Phiên sáng cuối tuần 19/12: Vỡ mộng

(ĐTCK) Phiên hồi phục mạnh hôm qua giúp nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về chu kỳ tăng mới của thị trường. Tuy nhiên, giấc mộng này đã bị vỡ khi thị trường nhanh chóng trở về với thực tại trong phiên giao dịch sáng nay.
Phiên sáng cuối tuần 19/12: Vỡ mộng

Thị trường phiên ngày hôm qua 18/12 đã có phiên phục hồi kỹ thuật mạnh mẽ sau 3 phiên liên tục giảm mạnh. Áp lực giải chấp đã không còn hiện rõ, lực cung giá thấp giảm, lực cầu dù chưa rõ nét nhưng đã chấp nhận mua giá cao thể hiện tâm lý nhà đầu tư đã hào hứng hơn hẳn. Nhóm cổ phiếu dầu khí – “tội đồ” của thị trường trong nhưng phiên giảm sâu trước – nay lại trở thành “người hùng” kéo thị trường tăng thẳng đứng.

Về vấn đề giá dầu, mặc dù giá dầu thô đã giảm mạnh trở lại trong ngày hôm qua, tuy nhiên chứng khoán toàn cầu vẫn có phiên tăng ấn tượng, điều này phần nào cho thấy ảnh hưởng của giá dầu cũng đã không còn mạnh như trước đây.

Quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù thị trường ngày 18/12 có đà tăng tốt về mặt điểm số, nhưng sau chuỗi giảm điểm mạnh trước đó, tâm lý quan sát thị trường vẫn còn khá lớn ở nhà đầu tư. Bởi vậy, ngoài các mã đã giảm giá mạnh 2 tuần qua và một số mã có thanh khoản cao, thì hầu hết các mã khác đều có giao dịch thận trọng với lượng giao dịch ở mức thấp so với mức bình quân.

Điều này tiếp tục thể hiện khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 19/12. VN-Index mở cửa trong sắc đỏ với sự thận trọng rõ nét của nhà đầu tư, thanh khoản theo đó chỉ ở mức thấp.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,84 điểm (-0,16%) xuống 527,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,9 triệu đơn vị, giá trị 39,22 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sắc đỏ này cũng nhanh chóng bằng sắc xanh khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Lực mua bắt đầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu dầu khí và một số mã bluechips đã giúp VN-Index tăng trở lại.

Các mã GAS tăng 1.000 đồng, PVD tăng 1.500 đồng, PVT tăng 500 đồng, SSI tăng 500 đồng, còn KDC, FPT, HPG... đều tăng điểm để cùng kéo chỉ số.

Trái với HOSE, sàn HNX lại tăng điểm ngay khi bắt đầu phiên giao dịch, cho dù số lượng mã chiếm sắc đỏ là khá nhiều. Lực đỡ chính giúp HNX-Index có được sắc xanh  vẫn đến từ nhóm dầu khí khi được giao dịch khá mạnh ngay khi mở cửa và đồng loạt tăng điểm.

Dù vậy, với phiên tăng điểm mạnh hôm qua, nhiều công ty chứng khoán vẫn cho rằng sự bất ổn vẫn còn rất lớn và việc tăng giá chưa được định hình, do đó rủi ro giảm điểm vẫn còn khá lớn. Đà hồi phục của thị trường sẽ sớm gặp phải trở ngại do lượng cung tăng dần khi giá các cổ phiếu tăng lên các mức cao hơn.

Nhận định đã đúng, bởi khi các chỉ số tăng điểm, áp lực bán trên thị trường đã lập tức gia tăng, tập trung mạnh vào các mã lớn, vì vậy cả 2 chỉ số cùng quay đầu giảm điểm.

Dần về cuối phiên, áp lực bán càng gia tăng, kéo các chỉ số xuống sâu hơn, VN-Index và HNX-Index lần lượt để tuột mốc 525 điểm và 82 điểm.

Hoạt động bắt đáy cũng đã mạnh hơn ở những thời điểm cuối phiên giúp thanh khoản có đôi chút cải thiện so với thời gian đầu, nhưng vẫn thấp hơn mức của ngày hôm qua.

Kết thúc phiên sáng, với số mã giảm gấp 3 lần mã tăng, 122 mã giảm và 43 mã tăng giá, VN-Index giảm 4,67 điểm (-0,88%) xuống 523,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,65 triệu đơn vị, giá trị 993,18 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ hơn 1,8 triệu đơn vị, giá trị 57,27 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 1,2 triệu cổ phiếu HHS trị giá 20,4 tỷ đồng và 200.000 cổ phiếu MWG trị giá gần 22 tỷ đồng.

Chỉ số VN30-Index giảm 4,99 điểm (-0,86%) xuống 573,89 điểm với 21 mã giảm và 5 mã tăng giá.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,85 điểm (-1,03%) xuống 81,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,89 triệu đơn vị, giá trị 354,69 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,13 triệu đơn vị, giá trị 18,83 tỷ đồng, đáng chú ý có 2,9 triệu cổ phiếu PVR trị giá 9,2 tỷ đồng.

Chỉ số HNX30-Index giảm 2,06 điểm (-1,27%) xuống 159,59 điểm với 24 mã giảm và 1 mã tăng giá.

Trong phiên sáng nay, hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm VN30. Phiên hôm nay cũng là phiên 2 quỹ Market Vectors ETF (ETF VNM) và FTSE Vietnam UCITS ETF (ETF FTSE) sẽ phải hoàn tất việc cơ cấu danh mục của mình.

Dưới áp lực bán khá mạnh, nhóm VN30 chỉ còn đúng 5 mã tăng điểm là SSI, HCM, PVD, KDC, BBC và HPG.

Theo các thông báo trước đó, SSI là mã được thêm vào. Kết phiên SSI tăng mạnh khá 500 đồng (+1,8%) lên 29.000 đồng/CP và khớp 3,29 triệu đơn vị.

Riêng PVD, có thời điểm đã được kéo lên mức trần, nhưng áp lực bán cuối phiên đã kéo mã này chỉ còn tăng 2.000 đồng (+3,4%) lên 60.500 đồng/CP và khớp 1,38 triệu đơn vị.

Trong khi các mã bị loại khỏi danh mục của ETF là DRC, VHS và STB đều đồng loạt giảm mạnh. DRC giảm 1.500 đồng (-2,9%) xuống 51.000 đồng/CP. VSH và STB cùng giảm 400 đồng, trong đó STB khớp tới 3,55 triệu đơn vị và là một trong hai có thanh khoản tốt nhất HOSE.

Các mã lớn khác đều nhuộm sắc đỏ như GAS, VIC, MSN, VCB, EIB... trong đó GAS giảm 500 đồng xuống 65.500 đồng/CP.

Mã thanh khoản dẫn đầu là FLC với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 200 đồng (-1,9%) xuống 10.500 đồng/CP.

Các mã đầu cơ khác như ITA, OGC, VHG, HHS, TDC... cũng chìm trong sắc đỏ, thanh khoản từ 1,78 triệu đơn vị đến 2,6 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí vẫn duy trì được đà tăng nên phần nào đỡ cho chỉ số không giảm sâu. PXS tăng nhẹ 1 bước giá và khớp trên 1 triệu đơn vị. PVT về mốc tham chiếu và khớp 1,3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đầu “P” trên HNX lại bị bán khá mạnh nên đồng loạt quay đầu giảm điểm dù mức giảm không mạnh. Tuy nhiên, việc nhóm cổ phiếu dẫn dắt này cùng giảm điểm khiên nhiều mã cổ phiếu trên sàn giảm theo.

Trong nhóm VN30, chỉ còn duy nhất DXP có được sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

PVS giảm 200 đồng (-0,8%) xuống 25.900 đồng/CP và khớp được 3,3 triệu đơn vị. PLC đứng tham chiếu và khớp 1,5 triệu đơn vị.

Các mã SHB, PVX, SCR cũng có mức giảm nhẹ và cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Mã có thanh khoản cao nhất trên HNX là KLF cũng chỉ khớp 3,4 triệu đơn vị, giảm 600 đồng (-4,7%) xuống 12.300 đồng/CP.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục