Phiên giao dịch chiều 19/12: Dầu khí trở lại, không lợi hại bằng ETFs

(ĐTCK) Hôm nay cũng là ngày mà các quỹ ETF sẽ hoàn tất việc cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ này chủ yếu là bán nhiều hơn.Vì vậy, dù nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng mạnh, nhưng thị trường vẫn giảm điểm. Hoạt động của ETFs cũng giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh.
Phiên giao dịch chiều 19/12: Dầu khí trở lại, không lợi hại bằng ETFs

Thị trường phiên sáng nay diễn biến thiếu tích cực. Nhịp hồi phục trong thời gian đầu của phiên nhanh chóng biến mất khi áp lực bán gia tăng và dồn mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechips. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến hoạt động diễn ra khá cầm chừng, thanh khoản sụt giảm

Hôm nay cũng là ngày mà các quỹ ETF sẽ hoàn tất việc cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ này chủ yếu là bán nhiều hơn mua khi tỷ trọng phân bổ vốn tại thị trường Việt Nam hiện đang cao hơn mức cho phép khoảng 70%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sức ép lên thị trường .

Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán tiếp tục được duy trì, khiến nhiều mã quay đầu giảm điểm, các chỉ số lùi sâu hơn. Hoạt động giao dịch vẫn khá chậm khi cả 2 bên mua bán đều muốn quan sát động tĩnh của các quỹ ETF và khối ngoại.

Điển hình là việc SSI sau khi tăng khá tốt ở phiên sáng, đã bị kéo về mức sàn trong phiên chiều, cho dù được khối ngoại nâng đỡ rất mạnh. SSI khớp được trên 5 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào chiếm hơn 70%.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ đến phút cuối bởi “thói quen” của ETFs thường diễn ra trong đợt khớp lệnh ATC.

Đúng như dự đoán, chỉ trong ít phút cuối phiên, ETFs đã “quậy” tưng bừng, nhấn thị trường chìm trong sắc đỏ, nhưng đồng thời cũng kéo thanh khoản tăng vọt trở lại.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 19/12, với 170 mã giảm và 62 mã tăng giá, VN-Index giảm 5,36 điểm (-1,01%) xuống 523,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 180,82 triệu đơn vị, giá trị 3.672,9 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,6 triệu đơn vị, giá trị 314,63 tỷ đồng. Đáng chú ý có 2 triệu cổ phiếu VTF trị giá 57,4 tỷ đồng; 2 triệu cổ phiếu SSI trị giá 54,2 tỷ đồng; 1,3 triệu cổ phiếu GMD trị giá 37,4 tỷ đồng; 1,2 triệu cổ phiếu HHS trị giá 20,4 tỷ đồng; 600.000 cổ phiếu VIC trị giá 30 tỷ đồng; 335.000 cổ phiếu MWG giá trị 34 tỷ đồng...

Chỉ số VN30-Index giảm tới 8,27 điểm (-1,43%) xuống 570,61 điểm với 23 mã giảm và 3 mã tăng giá.

Trên HNX, với 141 mã giảm và 48 mã tăng giá, HNX-Index giảm 1,38 điểm (-1,67%) xuống 81,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,78 triệu đơn vị, giá trị 810,53 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,29 triệu đơn vị, giá trị 30,48 tỷ đồng, đáng chú ý có 2,9 triệu cổ phiếu PVR trị giá 9,2 tỷ đồng; 788.400 cổ phiếu SHB trị giá 6,287 tỷ đồng; 780.000 cổ phiếu HBS trị giá 3,56 tỷ đồng.

Chỉ số HNX30-Index giảm 4,12 điểm (-2,55%) xuống 157,53 điểm với 25 mã giảm và 1 mã tăng giá.

Như thường lệ, các quỹ ETFs đã giao dịch tích cực trong 30 phút khớp lệnh xác định giá đóng cửa thị trường (ATC).

Như đã nói ở trên, tại thời điểm 14h30, mã SSI đang giảm sàn và mới khớp được 5,8 triệu đơn vị. Trong đợt khớp ATC, đã có thêm hơn 15 triệu được giao dịch, nâng tổng mức khớp cả phiên lên 20,89 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào tới gần 16,76 đơn vị, tương ứng hơn 80%, đóng cửa SSI thoát mức giá sàn và giảm 1.400 đồng (-4,9%) xuống 27.100 đồng/CP.

Tuy nhiên, SSI chỉ là diễn viên phụ, “ngôi sao” của ETFs phiên này chính là STB. Cũng chỉ trong ít phút giao dịch cuối phiên, đã có tới gần 18 triệu đơn vị được giao dịch, nâng tổng mức khớp lệnh cả phiên lên 28,89 triệu đơn vị, chỉ đứng sau mức thanh khoản cao nhất trong năm 2014 là hơn 37 triệu đơn vị được xác lập trong đợt cơ cấu ngày 19/9. Đóng cửa, STB chỉ còn giảm nhẹ 100 đồng (-0,6%) xuống 15.900 đồng/CP.

Ngoài STB, 2 mã khác là DRC và VSH cũng giảm rất mạnh. DRC giảm 2.600 đồng (-5%) xuống 49.900 đồng/CP và khớp hơn 1,7 triệu đơn vị. VSH thậm chí còn giảm về mức giá sàn 12.700 đồng/CP, tương ứng giảm 900 đồng (-6,6%) và khớp tới hơn 5,2 triệu đơn vị.

Như thông báo trước đó, SSI là mã được thêm vào, còn DRC, VSH và STB là 3 mã bị loại khỏi danh mục trong kỳ cơ cấu này của ETFs.

Trong nhóm VN30, ngoài VSH, VCB và BHV cũng bị kéo xuống mức sàn, thanh khoản cũng ở mức cao hơn nhiều, đạt lần lượt 4,88 triệu và 1,7 triệu đơn vị.

Các mã lớn khác như MSN, PPC, HAG, FPT ... đều có mức giảm mạnh, trong đó MSN giảm 1.500 đồng (-1,9%) xuống 77.500 đồng/CP và khớp 2,6 triệu đơn vị.

Ngược lại, sắc xanh chỉ được lưu lại ở các mã PVD, KDC, BBC và IJC.

PVD tăng 2.500 đồng (+4,3%) lên 61.000 đồng/CP và khớp trên 3 triệu đơn vị. GAS cũng được kéo tăng 2.000 đồng lên 68.000 đồng/CP.

Ngoài GAS và PVD, các mã khác như PGC, PGD, PXS cũng có được sắc xanh khá mạnh.

Hôm nay là ngày cuối cùng trong đợt tái cơ cấu của ETFs, bởi vậy, sự chú ý của thị trường tập trung phần lớn vào các mã nằm trong danh mục tái cơ cấu kỳ này của ETFs (cả thêm vào, loại ra, giảm bớt và tăng tỷ trọng).

FLC khớp 16,28 triệu đơn vị, giảm 600 đồng (-5,6%) xuống 10.100 đồng/CP. Còn ITA giảm 400 đồng (-5%) xuống 7.600 đồng/CP và khớp 9,7 triệu đơn vị. OGC cũng giảm 400 đồng (-5%) xuống 7.600 đồng/CP, nhưng khớp lệnh thấp hơn ITA, đạt khớp 5,7 triệu đơn vị

Trên sàn HNX, giao dịch ở nhóm HNX30 trong phiên chiều nay cũng đã cải thiện hơn.

KLF là mã đạt thanh khoản cao nhất với 15,6 triếu đơn vị, đóng cửa giảm sàn 11.700 đồng/CP, tương ứng giảm 1.200 đồng (-9,3%).

Các mã khác như AAA, KLS, VND, SHB, VCG... cũng có mức giảm khá mạnh. SHB giảm 300 đồng (-3,7%) xuống 7.900 đồng/CP và khớp 7,6 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí trên sàn HNX vẫn chìm trong sắc đỏ, trong đó PVS giảm 600 đồng (-1,8%) xuống 33.000 đồng/CP và khớp 5,78 triệu đơn vị. PVC đứng tham chiếu và khớp 2,1 triệu đơn vị. PVG, PVE, PPG là một số mã dầu khí hiếm hoi có được sắc xanh.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục