Phiên chiều 26/7: Gặp khó

(ĐTCK) Bên cạnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt yếu đà, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến VN-Index chưa thể vượt qua ngưỡng 995 điểm để hướng tới ngưỡng điểm tâm lý lịch sử 1.000 điểm.

Sau diễn biến rung lắc đầu phiên, thị trường đã bật tăng khá tốt và tiến gần hơn với ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm, tuy nhiên, đây vẫn là thử thách lớn của thị trường. Áp lực bán dần xuất hiện và ngày càng gia tăng đã khiến VN-Index cắm đầu đi xuống, xuyên thủng mốc tham chiếu và chốt phiên sáng trong sắc đỏ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, trong khi lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng thì bên bán khá nóng lòng thoát hàng khiến thị trường chỉ kịp le lói sắc xanh đã nhanh chóng thoái lui. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn, trong khi thị trường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ một số mã bluechip khiến đà giảm không quá sâu.

Đóng cửa, sàn HOSE có 181 mã giảm và 121 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 1,6 điểm (-0,16%) xuống 993,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 152,4 triệu đơn vị, giá trị 4.155,9 tỷ đồng, giảm 11,29% về lượng và 6,97% về giá trị so với phiên hôm qua (25/7).

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 34,35 triệu đơn vị, giá trị 1.468,11 tỷ đồng, trong đó đáng kể là VHM thỏa thuận 5,18 triệu đơn vị, giá trị 450,71 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 1,97 triệu đơn vị, giá trị 240,24 tỷ đồng; GEX thỏa thuận 5,1 triệu đơn vị, giá trị 114,74 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 4,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 145 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, các mã như BVH, FPT, HPG, MSN, PLX đều có được sắc xanh nhạt, cùng cặp đôi lớn dòng bank là VCB và BID giữ mức tăng hơn 1%, nhưng chưa đủ sức để giúp thị trường khởi sắc.

Ngoại trừ VCB và BID, hầu hết các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Đáng kể, nhiều trụ lớn gia tăng gánh nặng như VNM lùi sâu hơn khi giảm 0,5% xuống mức thấp nhất ngày 124.500 đồng/CP, VIC cũng chính thức đảo chiều sau 5 phiên giao dịch khởi sắc với mức giảm 0,9% xuống 122.100 đồng/CP, SAB giảm 1,4% xuống 278.900 đồng/CP, MWG giảm 1,1% xuống 106.700 đồng/CP…

Lực cầu đã giúp ROS thu hẹp đà giảm khi kết phiên gần đứng tại mức giá cao nhất ngày 27.450 đồng/CP, giảm 1,26% và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 11 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trong khi đó, HPG bị đẩy xuống vị trí thứ 2 về thanh khoản với 9,79 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và cũng được khối ngoại giao dịch sôi động khi mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu và bán ra hơn 3 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng chịu sức ép bán ra khi các mã khới sắc của phiên sáng như FLC, DLG, ASM… quay về mốc tham chiếu, còn HAG, HSG, DXG, HAR, DIG… đều giảm.

Cổ phiếu GAB sau phiên hồi nhẹ hôm qua cũng đã trở lại với sắc xanh mắt mèo khi giảm 7% và kết phiên tại mức giá 9.580 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 394.470 đơn vị và dư bán sàn 10.310 đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng khiến HNX-Index không thể hồi phục.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,34%) xuống 106,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 25,95 triệu đơn vị, giá trị 276,65 tỷ đồng, tăng 9,5% về lượng nhưng giảm 25,43% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 9,54 triệu đơn vị, giá trị 78,96 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB tiếp tục gia tăng sức ép khi giảm 1,27% và kết phiên tại mức giá 23.400 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn SHB đã lấy lại mốc tham chiếu và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản, đạt 4,24 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu họ P dần đuối sức như PVI giảm 0,8% xuống 37.100 đồng/CP, PVS giảm 0,4% xuống 22.700 đồng/CP, PVC giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP, PLC giảm 2% xuống 14.500 đồng/CP…

Một số mã cũng có giao dịch sôi động như ART khớp lệnh 2,41 triệu đơn vị, CEO khớp 2,21 triệu đơn vị, PVX khớp 1,68 triệu đơn vị, PVS khớp 1,52 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, sắc đỏ cũng xuyên suốt trong cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,88%) xuống 58,82 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,78 triệu đơn vị, giá trị 215,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 5,1 triệu đơn vị, giá trị 350,64 tỷ đồng. Đáng kể, NTC thỏa thuận gần 1,56 triệu đơn vị, giá trị 251,42 tỷ đồng.

BSR từng bước nhích khi tăng 2,68% và kết phiên tại mức giá 11.500 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường, đạt 1,91 triệu đơn vị. Đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với hơn 0,9 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, GVR đứng thứ 2 về thanh khoản khi chuyển nhượng thành công hơn 1,3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,01% xuống 14.600 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có hợp đồng nào được giao dịch ở phiên này.

Ngược lại, hợp đồng phái sinh VN30 giao dịch khá tích cực, trong đó mã VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 65.647 đơn vị được giao dịch thành công, khối lượng mở 22.103 đơn vị. Trong 4 hợp đồng phái sinh VN30 thì có 3 hợp đồng tăng điểm và chỉ duy nhất VN30F2003 giảm nhẹ.

Trên thị trường chứng quyền, có 3 chứng quyền tăng, 2 chứng quyền đứng giá và có tới 11 chứng quyền giảm. Về thanh khoản, CHPG1902 tiếp tục dẫn đầu với 33.712 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMWG19003 với 22.572 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục