Phiên giao dịch chiều 11/1: VCB đẩy VN-Index về gần điểm xuất phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi được kéo mạnh phiên sáng, lên ngưỡng 1.065 điểm, áp lực bán ở nhóm ngân hàng gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến nhiều mã quay đầu giảm, trong đó có mã vốn hóa lớn nhất sàn VCB giảm mạnh, khiến VN-Index bị đẩy lùi về sát mức tham chiếu.
Phiên giao dịch chiều 11/1: VCB đẩy VN-Index về gần điểm xuất phát

Trong phiên sáng, ngay từ đầu phiên, lực cầu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, sắt thép – những nhóm được hưởng lợi từ đầu tư công giúp VN-Index tăng khá tốt, có thời điểm gần cuối phiên sáng đã được kéo lên ngưỡng 1.065 điểm, mức cao nhất gần 1 tháng, trước khi hạ nhiệt nhẹ cuối phiên.

Bước vào phiên chiều, dù diễn biến chung của thị trường vẫn tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó nhóm bất động sản, NVL duy trì sắc tím đậm với dư mua trần lớn; DXG, NTL, PDR, VHM cũng nới đà tăng, hay các mã bluechip khác như VIC, SAB, CTG, HPG…, cũng giữ sắc xanh tốt. Tuy nhiên, lực bán mạnh ở nhiều mã ngân hàng, đặc biệt là VCB khiến VN-Index bị đẩy xuống sát mốc tham chiếu, thanh khoản không có nhiều cải thiện.

Chốt phiên, VN-Index tăng 2,41 điểm (+0,23%), lên 1.055,76 điểm với 249 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 543,4 triệu đơn vị, giá trị 8.797,9 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37 triệu đơn vị, giá trị 612 tỷ đồng.

NVL giữ mức trần 14.900 đồng, khớp lớn nhất sàn 27,7 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,26 triệu đơn vị. VIC tăng 1,1% lên 55.100 đồng, VHM tăng 2,1% lên 50.800 đồng. DXG tăng mạnh 6,4% lên 13.350 đồng, PDR cũng tăng 3,9% lên 14.800 đồng. Trong khi đó, HPX lại đảo ngược vị thế, từ mức tăng trần đầu phiên sáng, chịu áp lực bán hạ nhiệt dần và đóng cửa giảm 1,3% xuống mức thấp nhất ngày 5.300 đồng, thanh khoản 25,27 triệu đơn vị.

Trong nhóm chứng khoán, chỉ có 1 sắc đỏ, còn lại đều giữ được đà tăng như phiên sáng. Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất với 23,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 14.750 đồng. SSI khớp 14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1% lên 19.300 đồng.

Nhóm thép cũng giữ được phong độ khi cũng chỉ có 1 mã giảm. Trong các mã tăng, NKG tăng mạnh nhất gần 3% lên 13.900 đồng, trong khi HPG cũng có mức tăng tốt 2% lên 20.200 đồng, khớp 25,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn sau NVL.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng chịu áp lực bán nên có sự phân hóa trong phiên chiều, trong đó mã tăng mạnh nhất là ACB tăng 3,2% lên 24.200 đồng, tiếp đến là CTG tăng 1,9% lên 29.100 đồng, các mã khác chỉ tăng nhẹ dưới 1%. Trong khi đó, EIB giảm tới 6,8% xuống 26.200 đồng và mã vốn hóa lớn nhất thị trường VCB giảm 2,5% xuống 85.100 đồng, lấy đi của VN-Index gần 2,6 điểm. Trong nhóm này, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất với 17,4 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,3% xuống 18.450 đồng.

Sàn HNX cũng chịu áp lực như HOSE trong phiên chiều, nhưng chỉ số chính của sàn này đã nhích trở lại vào cuối phiên.

Cụ thể, HNX-Index tăng 1,04 điểm (+0,49%), lên 211,67 điểm với 86 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,9 triệu đơn vị, giá trị 901,6 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng, nhưng chỉ tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 65 tỷ đồng.

SHS là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 16,66 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,2% lên 9.100 đồng. Tiếp đến là CEO tăng 1% lên 20.400 đồng, khớp 7,26 triệu đơn vị. Các mã có thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị là MBS, PVS, NRC, IDC và đều đóng cửa tăng giá.

Trong khi đó, UPCoM không thể giữ được sắc xanh trong phiên chiều. Ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán mạnh đã đẩy chỉ số này xuống dưới tham chiếu và duy trì sắc đỏ cho đến hết phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,16%), xuống 72,37 điểm với 166 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29 triệu đơn vị, giá trị 379,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 109 tỷ đồng.

Trên thị trường này có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là BSR với 4,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,7% lên 14.500 đồng. Trong khi OIL là mã có mức tăng tốt nhất trong nhóm thanh khoản khi đóng cửa tăng 6% lên 8.900 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 1 tăng 6,1 điểm (+0,6%), lên 1.062,7 điểm với 260.766 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 47.903 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm khá cân bằng nhau, nhưng thanh khoản hôm nay không mạnh khi chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CPHG2221 do SSI phát hành với 1,97 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,1% lên 120 đồng và CSTB2215 do KIS phát hành với 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1% xuống 970 đồng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục