Phiên chiều 23/3: VN-Index bốc hơi gần 45 điểm, xuống mức thấp nhất hơn 3 năm

(ĐTCK) Hàng trăm mã giảm sàn khiến thị trường tiếp tục lùi sâu. Chỉ số VN-Index giảm gần 45 điểm, xuống 666 điểm, ghi nhận phiên thấp nhất từ phiên đầu tiên của năm 2017.
Phiên chiều 23/3: VN-Index bốc hơi gần 45 điểm, xuống mức thấp nhất hơn 3 năm

Diễn biến phức tạp bởi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán “đổ máu”. Bên cạnh chứng khoán quốc tế lao dốc mạnh, thị trường trong nước cũng “đỏ lửa” ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 23/3.

Đà giảm ngày càng nới rộng hơn khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến các mã lớn bé la liệt nằm sàn, khiến VN-Index bốc hơi hơn 40 điểm và lùi về dưới vùng giá 670 điểm khi chốt phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn diễn biến tiêu cực khi số cổ phiếu giảm sàn vẫn không ngừng tăng lên. Trong đó, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng nối nhau gia nhập sắc xanh mắt mèo khiến VN-Index không thể “ngóc đầu dậy”.

Chỉ số VN-Index rơi xuống mức thấp nhất kể từ phiên đầu tiên của năm 2017 và dừng chân tại mốc 666 điểm, với mức giảm hơn 6%, chỉ thua chút ít so với phiên giao dịch hồi tệ ngày 9/3 vừa qua (giảm 6,28% là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2014 của chỉ số xét về biên độ).

Đóng cửa, với 363 mã giảm (193 mã giảm sàn) và chỉ 40 mã tăng, VN-Index giảm 43,14 điểm (-6,08%) xuống 666,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 280,25 triệu đơn vị, giá trị 4.828,38 tỷ đồng, tang 21,54% về khối lượng và 14,5% về giá trị so với phiên 20/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,94 triệu đơn vị, giá trị 1.639,19 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, ngoại trừ MSN đứng giá tham chiếu, EIB nhích nhẹ chưa tới 0,5%, NVL +2% lên 52.000 đồng/CP, còn lại đều giảm sàn với lượng dư bán sàn khá lớn. Đáng kể, nhiều mã như CTG, STB, FPT, HPG, MBB dư bán sàn từ 1-3 triệu đơn vị.

Chính nhờ sự hồi phục của NVL và MSN đã giúp thị trường thu hẹp chút ít đà giảm chút ít. Nếu không có sự lội ngược dòng này, VN-Index đã phá kỷ lục về mức giảm về biến động % của chỉ số khi để mất tới 6,5% sau gần 1 giờ giao dịch của phiên chiều.

Dẫn đầu thanh khoản trên HOSE là FLC với hơn 14,55 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và kết phiên cũng đứng tại mức giá sàn 3.260 đồng/CP, cùng lượng dư bán sàn 2,71 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó, HPG khớp 12,95 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 3 triệu đơn vị, STB và HQC cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị với STB dư bán sàn hơn 1,4 triệu đơn vị.

Cặp đôi AMD và HAI cũng tiếp tục có những phiên nằm sàn với lượng dư bán sàn chất đống tới hơn 11 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ vài chục nghìn đơn vị.

Trên sàn HNX, đà giảm cũng nơi rộng hơn trong phiên chiều khi nhiều mã đua nhau nằm sàn.

Đóng cửa, với 34 mã tăng và 149 mã giảm (58 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 5,33 điểm (-5,24%) xuống 96,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,72 triệu đơn vị, giá trị 651,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 102,31 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu lớn cũng đua nhau giảm sàn, đã tác động tiêu cực hơn cho thị trường như ACB, PVS, PVB, VCS.

Trong khi đó, VCG lội ngược dòng thành công khi hồi nhẹ +0,4% lên 24.300 đồng/CP, nhưng giao dịch khá hạn chế với chưa đầy 0,33 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu thanh khoản thị trường, cụ thể SHB -1,67% xuống 11.800 đồng/P và khớp 13,75 triệu đơn vị; còn ACB -9,81% xuống mức giá sàn 19.300 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 0,7 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng lùi sâu.

Đóng cửa, với 55 mã tăng và 163 mã giảm (18 mã giảm sàn), UPCoM-Index giảm 2,28 điểm (-4,58%) xuống 47,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,66 triệu đơn vị, giá trị 243,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,16 triệu đơn vị, giá trị hơn 18 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều có mức giảm sâu. Cụ thể, LPB -11,94% xuống 5.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch 8,13 triệu đơn vị; BSR giảm sàn và khớp 7,33 triệu đơn vị, VIB -10,88% xuống 13.100 đồng/CP và khớp 1,99 triệu đơn vị, CTR giảm sàn và khớp 1,11 triệu đơn vị, VGI -13,64% xuống 19.000 đồng/CP và khớp 0,87 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như VGT, VEA, ACV, QNS, BCM… cũng đều nới rộng biên độ giảm.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sàn. Trong đó, hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2003 giảm 6,99% xuống 625,1 điểm với 97.093 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở đạt 16.860 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, cũng chỉ có 4 tăng và 2 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, CMWG1907 là mã có thanh khoản tốt nhất với 52.411 đơn vị, đóng cửa đứng tại mức giá tham chiếu 30 đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục