Không nằm ngoài dự đoán, ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế khiến chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh trong phiên sáng 26/8. Áp lực bán gia tăng mạnh và ngày càng lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index để mất tới hơn 10 điểm và chia tay ngưỡng kháng cự 980 điểm khi chốt phiên.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là mặc dù lực bán diễn ra khá mạnh nhưng dòng tiền tham gia cũng khá tích cực, nhờ đó thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực nào. Sắc đỏ vẫn tràn ngập bảng điện tử với đà giảm ngày càng sâu hơn của các mã lớn khiến VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm.
Sau gần 1 giờ nỗ lực, nhóm cổ phiếu bluechip đã thành công đưa thị trường về lại mốc 980 điểm nhờ một số mã bluechip đã hãm đà giảm sâu, điển hình là “ông lớn” ngành bất động sản VIC, TCB, MSN… hay BID đảo chiều khởi sắc. Tuy vậy, VN-Index vẫn không thoát khỏi phiên giảm sâu bởi lực bán thường trực khá lớn.
Kết phiên, trên sàn HOSE, số mã giảm (206 mã) gấp đôi số mã tăng (101 mã), chỉ số VN-Index giảm 9,57 điểm (-0,96%) xuống 982,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 189,79 triệu đơn vị, giá trị 4.336,19 tỷ đồng, tăng 16,74% về lượng và 11,91% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (23/8).
Giao dịch thỏa thuận đạt 38,14 triệu đơn vị, giá trị 1.017,97 tỷ đồng, trong đó ROS thỏa thuận 6,7 triệu đơn vị, giá trị 190,28 tỷ đồng; VJC thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị gần 150 tỷ đồng…
Nhóm VN30 sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo với 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, trong đó, các mã lớn vẫn là cản trở chính như VNM duy trì mức giảm 2,4% xuống 120.500 đồng/CP, VHM giảm 1,3% xuống 85.900 đồng/CP, VCB giảm 1,8% xuống 77.800 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 101.500 đồng/CP...
Ngoài ra, một số bluechip tác động ít hơn tới chỉ số cũng giao dịch thiếu tích cực như SAB giảm 0,8% xuống 273.400 đồng/CP, VJC giảm 1,5% xuống 132.000 đồng/CP, BVH giảm 0,9% xuống 77.800 đồng/CP, PLX giảm 1,9% xuống 60.800 đồng/CP…
Như đã nói ở trên, dù chưa lấy lại sắc xanh nhưng đà giảm thu hẹp tại VIC cũng phân nào giúp VN-Index bớt rơi. Đóng cửa, VIC chỉ giảm gần 0,2%, xuống 124.800 đồng/CP.
Điểm sáng trong nhóm cổ phiếu bluechip chính là MBB. Mặc dù, MBB có thời điểm bị chốt lời và đảo chiều giảm nhưng lực cầu lớn mạnh khiến cổ phiếu này có phiên giao dịch bùng nổ. Với mức tăng 2,9%, cổ phiếu MBB đóng cửa tại mức cao nhất ngày 23.300 đồng/CP, đây là mức giá đóng cửa cao nhất trong hơn 10 tháng qua (từ phiên 8/10/2018) và cũng là mã dẫn đầu thanh khoản với 14,68 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Bên cạnh đó, BID cũng đã đảo chiều thành công với mức tăng chỉ 0,8% và đóng cửa tại mức giá 37.850 đồng/CP, nhưng đây cũng là mức giá cao nhất ngày. Ngoài ra, dòng bank còn có VPB khởi sắc khi tăng 1,5% lên 20.100 đồng/CP và khớp 3,58 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ROS cũng đã có màn lội ngược dòng ngoạn mục từ mức giá giảm sâu đã hồi nhẹ khi tăng 0,8% lên mức 26.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 12,58 triệu đơn vị, chỉ thua MBB.
Điểm sáng ngành là nhóm cổ phiếu thủy sản với nhiều mã tăng vượt trội như HVG, CMX tăng trần, TS4 tăng 5,5% lên 5.800 đồng/CP, AAM tăng 2,5% lên 12.500 đồng/CP, AGF tăng 2,9% lên 3.600 đồng/CP…
Ở nhóm bất động sản, nhiều mã vẫn giữ nhiệt như ITA, KBC, DXG, DIG, HQC…, hay SZL…
Tương tự, sàn HNX cũng thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,44 điểm (-0,43%) xuống 102,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,3 triệu đơn vị, giá trị 278,94 tỷ đồng, tăng 5,29% về lượng và 7,84% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (23/8). Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 162,91 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30, bên cạnh SHB, CEO, HUT… lấy lại mốc tham chiếu, VCG đã đảo chiều hồi nhẹ khi tăng 0,76% lên 26.400 đồng/CP, VCS tiếp tục nhích bước khi tăng 0,57% lên 87.500 đồng/CP.
Mặt khác, ACB đã thu hẹp đà giảm đáng kể với mức giảm 0,44% , đứng tại 22.500 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong ngày.
Nhóm cổ phiếu họ P vẫn duy trì đà giảm khá mạnh như PVS giảm 1,9% xuống 20.600 đồng/CP, PVI giảm 3,4% xuống 37.100 đồng/CP, PVB giảm 3,7% xuống 20.600 đồng/CP, PGS giảm 0,9% xuống 31.500 đồng/CP…
Trong đó, SHB trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với gần 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tiếp theo đó là PVS khớp 2,94 triệu đơn vị; còn các mã HUT, PVX, TNG, ACB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến có phần xấu hơn về cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,71%) xuống 57,53 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,58 triệu đơn vị, giá trị 220,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 14,5 triệu đơn vị, giá trị 734,88 tỷ đồng, trong đó riêng SDI thỏa thuận 5,4 triệu đơn vị, giá trị 344,57 tỷ đồng; SIP thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 234,6 tỷ đồng.
Bộ 3 gồm BSR, GVR và QNS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch lần lượt 1,85 triệu đơn vị, 1,23 triệu đơn vị và 1,18 triệu đơn vị. Kết phiên, GVR và QNS vẫn đứng giá, còn BSR duy trì mức giảm 1,1% xuống 9.300 đồng/CP.
Đóng góp vào nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, BCM tiếp tục giữ sắc xanh với mức tăng 2,8% và kết phiên tại mức giá 33.300 đồng/CP; SNZ tăng 2,4% lên 34.500 đồng/CP, NTC tăng 0,5% lên 188.800 đồng/CP.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 mã đều giảm, trong đó VN30F1909 vẫn dẫn đầu về thanh khoản với 76.157 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 17.851 hợp đồng. Chốt phiên, mã này giảm 0,26% xuống 885,5 điểm. Trong khi đó, mã VN30F1911 giảm mạnh nhất gần 1,7% xuống 881,1 điểm với 99 hợp đồng, khối lượng mở 433 hợp đồng.
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trở lại trạng thái không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã được niêm yết, phiên hôm nay có 8 mã giảm, 3 mã đứng giá và 5 mã tăng.
Có thanh khoản tốt nhất là CMBB1902 với 55.006 đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến là CVNM1901 với 25.119 đơn vị và CMBB1901 với 19.463 đơn vị.