800 đồng/CP, nhưng lực cầu bắt đáy khá tốt với kỳ vọng Công ty sẽ có kết quả kinh doanh trong quý IV.
Trong số mã bluechip giảm giá, HAG có giao dịch sôi động khi được khớp hơn 6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,64%, xuống 12.000 đồng. Ngược lại, CII vẫn duy trì đà tăng và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 22.300 đồng, tăng 3,72% cũng với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.
Mọi sự chú ý vẫn dồn về phía các mã thị trường. FLC dù nhận được lực cầu khá tốt, nhưng trước áp lực bán vẫn còn lớn, mã này đã trở lại mức tham chiếu 8.000 đồng khi chốt phiên và cũng là mức giá thấp nhất trong ngày với 11,27 triệu đơn vị được khớp. Cũng giữ được tham chiếu còn có VHG, nhưng thanh khoản mã này không tốt trong phiên hôm nay.
Trong khi đó, các mã khác như ITA, HQC, HAI, DLG, FIT cũng đều quay đầu đóng cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong phiên chiều này tập trung vào OGC. Sau khi có thông tin về việc khả năng có lãi cao từ việc chuyển nhượng dự án, mã này đã có chuỗi tăng giá ấn tượng khi leo từ mức 3.100 đồng ngày 17/11, lên 4.600 đồng vào ngày 26/11, tức tăng hơn 48%. Với mức tăng này, OGC đã chịu áp lực chốt lời ngay trong phiên 26/11, đẩy chỉ số này về mức giá 4.100 đồng. Sau đó, OGC có phiên hồi nhẹ ngày 27/11, nhưng áp lực chốt lời nhanh chóng gia tăng trong phiên đầu tuần 30/11.
Thù lao của Chủ tịch HĐQT OGC gấp 10 năm ngoái
Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 30/11, HĐQT OGC trình cổ đông mức thù lao 2,04 tỷ đồng cho HĐQT và Ban kiểm soát cho năm 2015, con số này gấp gần 5 lần mức chi trả của năm 2014, đặc biệt thù lao cho Chủ tịch HĐQT tăng gấp 10 lần từ 120 triệu năm trước lên 1,2 tỷ đồng năm nay.
Trả lời về vấn đề này, Tổng giám đốc OGC cho rằng, trong năm qua khi gặp khó khăn, Công ty đã cắt giảm tối đa các chi phí, giảm nhân sự và hiện một người phải kiêm nhiệm nhiều việc. Việc tăng thù lao cho HĐQT là xứng đáng.
Còn ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT OGC cho rằng: “ông không nắm cổ phiếu OGC nào, do đó không có cổ tức như cổ đông”.
Ngày 30/11 cũng là ngày OGC tổ chức ĐHCĐ, nên nhà đầu tư tạm dừng xuống tiền để nghe ngóng, khiến OGC chỉ được khớp hơn 2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hàng triệu đơn vị.
Trong phiên hôm nay, áp lực bán tiếp tục tăng mạnh ngay khi OGC được giao dịch, đẩy mã này xuống ngay mức sàn. Tuy nhiên, khác với phiên hôm qua, lực mua bắt đáy đã gia tăng mạnh, kéo mã này trở lại tham chiếu 4.000 đồng. Áp lực bán sau đó tiếp tục gia tăng khiến OGC đóng cửa ở mức sàn 3.800 đồng. Dù vậy, lượng cầu bắt đáy duy trì tốt, giúp OGC được khớp 12,25 triệu đơn vị được khớp và chỉ còn dư bán sàn số lượng ít.
Ngoài OGC, JVC và SHI vẫn giữ mức giá như phiên sáng. Trong khi SHI gần như không còn ai dám vào, thì lực mua ít ỏi chỉ đủ giúp JVC tăng tính thanh khoản và tránh được mức sàn.
Trên HNX, các mã thị trường như KLF, PVX, SCR đã không còn đủ lực để giữ được tham chiếu khi cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm nhẹ, chỉ 1 bước giá. Trong khi đó, TVC, KHB vẫn giữ được sắc tím.