Phiên giao dịch chiều 18/12: ETFs “xả hàng”, VN-Index giảm gần 9 điểm

(ĐTCK) Đúng như dự báo, việc các quỹ ETF giao dịch mạnh trong đợt ATC đã giúp cho thanh khoản thị trường vọt tăng mạnh. Nhưng trong lần cơ cấu danh mục này, các quỹ ETF đã xả mạnh cổ phiếu, khiến thị trường lao dốc mạnh.
Phiên giao dịch chiều 18/12: ETFs “xả hàng”, VN-Index giảm gần 9 điểm

Như thường lệ, nhóm được các ETFs giao dịch vẫn là nhóm cổ phiếu bluechips. Tuy nhiên, mọi sự chú ý đều tập trung vào một mã như SBT, SSI, HHS, KDC, NT2… và kết quả cũng rất trái ngược.

Cùng được thêm vào rổ, nhưng SBT đã tăng kịch trần (+600 đồng) lên 20.200 đồng/CP và khớp tới 7,7 triệu đơn vị. Trong khi HHS giảm sàn (-1.000 đồng) về 14.600 đồng/CP và khớp tới hơn 13,46 triệu đơn vị, trong đó hơn 9,8 triệu đơn vị được khớp trong đợt khớp lệnh ATC.

Tuy nhiên, đó chưa phải con số cao nhất. Được khớp lệnh “khủng” nhất trong đợt ATC chính là SSI với hơn 17,3 triệu đơn vị, nâng mức tổng khớp cả phiên lên tới 18,9 triệu đơn vị, mạnh nhất thị trường, trong đó khối ngoại mua tới 18 triệu đơn vị. Đóng cửa, SSI tăng 300 đồng lên 23.100 đồng/CP.

NT2 tăng 300 đồng lên 27.200 đồng/CP và khớp hơn 5,8 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua hơn 3,7 triệu đơn vị.

HPG dừng tại mốc tham chiếu 30.400 đồng/CP và khớp được 9,5 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào gần 8,7 triệu đơn vị, riêng trong đợt ATC khớp được 6,9 triệu đơn vị.

KDC bị giảm mạnh tỷ trọng trong rổ, phiên này tiếp tục giảm mạnh 1.100 đồng về 24.500 đồng/CP, tuy nhiên thanh khoản chỉ đạt hơn 1,4 triệu đơn vị.

Lượng cung ồ ạt ít phút cuối phiên khiến nhiều mã lớn khác điểm, trong đó giảm sàn có  PPC, PVD, PVT hay gần mức sàn như VIC, VCB, BVH... BVH giảm 3.000 đồng về còn 50.000 đồng/CP; VCB giảm 2.800 đồng về còn 41.200 đồng/CP; VIC giảm 1.900 đồng về còn 40.000 đồng/CP… Tất cả các mã này đều đạt thanh khoản cao, từ hơn 2-3 triệu đơn vị. VCB khớp hơn 3 triệu đơn vị. HAG giảm 500 đồng xuống 11.300 đồng/CP và khớp lệnh gần 7,3 triệu đơn vị.

Việc HAG và VCB giảm là khá bất ngờ khi 2 mã đều được các ETFs tăng tỷ trọng.

Ngược lại, MSN đã tăng mạnh 3.000 đồng lên 71.000 đồng/CP và khớp được 1,88 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ STB tăng 200 đồng lên 18.000 đồng/CP, EIB đứng giá tham chiếu. còn lại đều giảm điểm. STB khớp được 3,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu áp lực bán ra nên đa phần cũng giảm điểm. FLC khớp được 12,59 triệu đơn vị và giảm giảm 200 đồng về 7.900 đồng/CP. DLG giảm 300 đồng xuống 6.500 đồng/CP và khớp 5,55 triệu đơn vị…

Trên HNX, giao dịch của các ETFs không ảnh hưởng nhiều, song vì áp lực bán chung của thị trường nên chỉ số HNX-Index cũng không thoát phiên giảm mạnh.

Ngoài NTP, HUT tăng điểm, còn lại các mã lớn khác đều giảm điểm. NTP tăng 1.100 đồng lên 62.700 đồng/CP. HUT tăng 200 đồng lên 11.600 đồng/CP và khớp 1,5 triệu đơn vị.

Trong đó, ACB giảm 300 đồng về 19.200 đồng/CP, SHB giảm 500 đồng về 6.000 đồng/CP và khớp 6,89 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX.

Nhóm dầu khí lớn vẫn là sức ép chính của chỉ số khi tất cả đều giảm điểm, trong đó PVS, PVC, PBV giảm mạnh 600-700 đồng. PVS khớp được 2,9 triệu đơn vị.

TIG phiên này đứng giá tham chiếu 11.500 đồng/CP và khớp 2,23 triệu đơn vị.

Đóng cửa, VN-Index giảm 8,93 điểm (-1,55%) xuống 568,18 điểm với 70 mã tăng và 140 mã giảm. Chỉ số VN30-Index giảm 7,62 điểm (-1,3%) về 578,85 điểm với 150 mã tăng và 24 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 211,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.979 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận là hơn 621 tỷ đồng. Đáng chú ý thỏa thuận cuối phiên có 8,83 triệu cổ phiếu MBB, trị giá 124 tỷ đồng.

Còn với 81 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index giảm 1,03 điểm (-1,3%) xuống 78,29 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 3,19 điểm (-2,27%) xuống 140,01 điểm với 4 mã tăng và 23 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 551 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận là 137,6 tỷ đồng. Đáng chú ý có 1,7 triệu cổ phiếu LAS, giá trị 54,57 tỷ đồng; 5,24 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 34,06 tỷ đồng…

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục