Phiên chiều 6/3: Cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng

(ĐTCK) Mặc dù nhóm cổ phiếu bluechip vẫn níu chân khiến các chỉ số dừng chân dưới mốc tham chiếu, nhưng hàng loạt mã vừa và nhỏ đã tô điểm sắc tím, tạo điểm nhấn cho thị trường trong phiên cuối tuần 6/3.
Phiên chiều 6/3: Cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng

Ngay sau phiên hồi phục ngày 5/3, áp lực bán gia tăng và lan rộng đã quay lại trong phiên sáng cuối tuần 6/3 khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Cùng với áp lực bán lan rộng thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip cũng gia tăng sức ép khiến chỉ số VN-Index biến động lình xình quanh mốc 885 điểm và để mất gần 10 điểm khi chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau hơn 15 phút đầu lình xình đi ngang dưới vùng giá 885, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index từng bước tiến và lấy lại mốc 890 điểm.

Tuy nhiên, sự ngáng chân của bluechip khi phần lớn vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể là SAB vẫn giảm sâu, khiến thị trường chưa thể hồi phục trở lại.

Đóng cửa, với 148 mã tăng và 199 mã giảm, VN-Index giảm 1,87 điểm (-0,21%) xuống 891,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 214,34 triệu đơn vị, giá trị 3.939,72 tỷ đồng, giảm 7,34% về khối lượng nhưng tăng hơn 10% về giá trị so với phiên 5/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,74 triệu đơn vị, giá trị 1.319,15 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới 21 mã giảm và chỉ 7 mã tăng, trong đó đáng kể là MSN có pha đảo chiều ngoạn mục từ khi mở cửa dưới mốc tham chiếu, cổ phiếu này đã bật tăng kịch trần, kết phiên +6,9% lên 54.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 2,8 triệu đơn vị và dư mua trần 21.860 đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu VCB cũng có phiên tăng tích cực dù xuất phát điểm cũng như MSN, kết phiên +1,7% lên 84.500 đồng/CP.

Trái lại, phần lớn vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng đà giảm đã thu hẹp đáng kể như VIC, VHM, VNM, BVH, GAS… chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%. Ngoại trừ SAB vẫn giảm khá sâu 3,8% và kết phiên tại mức giá 162.600 đồng/CP.

Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi hàng loạt mã khoe sắc tím. Trong đó, HQC kết phiên tại mức giá trần 1.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 13,15 triệu đơn vị.

Các mã khác như LDG, DXG, QCG, HCD, AMD… cũng đều tăng hết biên độ và dư mua trần cùng khối lượng khớp khớp vài triệu đơn vị, trong đó AMD dư mua trần hơn 9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn tạo sức ép khiến HNX-Index mất điểm.

Đóng cửa, với 37 mã tăng và 39 mã giảm, HNX-Index giảm 1,37 điểm (-1,19%) xuống 113,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,49 đơn vị, giá trị 576,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,95 triệu đơn vị, giá trị hơn 33,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB quay đầu do áp lực bán chốt lời gia tăng sau 9 phiên tăng phi mã và kết phiên -3,9% xuống mức 12.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh cũng sụt giảm với 22,24 triệu đơn vị.

Bên cạnh SHB, cặp đôi còn lại của nhà bank là ACB và NVB cũng tác động thiếu tích cực lên thị trường. Kết phiên, ACB -1,2% xuống 25.300 đồng/CP và khớp 3,96 triệu đơn vị, còn NVB -2,2% xuống 8.700 đồng/CP và khớp 1,74 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã bluechip khác như VCS, PVS, CEO… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã như KLF, HHG, SPI, MEC… dừng chân tại mức giá trần.

Trên UPCoM, lực cầu cũng gia tăng giúp thị trường bật ngược đi lên về cuối phiên nhưng cũng giống sàn HOSE, chỉ số UPCoM-Index kém may mắn khi chưa thoát khỏi sắc đỏ.

Đóng cửa, với 31 mã tăng và 25 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,06%) về 55,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,97 triệu đơn vị, giá trị 114,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,4 triệu đơn vị, giá trị 16,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 sau chuỗi ngày dài tăng nóng. Kết phiên, LPB -3,4% xuống mức 8.500 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM, đạt 3,14 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó, 2 mã lớn BSR và GVR lần lượt giảm 2,4% về 8.100 đồng/CP và -0,8% xuống 12.500 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh tương ứng 1,85 triệu đơn vị và hơn 1,3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (ngày 19/3) là VN30F2003 được giao dịch nhiều nhất với 141.416 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 21.966 hợp đồng, giảm 0,44% về 832,3 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 2 mã tăng và 13 mã đứng giá, còn lại vẫn giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, CHPG1909 là mã có thanh khoản tốt nhất với 61.279 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 580 đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục