Chưa có hiện tượng dòng tiền rút ra khỏi thị trường

(ĐTCK) “Tác động hỗ trợ của ngưỡng 600 điểm hiện nay là khá tốt và trùng với trạng thái tạo đáy ngắn hạn của nhiều cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường…”, ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp, CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận xét.
Ông Đỗ Bảo Ngọc Ông Đỗ Bảo Ngọc

Mức 600 điểm của VN-Index đang được xem là ngưỡng hỗ trợ về mặt tâm lý cho NĐT, quan điểm của ông về mốc này như thế nào?

Trong 2 đợt suy giảm của VN-Index từ mức đỉnh 640 điểm ngày 14/7 đến nay thì 600 điểm được xem là ngưỡng hỗ trợ tâm lý và 595 điểm là mức hỗ trợ kỹ thuật (tương ứng với ngưỡng 23,6% Fibonacci retracement). Thực tế cho thấy, VN-Index sau khi giảm về vùng 597 - 600 điểm đã có sự hồi phục trở lại, dòng tiền có tín hiệu bắt đáy với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (blue-chip) và sự tăng giá của nhóm cổ phiếu này đã giúp thị trường hồi phục.

Tôi nhận thấy tác động hỗ trợ của ngưỡng 600 điểm hiện nay là khá tốt và trùng với trạng thái tạo đáy ngắn hạn của nhiều cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường như VCB, BVH, VNM, MSN, BID, CTG, ACB… Do đó, trong tuần này, thị trường nhiều khả năng dao động giằng co trên vùng 600 điểm.

Cuối tuần này, dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room nước ngoài dự kiến được công bố. Theo ông, liệu đây có trở thành cú hích đối với giới đầu tư trong giai đoạn hiện tại, nhất là với khối ngoại?

Cú hích đối với thị trường đã xuất hiện từ cuối tháng 5, khi Nghị định 60 chuẩn bị được ban hành, đi kèm với đó là dự kiến các chính sách mới như sửa đổi Thông tư 74, rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, cho phép giao dịch trong ngày, tăng biên độ cho sàn UPCoM… Theo đó, VN-Index đã có giai đoạn tăng điểm mạnh từ 528 điểm cuối tháng 5 lên 640 điểm giữa tháng 7/2015.

Do đó, tác động trong ngắn hạn của việc ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 60 về nới room tới thị trường có lẽ không mạnh. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn thì rõ ràng các bước đi này sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng vào sự phát triển trong trung và dài hạn của thị trường.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, thông tư nêu trên sẽ cụ thể hóa chính sách nới room, mở cánh cửa để dòng vốn ngoại lựa chọn Việt Nam như một cơ hội đầu tư mới đầy tiềm năng. Tôi cho rằng, khối ngoại có lý do để tin tưởng vào việc họ sẽ có được nhiều cơ chế thông thoáng hơn trong việc đầu tư vào TTCK Việt Nam thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu blue-chip đang chịu áp lực bán ra chốt lời, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới sẽ đến nhóm cổ phiếu nhỏ (penny) tăng giá. Ông có nhận xét gì?

Sau mỗi giai đoạn tăng trưởng mạnh của thị trường luôn là các đợt chốt lời ngắn hạn nhằm hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư. Hiện nay, tôi nhận thấy thị trường đang ở giai đoạn này và hiện tượng chốt lời là điều hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu blue-chip vì đây là nhóm tăng giá mạnh nhất trong gần 1 tháng trở lại đây, trong khi nhóm cổ phiếu penny khá trầm lắng.

Thực tế này khiến nhiều người cho rằng, nhóm penny sẽ tăng giá khi nhóm blue-chip điều chỉnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng, giai đoạn tăng giá của cổ phiếu penny chưa thể diễn ra rõ nét, do tâm lý chung của thị trường hiện nay là chốt lời ngắn hạn, trong khi thanh khoản suy giảm. Trong bối cảnh đó, rủi ro thanh khoản là yếu tố khiến dòng tiền e ngại các cổ phiếu penny. Do đó, cổ phiếu penny chưa chắc đã là lựa chọn tối ưu vì đây thường là nhóm có thanh khoản thấp.

Động thái chốt lời đang diễn ra, nhưng tôi vẫn nhận thấy dòng tiền thị trường xoay vòng ở nhóm cổ phiếu blue-chip thuộc ngành ngân hàng, dệt may, bảo hiểm, các nhóm dự kiến hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các cổ phiếu gần hết room.

Rõ ràng, hoạt động chốt lời diễn ra khá rõ, nhưng chưa có hiện tượng dòng tiền rút ra khỏi thị trường. Bởi lẽ, với nền tảng kinh tế vĩ mô thuận lợi, các chính sách phát triển TTCK đang được cụ thể hóa, thì triển vọng trung và dài hạn của thị trường là khá sáng. Do đó, cơ hội đối với TTCK cuối năm nay vẫn là điều mà đa số nhà đầu tư tin tưởng.

Ông có khuyến nghị gì về chiến lược đầu tư cho giai đoạn này?

Thị trường đang tạo mặt bằng giao dịch quanh vùng 600 điểm, nhưng trạng thái điều chỉnh có thể chưa kết thúc, nhất là khi các tín hiệu tạo đáy trung hạn chưa thể hiện rõ nét, tôi cho rằng, chiến lược giao dịch hợp lý hiện nay là duy trì tỷ trọng danh mục cân bằng, 50% cổ phiếu và 50% tiền mặt, đồng thời linh hoạt trọng việc giao dịch nhằm hướng vào các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách (như VN30), nhóm hưởng lợi từ việc mở room và nhóm hưởng lợi từ nguyên liệu đầu vào giảm giá (như dầu).

Ngoài ra, thực hiện kỷ luật chiến lược đầu tư ngắn hạn là hạn chế mua đuổi giá cao, ưu tiên mua khi thị trường điều chỉnh với mức giá hợp lý, sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro khi thị trường biến động.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục