Chứng khoán Việt Nam: Sóng đến từ Trung Quốc "mở cửa"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới với các nước, tiến tới mở cửa hoàn toàn sau Covid-19. Đây sẽ là cú huých cho thương mại, sản xuất toàn cầu.
Hàng không là một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp từ việc Trung Quốc mở cửa. Hàng không là một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp từ việc Trung Quốc mở cửa.

Tin tốt cho kinh tế toàn cầu

Không thể phủ nhận Trung Quốc là nền kinh tế có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới. Trong vòng một thập kỷ trước đại dịch, quốc gia này duy trì mức tăng trưởng ổn định, bình quân 7,7%/năm, trong đó có tỷ trọng rất lớn đến từ xuất khẩu và giao thương thương mại với thế giới. Thống kê cho thấy, khi Trung Quốc đóng cửa do dịch bệnh Covid-19, toàn bộ lượng hàng hóa trên thế giới sụt giảm tới 37%. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm giá cả tăng rất cao trong năm 2022.

Nhiều người cho rằng, tác động chính đến giá cả hàng hóa toàn cầu là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng thực tế, đây chỉ là một phần lý do. Là nước sản xuất đứng đầu thế giới, Trung Quốc đóng cửa khiến hàng hóa khan hiếm, làm giá cả tăng cao. Việc nước này mở cửa toàn bộ biên giới từ ngày 8/1/2023 được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa lưu thông, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt và Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Các số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc là thị trường chiếm 15,4% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm tới 33% tổng kim ngạch nhập khẩu suốt nhiều năm. Thực ra, nhiều hàng hóa của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam đóng vai trò sản phẩm trung gian, tức để làm đầu vào sản xuất ra hàng hóa xuất đi nước khác.

Vì vậy, trong bối cảnh Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế, hoạt động giao thương đình trệ, nguồn linh kiện, nguyên liệu nhập từ thị trường này khó khăn hơn, Việt Nam phải nhập từ các thị trường khác với chi phí đắt đỏ hơn. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp chuỗi cung ứng ở Việt Nam trở nên dễ dàng hơn, góp phần khiến chi phí đầu vào giảm xuống.

Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc trong 3 năm đã tác động cực mạnh đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu nông, thủy, hải sản, hàng không, lữ hành, lưu trú của nước ta. Đơn cử, ngay như doanh thu xuất khẩu mặt hàng thép tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát, có đóng góp tới 65% từ Trung Quốc.

Việc nới lỏng biện pháp phòng dịch của Trung Quốc có thể xem là tin tốt cho kinh tế toàn cầu. Nhiều chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh các chỉ số chính của toàn cầu vẫn giảm. Nhiều tín hiệu cho thấy dòng vốn quốc tế đang đảo chiều chảy ngược về Trung Quốc.

Thực tế, không chỉ nới lỏng chính sách phòng dịch, mà Trung Quốc còn bơm tiền hỗ trợ thị trường bất động sản, nới lỏng quản lý với các công ty công nghệ...

Việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương quốc tế, hoạt động kinh tế thực, xây dựng, mua bán trên thị trường bất động sản và gần đây, thị trường bất động sản của Trung Quốc đã có dấu hiệu đảo chiều. Từ bỏ Zero Covid còn hàm ý về một sự thay đổi, nghĩa là phát đi tín hiệu các quan điểm chủ chốt của chính sách kinh tế - xã hội đã thay đổi.

Thêm một điểm đáng chú ý, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 20 (diễn ra vào tháng 10/2022), Trung Quốc đã quyết tâm thay đổi chiến lược đến năm 2030, tập trung xây dựng xã hội thịnh vượng, dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng, chi tiêu nội địa và công nghệ lõi. Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc được cho rằng sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Trước kia, chỉ có con đường tơ lụa sang châu Âu thì nay, sáng kiến vành đai có nghĩa hàng hóa Trung Quốc đẩy mạnh đi đường biển sang một loạt cảng quan trọng. Điều này giúp Việt Nam và nhiều nước có giao thương với Trung Quốc hưởng lợi lớn và tăng thêm sức cạnh tranh do giao thương thuận tiện.

Ẩn số tích cực với chứng khoán Việt

Từ rất lâu, Trung Quốc lớn mạnh và sống nhờ buôn bán thương mại với thế giới; trong đó, họ xuất sang Mỹ, châu Âu nhiều, xuất sang Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong khi ngược lại, giao thương với Trung Quốc lại đứng đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Đông Bắc Á.

Trung Quốc là thị trường chiếm 15,4% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm tới 33% tổng kim ngạch nhập khẩu suốt nhiều năm.

Như vậy, việc Trung Quốc mở cửa đang là ẩn số với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng có vẻ là ẩn số tích cực. Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%; CPI đạt 3,15%, dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội thông qua; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 700 tỷ USD. Đây là tiền đề để Chính phủ đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt mốc 800 tỷ USD, dù kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ.

Về xuất khẩu, thương mại, Việt Nam chắc chắn có tác động khi thị trường Trung Quốc lớn thứ 2 về xuất khẩu (thị trường lớn nhất là Mỹ), đa phần các mặt hàng xuất khẩu gồm nông thủy sản, linh kiện điện tử máy móc. Những ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng, thủy sản sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hưởng lợi sớm nhất khi nhu cầu tiêu dùng của họ được thúc đẩy sau khi kinh tế mở cửa trở lại.

Lĩnh vực thứ hai được hưởng lợi là du lịch, dịch vụ vận chuyển hàng không, logistics. Vietnam Airlines đã nối lại 100% chuyến bay, đường bay lớn tới Trung Quốc. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, con số này của năm 2022 là gần 60.000 người. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng trở lại của khách du lịch Trung Quốc là rất lớn, sự vắng vẻ của các thủ phủ du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng... khi Trung Quốc đóng cửa đã nói lên điều đó.

Cũng không thể không đề cập đến các doanh nghiệp, ngành nghề hưởng lợi từ sự dịch chuyển vốn FDI. Sự dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam tắc nghẽn suốt 3 năm qua, chúng ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay các dự án mới. Bởi vậy, việc đất nước này mở cửa có lợi cho FDI, thúc đẩy cả đầu tư trực tiếp Trung Quốc và các nguồn vốn vào Trung Quốc muốn chuyển dịch các cứ điểm sản xuất khác. Tất nhiên, ngoài Việt Nam, các nhà đầu tư còn đổ bộ sang Ấn Độ, Thái Lan...

Trung Quốc mở cửa như đã phân tích, có thể thúc đẩy giá cả nguyên vật liệu giảm trên quy mô toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng với chiến lược thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Việt Nam. Trong năm 2022, dù rất nỗ lực nhưng giải ngân đầu tư công ở Việt Nam chậm trễ, trong đó có một phần nguyên nhân là giá vật liệu giảm nhưng giảm chưa nhiều. Khi mặt bằng giá hàng hóa thế giới giảm, đơn cử sắt, thép, xi măng giảm nhiều; than đá giảm, tương lai tiếp tục giảm sẽ là những tác động tích cực cho giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lường trước khả năng Trung Quốc gia tăng sản xuất và chiếm lĩnh vị thế ở các thị trường lớn mà họ đã bị đóng cửa suốt 3 năm qua. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực tham gia các hội chợ thủy sản gần đây thể hiện rõ tham vọng đó. Họ sẽ là những đối thủ nặng ký với các nhà xuất khẩu Việt Nam trên các thị trường lớn như Mỹ, EU, châu Á... khi công xưởng hàng đầu thế giới này hồi phục trở lại.

Phùng Trung Kiên
Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục