Phiên chiều 16/5: May mắn thoát hiểm

(ĐTCK) Mốc 980 điểm dường như đang trở thành trở ngại lớn với VN-Index khi chỉ số này 2 lần thất bại khi cố chinh phục trong phiên hôm nay (16/5). Thậm chí, áp lực bán mạnh trong đợt ATC khiến VN-Index rơi thẳng và chỉ có may mắn mới giúp chỉ số này giữ được sắc xanh khi chốt phiên hôm nay.
Phiên chiều 16/5: May mắn thoát hiểm

Mở cửa phiên hôm nay, VN-Index bật tăng mạnh ngay đầu phiên lên mốc 980 điểm khi nhiều mã bluechips đồng loạt giữ sắc xanh. Song cũng rất nhanh chóng, áp lực bán mạnh xuất hiện đẩy VN-Index lùi trở lại mốc tham chiếu.

Sau chuỗi 4 phiên tăng liên tục, mốc 980 điểm được đánh giá là ngưỡng cản khá mạnh của VN-Index ở thời điểm thiếu thông tin hỗ trợ hiện tại, khi mà mùa Đại hội đồng cổ đông cũng như kết quả kinh doanh quý I/2019 qua đi.

Thực tế, VN-Index đã gặp khó ở ngưỡng cản này khi không thể vượt qua trong phiên hôm nay sau 2 lần thử thách, một ở phiên sáng, một ở phiên chiều. Áp lực bán mạnh ở vùng giá cao khiến VN-Index rung lắc mạnh, thậm chí nếu không may mắn chỉ số đã giảm trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa khi áp lực chốt lời tăng mạnh.

Chốt phiên, với 122 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 0,05 điểm (+0,01%) lên 975,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 170,21 triệu đơn vị, giá trị 3.851,58 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên 15/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,2 triệu đơn vị, giá trị 1.024,4 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chịu áp lực bán mạnh, đặc biệt là thời điểm cuối phiên, song VN-Index vẫn giữ được sắc xanh là nhờ sự ổn định của một số mã lớn, mà tiêu biểu là VIC và VHM. Nhờ đó mà VN-Index có được phiên tăng điểm thứ 5 liên tục.

VIC phiên này tăng 1,4% lên 116.900 đồng, còn VHM tăng 1,2% lên 87.000 đồng. VRE cũng tăng khá tích cực từ khi mở cửa, nhưng đã lùi về tham chiếu trước áp lực bán mạnh cuối phiên. VRE khớp lệnh 4,8 triệu đơn vị, VHM khớp 0,5 triệu đơn vị, VIC khớp 0,77 triệu đơn vị.

Thông tin hỗ trợ cổ phiếu họ Vingroup phiên này có lẽ xuất phát từ việc Tập đoàn SK công bố đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) để mua cổ phiếu của Vingroup, qua đó trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn này. Lễ ký kết thỏa thuận đã diễn ra trong sáng nay.

Đáng chú ý, ROS bị bán mạnh từ sớm sau thông tin bị loại khỏi rổ MSCI Frontier Market. Tuy nhiên, ở đợt khớp ATC, cổ phiếu này bất ngờ được gom mạnh nên quay đầu tăng điểm lên 32.650 đồng (+0,2%) và khớp lệnh 9,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.

Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu gây sức ép lớn nhất lên chỉ số khi đa phần giảm điểm. Các mã TCB, CTG và HDB khớp từ 2,1-2,4 triệu đơn vị, còn STB, VPB, TPB, MBB khớp từ 1,5-18 triệu đơn vị.

Sắc đỏ chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu thị trường do chịu áp lực xả mạnh. Một số mã tăng và có thanh khoản tốt là FLC, HAG, SCR, PDR, LDG, AMD, ANV, TTF... Trong đó, FLC khớp 8,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE.

Trên sàn HNX, chỉ số giao dịch trong sắc đỏ trong suốt phiên chiều, đà giảm càng về cuối phiên càng gia tăng trước áp lực bán mạnh.

Đóng cửa, với 68 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,32%) xuống 106,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,44 triệu đơn vị, giá trị 430 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên 15/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 81 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechips đa phần giảm điểm, cộng thêm sức cầu hạn chế khiến HNX-Index yếu đà, có thể kể đến như ACB -0,7% về 29.300 đồng, VCS -1,1% về 64.200 đồng, VCG -0,8% về 25.900 đồng, VGC -0,5% về 20.500 đồng...

PVS và SHB đứng giá tham chiếu, khớp lệnh lần lượt 3,3 triệu và 3 triệu đơn vị, cao nhất sàn. ACB và VGC cùng khớp khoảng 1,4 triệu đơn vị.

Trong số 6 mã thanh khoản cao nhất sàn, có 5 mã giảm và 1 mã tăng là AAV với mức trần lên 11.000 đồng, qua đó ngắt chuỗi không tăng ở con số 9.

Trên sàn UPCoM, nỗ lực cuối phiên giúp chỉ số sàn này về được tham chiếu, nhưng thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, với 55 mã tăng và 55 mã giảm, UPCoM-Index đứng giá 55,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7,11 triệu đơn vị, giá trị 128 tỷ đồng, giảm 60% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên 15/5.

Phiên này, BSR là mã có thanh khoản cao nhất sàn khi khớp lệnh 1,96 triệu đơn vị và cũng là mã duy nhất có mức khớp trên 1 triệu đơn vị, song đóng cửa giảm 0,7% về 14.000 đồng.

Một số mã lớn còn tăng giúp chỉ số hồi phục là VIB, KLB, VGG, MSR, VEA... song thanh khoản thấp.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục