Vốn ngoại trở lại dẫn dắt thị trường

(ĐTCK) Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ thị trường, giao dịch của khối ngoại và triển vọng dòng vốn nước ngoài trước thời điểm thị trường mở room sẽ là lực đỡ cho các chỉ số trên 2 sàn.
Vốn ngoại trở lại dẫn dắt thị trường

Phiên đầu tuần này, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, đạt gần 50 tỷ đồng trên 2 sàn. Theo thống kê của FPTS, khối ngoại đã gia tăng giao dịch trên TTCK Việt Nam kể từ quý II đến nay. Trong 6 tháng đầu năm, họ mua ròng khá mạnh, gần 3.000 tỷ đồng trên 2 sàn.

Vai trò dẫn dắt của khối ngoại đã diễn ra khá lâu ở TTCK Việt Nam. Giao dịch của họ chiếm khoảng 20% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, nhưng chi phối đến 80% xu hướng của thị trường. Mỗi khi khối này thực hiện việc mua ròng hay bán ròng thường tác động trực tiếp vào xu hướng tăng hay giảm của TTCK. Gần đây cũng vậy, vốn ngoại tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt TTCK Việt Nam. Động thái mua ròng của họ tạo lực đỡ tích cực cho thị trường.

Mới đây, Hãng Bloomberg trích nhận định của 2 quỹ đầu tư gồm Asia Frontier Capital và Coeli Asset Management về TTCK Việt Nam, với đánh giá TTCK Việt Nam hiện đang hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và đà tăng từ đầu năm đến nay sẽ được mở rộng. Động lực tăng trưởng cho thị trường chủ yếu đến từ Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó có các quy định về nới room, cùng với mức định giá P/E thấp tương đối so với các thị trường trong khu vực.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 tới và việc nới room có thể góp phần giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên thị trường tài chính quốc tế, khi đó dòng vốn ngoại sẽ tự động được điều chỉnh tăng. Như vậy, việc nới room trên sẽ vừa hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài mới, vừa gia tăng tỷ lệ đầu tư với các quỹ ngoại hiện tại. Khi dòng tiền đổ vào nhiều hơn, tức là cầu gia tăng, thì giá sẽ có xu hướng tăng. Tôi cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian sắp tới.

Trước động thái của khối ngoại, các nhà đầu tư cần lưu ý gì? Vốn ngoại đầu tư vào TTCK hiện gồm 2 nguồn: một là các tổ chức và cá nhân đầu tư trực tiếp vào TTCK Việt Nam; hai là nhà đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư ETF. Với chính sách cởi mở và thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước thì dòng vốn nước ngoài qua bất kỳ hình thức nào sẽ cũng chảy nhiều hơn vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những dòng vốn đầu tư dài hạn thì cũng sẽ có nhiều nguồn tiền ngoại mang tính chất đầu cơ, đầu tư ngắn hạn…, điều này có thể khiến TTCK Việt Nam biến động mạnh. Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần theo dõi diễn biến của dòng vốn ngoại một cách sát sao và xây dựng cho mình những tình huống, quản trị dòng tiền đầu tư tốt trước những biến động trên để có quyết định giao dịch hợp lý khi mà cơ hội nhiều hơn, nhưng rủi ro cũng sẽ tăng tương ứng.

Chúng tôi cho rằng, với những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế và TTCK như đàm phán thành công hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, xúc tiến đàm phán gần như cơ bản xong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Nghị định 60/2015/NĐ-CP với các quy định về nới room sắp có hiệu lực giúp thu hút vốn ngoại…, thì xu hướng tăng của TTCK sẽ là tất yếu trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mùa báo cáo kinh doanh quý II/2015 gần như kết thúc nên thị trường đang bước vào giai đoạn trống các thông tin hỗ trợ trực tiếp. Vì vậy, nếu thị trường có diễn biến điều chỉnh và tích lũy trong nửa cuối tháng 8 này thì cũng là cần thiết và tạo nền tảng quan trọng để một sóng tăng xuất hiện vào tháng 9, khi quy định nới room chính thức có hiệu lực.

Hiện tại, các ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index là 597 điểm và 585 điểm. Các ngưỡng cản mạnh với VN-Index là 625 điểm và 640 điểm. Bởi vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ dao động trong khoảng 585 - 625 điểm trong tháng 8 này trước khi quay trở lại xu hướng tăng, vượt 640 điểm trong tháng 9.  

Nguyễn Thế Định, CTCK FPTS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục