Lực cầu trở nên thận trọng khiến thị trường dần hạ độ cao và diễn biến rung lắc trong nửa đầu phiên sáng cuối tuần, tuy nhiên, VN-Index cũng đã nhanh chóng hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ từ một số bluechip cùng sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Mặc dù sau đó, VN-Index tiếp tục bị ép giá, đẩy lùi về sát mốc tham chiếu nhưng lại một lần nữa chỉ số này thắng thế và chốt phiên trong sắc xanh hy vọng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin tích cực. Giao dịch diễn ra khá ảm đạm và chỉ số VN-Index biến động lình xình nhẹ trên mốc tham chiếu.
Sau gần 1 giờ giao dịch, trong khi lực cầu vẫn tham gia khá hạn chế thì áp lực bán thường trực đã đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ngay lập tức chỉ số này đã bật ngược đi lên với biên độ tăng khá hẹp do vắng bóng trụ đỡ chính.
Chính đà tăng kém bề vững này đã khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu trong đợt khớp lệnh ATC khi áp lực bán gia tăng.
Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 158 mã tăng và 135 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,9 điểm (-0,09%) xuống 974,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 192,3 triệu đơn vị, giá trị 4.656,39 tỷ đồng, giảm 12,29% về lượng và 23,27% về giá trị so với phiên hôm qua (8/8).
Giao dịch thỏa thuận vẫn đóng góp tích cực với khối lượng 58,76 triệu đơn vị, giá trị 1.746,67 tỷ đồng, trong đó riêng HNG thỏa thuận 30 triệu đơn vị, giá trị 540 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 4,32 triệu đơn vị, giá trị 526,86 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 5,46 triệu đơn vị, giá trị 158,34 tỷ đồng…
Nhóm VN30 diễn biến phân hóa với 14 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, ở chiều hướng tăng, VNM, VJC, CTG, EIB, GAS… chỉ nhích nhẹ, đáng kể có MSN tăng 1,74% lên 76.100 đồng/CP, MWG tăng 2,57% lên 115.900 đồng/CP, NVL tăng 1,87% lên 60.000 đồng/CP, nhưng các mã này không tác động quá lớn tới chỉ số chung của thị trường.
Đặc biệt, HDB tăng 5,2% lên 26.300 đồng/CP, mạnh nhất trong nhóm VN30, trong đó khối ngoại mua ròng tới gần 1,2 triệu cổ phiếu.
Trái lại, ở chiều hướng giảm, đáng kể một số mã có vốn hóa lớn như VIC giảm 1,48% xuống mức thấp nhất ngày 120.000 đồng/CP, VHM cũng đảo chiều giảm 0,6% xuống 84.000 đồng/CP, SAB giảm 1,54% xuống mức 275.700 đồng/CP. Ngoài ra, HPG, MBB, ROS… cũng đứng dưới mốc tham chiếu.
Trong đó, mặc dù chưa thoát khỏi sắc đỏ nhưng lực cầu chảy mạnh đã giúp ROS thu hẹp đà giảm đáng kể sau nhịp giảm khá sâu khi chốt phiên sáng nay. Hiện ROS chỉ còn giảm 0,37% và kết phiên tại mức cao nhất ngày 27.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 13,76 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng không còn nóng như phiên sáng nay, bên cạnh ITA, DLG, ASM… quay về mốc tham chiếu, nhiều mã khác cũng đã chịu sức ép điều chỉnh như KBC, HNG, NTL… Trong khi đó, cặp đôi DXG và HAR vẫn giữ được sắc tím.
Ở nhóm cổ phiếu vận tải, cảng biển cũng hạ nhiệt, trong khi DVP và TCL không còn giữ được sắc tím thì GMD, HAH lại lần lượt đảo chiều giảm 1,1% xuống 27.700 đồng/CP, và giảm 1,7% xuống 14.800 đồng/CP.
Trên sàn HNX, sau gần 1 giờ nỗ lực giữ sắc xanh, HNX-Index đã trở nên rung lắc và giao dịch giằng co liên tục quanh mốc tham chiếu.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,11%) xuống 102,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 23,13 triệu đơn vị, giá trị 307,52 tỷ đồng, tăng 9,1% về lượng và 2,5% về giá trị so với phiên hôm qua (8/8). Giao dịch thỏa thuận đạt 5,83 triệu đơn vị, giá trị 103,53 tỷ đồng, trong đó, riêng VCG thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu, giá trị 52,6 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ còn VCS nhích nhẹ, PVI tăng 3,53% lên 38.100 đồng/CP và PHP tăng 5,4% lên 11.700 đồng/CP, còn VCG, SHB, NVB, đứng giá tham chiếu.
Trái lại, ACB đảo chiều giảm nhẹ 0,45% xuống 21.900 đồng/CP, DGC giảm 1,27% xuống 31.000 đồng/CP, PVS giảm gần 1% xuống 20.800 đồng/CP.
Đáng chú ý vẫn là nhóm cổ phiếu thị trường với hàng loạt các mã thị giá thấp kết phiên trong sắc tím như HUT, PVX, TTH, SVN, PGT, MEC, VE9, PVL… Trong đó, HUT dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với hơn 2,9 triệu đơn vị được khớp lệnh, cổ phiếu PVX đứng thứ 4 với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, mặc dù áp lực bán gia khiến UPCoM-Index cũng đảo chiều giảm nhưng chỉ số này đã may mắn hơn khi thoát hiểm trong phút cuối.
Kết phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,11%) lên 58,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 234,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 8,64 triệu đơn vị, giá trị 248,48 tỷ đồng, trong đó SIP thỏa thuận hơn 1,5 triệu đơn vị, giá trị 157,88 tỷ đồng.
Các mã VIB, GEG, GVR và BSR giao dịch sôi động nhất với khối lượng giao dịch đều đạt hơn 1 triệu đơn vị. Trong khi GVR vẫn giảm 1,2% xuống 16.400 đồng/CP, thì 3 mã còn lại đều khởi sắc, đáng kể GEG tăng 4,68% lên 29.100 đồng/CP.
Một số mã lớn hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường như VEF tăng 2,9% lên 129.000 đồng/CP, SNZ tăng 2,6% lên 31.200 đồng/CP, OIL tăng 7,3% lên 11.700 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, trong khi hợp đồng tương lai trái phiếu không có mã nào có giao dịch thì
các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều có giao dịch. Trong đó, VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 có thanh khoản lớn nhất với 69.862 hợp đồng được giao dịch, và cũng là hợp đồng duy nhất đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,06% lên 869,7 điểm và lượng hợp đồng mở là 22.426 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay sắc xanh chiếm thế áp đảo với 111 mã tăng giá, chỉ có 3 mã giảm giá và 2 mã đứng giá khi đóng cửa. Trong đó, CVNM1901 khớp lệnh lớn nhất đạt 47.414 đơn vị và đóng cửa giảm 2,47% xuống 790 đồng/chứng quyền.