Niêm yết trên sàn ngoại, hãy dấn bước

(ĐTCK) Chủ tịch Ngân hàng TMCP Vietinbank Lê Đức Thọ chia sẻ, từ khi cổ phần hóa, Ngân hàng đã có khát vọng niêm yết trên thị trường quốc tế, nhưng để thực hiện được, cần chuẩn bị tốt từ nội lực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc giúp các doanh nghiệp Việt Nam trải nghiệm các thị trường tài chính quốc tế, theo ông Thọ, là rất cần thiết để mở rộng kết nối, mở rộng góc nhìn và xây khát vọng vươn xa.
Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào niêm yết trên Sở GDCK Luân Đôn, ngoài 2 quỹ đầu tư, 1 của Dragon Capital và 1 của VinaCapital Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào niêm yết trên Sở GDCK Luân Đôn, ngoài 2 quỹ đầu tư, 1 của Dragon Capital và 1 của VinaCapital

Trải nghiệm thị trường tài chính quốc tế

Hội trường xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì giữa các nhà đầu tư châu Âu và Anh quốc với gần 30 doanh nghiệp Việt Nam đầu tháng 7 vừa qua chật kín người tham dự. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, nhà đầu tư quốc tế nhìn thấy cơ hội từ Việt Nam nên mới đến và có sự quan tâm, tìm hiểu thiết thực như vậy.

Trong đánh giá của Chủ tịch Vietinbank, việc tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế không chỉ để chia sẻ cơ hội hay thông điệp mang tính chất kết nối nhà đầu tư, kết nối các khu vực thị trường, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam trải nghiệm thị trường tài chính hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp có thêm sự cọ xát, hiểu hơn về nhu cầu, nguyện vọng, những vấn đề nhà đầu tư quan tâm và xác định đúng con đường phát triển.

Ở vị thế một ngân hàng lớn, niêm yết, ông Thọ chia sẻ, Ngân hàng luôn có định hướng tăng cường hợp tác, chủ động hợp tác trong nước cũng như nước ngoài trên nhiều mảng thị trường. Điểm đặc biệt là các đối tác của Ngân hàng là các doanh nghiệp, những chủ thể có nhu cầu sử dụng vốn. Ngân hàng ngoài việc cung ứng dịch vụ đó thì cũng cần tạo môi trường kết nối để các doanh nghiệp biết được nhu cầu thị trường, nhu cầu khách hàng, đối tác. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt, ngân hàng cũng sẽ tốt hơn.

Vietinbank chưa niêm yết trên sàn ngoại, nhưng ngân hàng này có 3 cổ đông lớn nước ngoài là Bank of Tokyo - Mitssubishi (19,73% vốn); Quỹ đầu tư cấp vốn IFC (5,39% vốn) và IFC (2% vốn). Theo ông Thọ, việc IPO trong nước và có thêm các cổ đông quốc tế tham gia vào Vietinbank là những bước chuẩn bị cho chiến lược niêm yết, IPO ở nước ngoài.

Nếu như huy động vốn trong nước, lãi suất trái phiếu các ngân hàng phải trả từ 7 - 8,5%/năm, thì trên nhiều thị trường vốn quốc tế như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…, mặt bằng lãi suất chỉ 1 - 2%/năm. Nếu doanh nghiệp Việt tiếp cận được thị trường vốn quốc tế và huy động được nguồn vốn mặt bằng lãi suất thấp để cung ứng cho các hoạt động tại Việt Nam, cơ hội cùng thắng sẽ rất lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để bước lên sàn ngoại và gọi được vốn ngoại, đó vẫn là bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay.

Sau 19 năm mở cửa hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 30 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, với những tên tuổi lớn như Vinamilk, Hòa Phát, Bảo Việt, BIDV, ACB, MBBank… Đây là các ứng viên kỳ vọng nhất cho khả năng dấn thân, bước ra thị trường quốc tế và gọi vốn quốc tế về Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã “đánh tiếng” về kế hoạch niêm yết trên sàn ngoại từ vài năm nay, nhưng chưa rõ lộ trình triển khai cụ thể.

Thị trường chứng khoán quốc tế được ví như “biển lớn” ngoài biên giới Việt Nam, ở đó có rất nhiều tài nguyên, nhưng để tiếp cận được, các doanh nghiệp phải chuẩn bị đủ điều kiện. Điều kiện căn bản nhất là phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, phải công bố thông tin đồng thời bằng ngôn ngữ quốc tế và phải có khả năng tuân thủ kỷ luật minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế, dường như chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được.

Tuy nhiên, với việc hoàn thiện nền tảng pháp lý mới từ sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, xây dựng Đề án áp dụng IFRS tại doanh nghiệp niêm yết, hay buộc các doanh nghiệp quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh tới đây, nhà quản lý kỳ vọng sẽ tạo sức ép buộc các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Một mặt, đây là việc để tạo sức hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng mặt khác cũng là nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam bước chân ra thị trường ngoại.

Niêm yết trên sàn ngoại, hãy dám dấn thân

Sàn chứng khoán London đứng trong Top 3 toàn cầu cùng với sàn chứng khoán New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản). “Đặc sản” của LSE chính là việc giúp các doanh nghiệp toàn cầu huy động vốn. Năm 2018, LSE giúp 79 doanh nghiệp trên toàn cầu huy động trên 9 tỷ Euro vốn thông qua IPO, giữ vị trí thị trường số 1 châu Âu về huy động vốn.

6 tháng đầu năm 2019, LSE giúp các doanh nghiệp huy động thêm 6 tỷ Euro, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Điểm đặc biệt của LSE là tỷ lệ các doanh nghiệp quốc tế tham gia IPO, niêm yết đến từ các nền kinh tế khác nhau lớn hơn bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới.

Kể từ năm 1984 đến nay, LSE đã giúp các doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu huy động được lượng vốn lên tới gần 500 tỷ Euro - tập trung một nguồn lực rất lớn hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng và mang lại lợi ích cho nhiều chủ thể tham gia thị trường.

Ở Việt Nam, 2 quỹ đầu tư, một của Dragon Capital và một của VinaCapital cũng đã IPO và niêm yết trên LSE. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, trước khi đưa Quỹ VEIL lên niêm yết trên LSE, Quỹ có 20 nhà đầu tư chuyên nghiệp góp vốn. Sau 3 năm, VEIL thu hút được 80 nhà đầu tư lớn. “Bằng việc ra khỏi Việt Nam gọi vốn, Quỹ của chúng tôi được tiếp cận với một thị trường phong phú hơn nhiều. Tôi rất mong và rất khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, có điều kiện thì hãy niêm yết ở nước ngoài”, ông Dominic nói.

Liên quan đến thị trường châu Á, chuyên gia LSE chia sẻ, cách đây không lâu, LSE đã kết nối với Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Theo đó, Huatai - một công ty Trung Quốc đã huy động được 1,4 tỷ Euro tại LSE và sau đó, cổ phiếu của Huatai vẫn được giao dịch tại nước sở tại.

Sắp tới, LSE sẽ giúp IPO cho một công ty Trung Quốc nữa, đồng thời LSE sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tại một số nền kinh tế gần gũi với Việt Nam gọi vốn toàn cầu. “Khi các doanh nghiệp ở những thị trường anh em với Việt Nam kết nối gọi vốn hiệu quả trên LSE, các bạn sẽ thấy LSE gần gũi hơn và khả năng hợp tác giữa LSE với thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rộng mở”, chuyên gia LSE nói.

Điểm mà LSE hy vọng là các doanh nghiệp Việt Nam hãy “kể câu chuyện của mình về nhu cầu vốn và kế hoạch tăng trưởng”, nhất là các doanh nghiệp nhà nước lớn đang cần cổ phần hóa, hay các doanh nghiệp tư nhân đang cần gọi thêm nguồn lực để vươn ra toàn cầu. Tất nhiên, gọi vốn trên sàn chứng khoán London không phải là việc dễ dàng khi doanh nghiệp Việt Nam đa số chưa thực hiện báo cáo tài chính quốc tế, chưa công bố thông tin bằng tiếng Anh hay chưa từng phải tuân thủ chuẩn mực cũng như kỷ luật minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế...

Nhưng cánh cửa đón doanh nghiệp Việt Nam tìm đến LSE rộng mở và mối quan hệ giữa hai thị trường trở nên thân thiện hơn khi người Anh nhìn thấy rõ hơn tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam sau gần 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Chuyên gia LSE chia sẻ, họ mong muốn sẽ sớm có doanh nghiệp Việt Nam chọn LSE như “ngôi nhà của mình” để “thế giới nhìn thấy doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn”.

Trên bình diện ngoại giao, ông Alderman William Russell, Thành viên Hội đồng khu tài chính London cho rằng, nước Anh đang tham dự vào chương trình Quỹ Thịnh vượng của Chính phủ Việt Nam và ủng hộ các doanh nghiệp Anh quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về các lĩnh vực như sức khoẻ số, thành phố thông minh, tài chính xanh, tài chính số (Fintech), thị trường vốn và năng lượng sạch. Cùng với đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác để cải thiện sự minh bạch và giảm bớt các rào cản thương mại và hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.

Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Vietinbank, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Agriseco, Tập đoàn Bảo Việt, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Mobifone... đã có cuộc tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng tại London trong chuyến công tác đầu tháng 7.

Lãnh đạo Mobifone chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán rằng, họ đã tiếp 3 tổ chức từ châu Âu muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Mobifone, nhưng nhìn chung, nhà đầu tư ngoại có những yêu cầu khắt khe và trong con mắt của họ, doanh nghiệp Việt Nam cũng như thị trường Việt Nam còn nhỏ so với sự lựa chọn đầu tư của các tập đoàn tài chính quốc tế. Dù chưa chốt được cam kết gì cụ thể, nhưng trải nghiệm thị trường tài chính lớn cũng cho doanh nghiệp Việt Nam thêm động lực để bứt phá, dấn thân. 

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục