Nếu như ở phiên sáng, những nhịp hồi của một số mã lớn như BVH hay EIB giúp các chỉ số không bị giảm mạnh và có thời điểm tiến gần sát tham chiếu. Nhưng bước vào phiên giao dịch chiều, nỗ lực này đã hoàn toàn bị thất bại trước áp lực xả hàng từ bên bán, trong khi bên cầu cũng thận trọng vào hàng.
Điều này đã đẩy VN-Index lao mạnh, mất hơn 10 điểm sau 30 phút giao dịch, lùi sát về mốc 600 điểm. Trong đợt khớp lệnh ATC, dù không bị “đánh úp”, giúp đà giảm được hãm bớt, nhưng sức mua yếu cũng không giúp VN-Index cải thiện nhiều về mặt điểm số.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,81 điểm (-1,44%) xuống 604,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,17 triệu đơn vị, tương đương giá trị đạt 2.130,48 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,34 triệu đơn vị, trị giá 86,25 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường khá lớn với số mã giảm điểm chiếm áp đảo (155 mã) so với số mã tăng (64 mã). Nhóm VN30 chỉ còn 3 giữ được đà tăng, 25 mã giảm, trong đó, nhiều mã vốn hóa lớn giảm mạnh như VCB giảm 3,4%; PVD giảm 2,58%; SSI giảm 1,8%; VNM giảm 1,9%; MBB giảm 1,86%; BVH giảm 1,92%..., khiến chỉ số này mất tới 10,52 điểm (-1,64%) xuống 632.9 điểm.
Ngay như những mã được hỗ trợ bởi dòng tiền ngoại SSI cũng không tránh khỏi xu hướng giảm khi đóng cửa giảm 1,8%. Trong khi đó, NT2 lại tăng 3,2% nhờ dòng tiền ngoại.
Một vài điểm sáng trong phiên như HCM, CSM hay HHS, đặc biệt ở HCM, nhưng cũng chỉ ở mức độ đơn lẻ, không đại diện cho xu hướng tăng cho cả một nhóm ngành.
Trên HNX, điểm đáng chú nhất là VND khi mã này vẫn vững vàng tăng, trái ngược xu hướng giảm chung của thị trường. Theo đó, VND tăng 400 đồng lên mức giá 14.700 đồng/cp, với hơn 2 triệu cổ phiếu được giao dịch. VND cũng là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất trên HNX.
Có lẽ thông tin khối CTCK sẽ được nới room 100% là điểm thu hút dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài chảy vào nhóm này. Khi SSI đã cạn room, dường như dòng tiền của khối này đang có dấu hiệu chảy vào VND.
Chốt phiên, HNX giảm 1,09 điểm (-1,3%) xuống 82,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đath 50,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 606,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể cho thanh khoản của sàn, với gần 100 tỷ đồng.
Với 25 mã giảm, 4 mã đứng giá và 1 mã tăng, chỉ số HNX30-Index giảm 2,8 điểm (-1,75%) xuống 157,37 điểm.
Tính chung trên cả hai sàn, thanh khoản trong phiên đạt hơn 2.730 tỷ đồng, giảm gần 12%. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, trong khi dòng tiền trên HOSE giảm, thì trên HNX lại tăng 16% cho thấy xu hướng dòng tiền đang có chiều hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
TTCK là thị trường của niềm tin, nhất là với TTCK Việt Nam, niềm tin thường bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý đám đông. Vì thế, với quá nhiều thông tin tiêu cực, từ việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc, bất ngờ phá giá đồng nội tệ, đến việc giá dầu giảm mạnh, hay việc NHNN Việt Nam điều chỉnh biên độ tỷ giá, tâm lý nhà đầu tư bị dao động là điều dễ hiểu.
Có lẽ khi những thông tin này lặng xuống, tâm lý nhà đầu tư bình ổn hơn, thị trường sẽ trở lại với vòng quay tích cực hơn, với nền tảng là sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế cũng như chính bản thân doanh nghiệp.