Phiên chiều 6/12: Dòng tiền yếu, thị trường thiếu động lực để bước tiếp

(ĐTCK) Tâm lý nghi ngờ cao độ khiến dòng tiền tham gia khá yếu và thị trường thiếu động lực để bước tiếp. Chỉ số VN-Index trở lại trạng thái giằng co và may mắn giữ được sắc xanh nhạt trong phiên cuối tuần 6/12 nhờ sự hỗ trợ từ một số mã bluechip.

Mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế nhưng sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip, đáng nhắc tới là MSN sau 2 phiên lao dốc mạnh, đã giúp thị trường lấy lại đà tăng điểm, thậm chí vượt thành công ngưỡng 965 điểm sau hơn nửa đầu phiên biến động giằng co.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục trạng thái giao dịch ảm đạm. Đà tăng dần thu hẹp trước áp lực bán gia tăng và VN-Index trở lại diễn biến lình xình. Sau những nhịp điều chỉnh nhẹ, chỉ số này cũng đã nhanh chóng hồi nhẹ và kết phiên cuối tuần trong sắc xanh nhạt trong bối cảnh thị trường phân hóa.

Đóng cửa, với 156 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index tăng 0,29 điểm (+0,03%) lên 963,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 171,29 triệu đơn vị, giá trị 3.858,22 tỷ đồng, giảm 11,95% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với phiên 5/12.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.086 tỷ đồng. Trong đó, GTN thỏa thuận 9,48 triệu đơn vị, giá trị 216,55 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 9,8 triệu đơn vị, giá trị 250,88 tỷ đồng; VJC thỏa thuận hơn 113 tỷ đồng…

Sau những phiên lao dốc mạnh bởi sức ép cung ngoại khá lớn, cổ phiếu MSN đã có màn đảo chiều hồi phục khá ấn tượng trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã thu hẹp biên độ trong phiên chiều và chỉ còn tăng nhẹ % lên mức 62.500 đồng/CP với khối lượng khớp 1,62 triệu đơn vị và khối ngoại tiếp tục xu thế bán ròng dù đã giảm, đạt gần 0,5 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu lớn SAB cũng chỉ còn nhích nhẹ 0,5% và kết phiên tại mức giá 233.000 đồng/CP. Đáng kể, một số mã bluechip khác đảo chiều hoặc nới rộng biên độ giảm cũng gia tăng sức ép khiến thị trường hạ nhiệt.

Cụ thể, VNM -1,3% xuống mức thấp nhất ngày 116.300 đồng/CP, các mã ngân hàng như TCB, STB, HDB, BID cũng đảo chiều giảm nhẹ trên dưới 0,5%, GAS cũng lùi về mốc tham chiếu...

Trong khi đó, cổ phiếu HPG trở thành điểm sáng của nhóm bluechip khi lực cầu nội và ngoại hỗ trợ khá tốt, tiếp sức cho cổ phiếu này tiếp tục tiến bước. Kết phiên, HPG +3,2% lên 23.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 7,13 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ROS cũng có màn lội ngược dòng ấn tượng khi từ mức -2,24% đã hồi phục và kết phiên +2,04% lên 25.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 31,13 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác nhích nhẹ cũng hỗ trợ giúp thị trường bảo toàn sắc xanh như VIC, VRE, VCB, CTG, PLX…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau phiên giảm sàn hôm qua, HAI đã lấy lại sắc tím trong phiên hôm nay. Kết phiên, HAI tăng 7% lên mức giá trần 2.870 đồng/CP và khớp 7,47 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE và dư mua trần 123.720 đơn vị. Các mã đầu cơ quen thuộc khác như TSC, FIT cũng đảo chiều tăng trần.

Trái lại, FLC đảo chiều giảm 1,9% xuống 4.550 đồng/CP, AMD cũng quay đầu sau 4 phiên tăng mạnh khi để mất 1% xuống 2.020 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, nhưng cũng như phiên sáng HNX-Index may mắn thoát hiểm cuối phiên.

Đóng cửa, với 29 mã tăng và 37 mã giảm, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,13%) lên 102,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 15,55 triệu đơn vị, giá trị 174,46 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11 triệu đơn vị, giá trị gần 52,53 tỷ đồng.

Trong khi phần lớn các mã trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX như ACB, SHB, VCS, VCG, PVS, PVI kết phiên tại mốc tham chiếu, thì DGC vẫn là điểm sáng với biên độ tăng tiếp tục được nới rộng nhờ lực cầu tích cực.

Đóng cửa, DGC tăng hết biên độ lên mức giá trần 29.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh cũng tăng mạnh với gần 0,84 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Ngoài ra, trong nhóm HNX30 còn có KLF và NRC cũng được kéo lên mức giá trần.

Chỉ có 3 mã giao dịch trên HNX có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là SHB (hơn 1,7 triệu đơn vị), NVB (1,47 triệu đơn vị và PVX. Kết phiên, cả 3 mã này đều đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, thị trường cũng đã nỗ lực và hồi phục thành công trong thời điểm cuối phiên giao dịch.

Đóng cửa, với 28 mã tăng và 28 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,11%) lên 55,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,83 triệu đơn vị, giá trị 72,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 31,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã lấy lại thăng bằng và kết phiên tại mốc tham chiếu 9.200 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 883.200 đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Bên cạnh đó, GVR, LPB, VIB cũng lấy lại mốc tham chiếu, VEA +1,5% lên 48.000 đồng/CP, ACV +2,2% lên 75.500 đồng/CP, VGI +1,2% lên 8.100 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng điểm và 2 hợp đồng giảm, trong đó mã có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F1912 với mức giảm nhẹ về mức 884,7 điểm, với 67.658 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 18.364 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 23 mã giảm, chỉ có 10 mã tăng và 5 mã đứng giá. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG1902 với lượng khớp khớp 153.898 đơn vị, đóng cửa tại mức giá tham chiếu 20 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục