Gọi tên cổ phiếu rác trên sàn

(ĐTCK) Thành lập năm 2006 với quy mô vốn 5,2 tỷ đồng, từ năm 2009 đến 2012, tăng vốn ồ ạt lên mức 300 tỷ đồng, sau đó là niêm yết trên HNX và một thời gian ngắn sau lịm dần… Câu chuyện về  quá trình từ tăng vốn, giao dịch và biến mất của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á (mã BAM) có thể nhà đầu tư đã dần quên đi cùng những đau đớn và mất mát, nhưng lại là bài học đáng quan tâm về một hiện tượng cổ phiếu rác trên TTCK Việt Nam.
Gọi tên cổ phiếu rác trên sàn

3 cổ đông giúp doanh nghiệp tăng vốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng Công ty không có cổ đông lớn

Khoáng sản và Luyện Kim Bắc Á tiền thân là Công ty TNHH Hùng Dũng, được thành lập vào ngày 28/2/2006, với vốn điều lệ 5,2 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và kinh doanh khoáng sản. Báo cáo của Công ty không nêu rõ thời điểm này, BAM có mấy thành viên góp vốn, nhưng đến tháng 4/2009, các thành viên góp vốn của Công ty đã dùng tiền mặt để tăng vốn lên 20 tỷ đồng.

Trang 15 bản cáo bạch, BAM cho biết: “Năm 2010, do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhu cầu vốn cho hoạt động khai thác khoáng sản, hội đồng thành viên Công ty quyết định tăng vốn điều lệ Công ty lên 156 tỷ đồng với sự tham gia góp vốn của các thành viên Hội đồng thành viên và 1 thành viên bên ngoài”.

Tháng 6/2011, Công ty chuyển thành công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ từ 156 tỷ đồng lên 219 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho 3 cổ đông hiện hữu (tức 3 cổ đông mới mua thêm 63 tỷ đồng). Hơn 1 năm sau, tháng 8/2012, BAM tiếp tục phát hành riêng lẻ thêm cho 3 cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ từ 219 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Đây là mức vốn mà BAM có trước khi lên sàn và duy trì cho đến khi… biến mất.

Tăng vốn ồ ạt trước khi niêm yết bằng 2 lần phát hành riêng lẻ cho 3 cổ đông hiện hữu, thế nhưng, ở thời điểm tháng 9/2014, khi BAM chuẩn bị niêm yết, Công ty không có cổ đông nào sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên. Cổ phiếu của BAM được “tán nhỏ” cho nhiều người, sau lên sàn là những phiên giao dịch khổng lồ và rồi biến mất trên TTCK.

Đầu năm 2015, tức chỉ mấy tháng sau khi niêm yết, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của BAM các lần 1, 2 đều không thể diễn ra, vì không có đủ số lượng cổ đông tham dự. Phải đến lần thứ 3, khi Luật Doanh nghiệp không quy định số lượng cổ đông tối thiểu tham dự để đạt điều kiện tổ chức họp, BAM mới tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại cuộc họp lần này (diễn ra ngày 2/7/2015, BAM có 25 cổ đông tham dự/ ủy quyền tham dự họp, đại diện cho 4,5298 triệu cổ phần, tương đương 15,1% vốn điều lệ Công ty tham dự.

Tài chính tù mù: BAM sinh ra là để bán giấy?

Năm 2012, BAM hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013 của Công ty cho thấy, tại ngày 31/12/2012 (năm đầu tăng vốn lên 300 tỷ đồng), tài sản lớn nhất của Công ty là các khoản phải thu ngắn hạn; bao gồm: 179 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng; 60,8 tỷ đồng phải thu các cá nhân.

Bên cạnh đó, BAM có 64,7 tỷ đồng hàng tồn kho; 136,6 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang gồm: Công trình resort Ba Bể, mỏ đá Pá Chủ, san nền và trụ sở làm việc; có 100,5 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, trong đó có 50 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico, một công ty có nguyên lãnh đạo dính đến các bê bối mua bán hóa đơn và có tên trong vụ án MTM nổi cộm mấy năm gần đây.

Đến năm 2013, toàn bộ các dự án có tên trong hạng mục xây dựng dở dang “đóng băng”, khoản mục phải trả người bán của Công ty tăng lên, nhưng đi kèm với đó, các khoản cho vay cá nhân cũng tăng lên mạnh.

Cuối năm này, BAM có 82,8 tỷ đồng cho vay cá nhân với thời hạn 12 tháng, lãi suất lên tới 17,5%/năm, trả lãi cuối kỳ, 61,6 tỷ đồng phải thu các bên trong đó có 50 tỷ đồng phải thu Na Rì Hamico theo hợp đồng liên doanh về việc góp vốn đầu tư sản xuất chì tuyển luyện chì kẽm Ngân Sơn. Khoản này bằng với khoản Công ty đầu tư vào Na Rì Hamico năm trước (nhưng đến 2013 thoái vốn).

Đến hết năm 2014, số khoản phải thu của BAM đã tăng vọt lên mức 304,7 tỷ đồng trên tổng số 718 tỷ đồng tổng tài sản. 2 hạng mục tài sản lớn còn lại nằm ở hàng tồn kho 102,8 tỷ đồng và xây dựng dở dang (138 tỷ đồng).

Tài sản nằm ở các hạng mục “ít tin cậy”, nhưng báo cáo tài chính năm 2014 là báo cáo tài chính cuối cùng BAM được kiểm toán. Đến kỳ báo cáo bán niên soát xét, kiểm toán ngoại trừ báo cáo của BAM vì 2 lý do; bao gồm: các hồ sơ từ năm 2013 trở về trước do cơ quan điều tra đang giữ để phục vụ điều tra nên chưa có cơ sở chính xác để xác nhận số liệu các năm 2013 trở về trước; hàng tồn kho qua kiểm tra bị thiếu đưa sang tài sản thiếu chờ xử lý do số hàng hóa trên để quá lâu, kho không đảm bảo bị lũ lụt nên mất mát, hư hỏng, công ty đã hủy bỏ!

BAM đưa lý do này rồi từ từ biến mất trên thị trường từ giữa năm 2016 đến nay. 

BAM là điển hình của in giấy lấy tiền?

Lên sàn tháng 11/2014, BAM có thanh khoản thuộc nhóm khá tốt. Phiên chào sàn, cổ phiếu này tăng trần lên mức 16.900 đồng. với 460.500 cổ phiếu được khớp lệnh. Các phiên tiếp theo, BAM hầu như giảm sàn, với thanh khoản thậm chí lên tới hơn 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Một vài phiên giật trần, với khối lượng từ 1,3-167 triệu cổ phiếu. Cho đến tận tháng 9/2015, BAM vẫn được giao dịch với thanh khoản vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Tháng 4/2016, BAM bắt đầu lụi tàn. Ngày nay, việc tìm kiếm một chút thông tin về Công ty cũng trở nên khó khăn, khi website Công ty đã đăng ký là www.bam.com.vn đang thể hiện một công ty hoàn toàn khác tại Hà Nội.

Những giao dịch tài chính của BAM có bóng dáng của Na Rì Hamico (mã KSS) trên sàn, không chỉ ở góc độ quan hệ đầu tư, mà cả những giao dịch đầu tư tài chính, mà còn là giao dịch hàng hóa và hợp tác đầu tư trong các năm trước và sau niêm yết, đủ khiến thị trường có chút ngần ngại về tính minh bạch của BAM trong tài chính.

Kinh doanh gặp khó khăn và bị đào thải là chuyện bình thường trên thương trường. Nhưng quá trình tăng vốn ồ ạt, để tài sản ở những khoản phải thu lớn, những đầu tư liên quan đến các công ty đã có tiếng về vấn đề minh bạch; giao dịch cổ phiếu bất thường và sau đó biến mất trên thị trường… của BAM khiến thị trường không thể không đặt câu hỏi: BAM tăng vốn trong quá khứ chỉ là in giấy để bán ra thị trường?

Quy mô vốn hóa trung bình của BAM trong 1 năm đầu niêm yết khoảng gần 300 tỷ đồng và nếu những người chủ đích cho màn kịch lên sàn này đã thoái hết hàng thì có nghĩa đã có 300 tỷ đồng của các nhà đầu tư từng giao dịch trong suốt quá trình cổ phiếu này niêm yết bị… bay mất. Để một DN lên sàn niêm yết, cần qua nhiều khâu thủ tục, xét duyệt, từ nhà tư vấn, kiểm toán, đến Sở, nhưng tại sao thị trường lại có những cổ phiếu kiểu như BAM?

Để xây dựng niềm tin đầu tư, những câu chuyện như BAM không thể tái diễn. Cùng với đó, những trường hợp tương tự đang “thoắt ẩn thoắt hiện trên thị trường” cần nhà quản lý phải giám sát chặt hơn, giảm thiểu tình trạng DN nương vào việc lên sàn, trục lợi.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục