Phiên chiều 16/10: Tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu FLC

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng ở một số mã lớn đã khiến VN-Index hạ thấp độ cao và chỉ còn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên giao dịch hôm nay (16/10). Đáng chú ý, trong khi thanh khoản chung của thị trường đứng ở mức thấp, thì nhóm cổ phiếu họ FLC lại hút mạnh dòng tiền.
Phiên chiều 16/10: Tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu FLC

Trong phiên giao dịch sáng nay, nhờ sự khởi sắc của VCB, sau đó là VNM giúp VN-Index bứt lên khá tốt và có thời điểm nhiều nhà đầu tư đã nghĩ tới ngưỡng 1.000 điểm sẽ được chinh phục. Tuy nhiên, sự thận trọng của bên nắm giữ tiền mặt, trong khi lực bán chực chờ ở vùng giá cao khiến VN-Index không thể đi tới ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh trên, mà hạ nhiệt dần.

Bước vào phiên chiều, áp lực bán gia tăng đẩy VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu khi đóng cửa phiên.

Chốt phiên, VN-Index tăng 1,41 điểm (+0,14%), lên 994,46 điểm với 134 mã tăng và 172 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 188 triệu đơn vị, giá trị 3.627 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% về khối lượng, nhưng giảm 9,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, giá trị 768 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, VCB và VNM vẫn duy trì được đà tăng tốt, dù không giữ được mức đỉnh của ngày. Chốt phiên, VCB tăng 1,06% lên 86.100 đồng với 0,67 triệu đơn vị được khớp. VNM tăng 1,64% lên 130.400 đồng với 1,32 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, cũng phải kể đến sắc xanh của CTG và TCB khi 2 mã này tăng gần 1% với thanh khoản tốt, 4,1 triệu đơn vị và 2 triệu đơn vị.

VHM và GAS, VRE đứng tham chiếu, còn VIC giảm nhẹ 0,34% xuống 118.000 đồng, SAB giảm 0,31% xuống 256.000 đồng, BID giảm 0,6% xuống 41.150 đồng, MSN giảm 0,51% xuống 77.800 đồng.

Các mã bluechip khác cũng chịu áp lực bán trong phiên hôm nay và đóng cửa trong sắc đỏ như VJC, PLX, HPG, NVL, MWG, MBB, HDB, EIB, trong khi HVN, BVH, FPT, POW, PNJ, BHN tăng giá. Trong đó, POW tăng mạnh 2,73% lên 13.150 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp, PNJ tăng 2,38% lên 81.900 đồng với hơn 0,6 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên giao dịch hôm nay vẫn đến từ nhóm cổ phiếu họ FLC. Sau 2 phiên khởi sắc, áp lực chốt lời gia tăng khiến nhóm này chịu rung lắc, trong đó ROS, HAI giảm giá, GAB, AMD chỉ may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt. Trong khi đó, FLC dù chịu áp lực bán mạnh, nhưng nhờ lực cầu rất lớn, nên đã kéo mã này trở lại mức trần 4.050 đồng khi chốt phiên và còn dư mua trần rất lớn, gần 1,9 triệu đơn vị.

Điểm đáng chú ý nữa là trong khi thanh khoản chung của thị trường đứng ở mức thấp, thì dòng tiền lại chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu họ FLC, trong đó FLC và ROS là 2 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường và vượt trội phần còn lại với 30,7 triệu đơn vị và 22,8 triệu đơn vị được khớp. HAI, AMD được khớp trên đưới 1,86 triệu đơn vị, chỉ có GAB là đìu hiu khi có chưa tới 100.000 đơn vị được khớp.

Trên HNX, chỉ số chính của sàn này giằng co quanh tham chiếu, nhưng cuối cùng cũng không thể giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm nhẹ 0,44 điểm (-0,23%), xuống 188,05 điểm với 58 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29 triệu đơn vị, giá trị 277 tỷ đồng, giảm 6,7% về khối lượng và 41,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 35 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn trên HNX có sự phân hóa, trong khi VCS, VCG, PVS giảm giá, thì PHP, NTP, NVB tăng. ACB, SHB và PVI đứng giá tham chiếu. Trong đó, SHB, ACB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm hơn 2 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, mã có giao dịch sôi động nhất trên HNX hôm nay là HUT khi có hơn 6 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 4% lên 2.600 đồng, có lúc đã có mức trần 2.700 đồng.

Các mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là KLF, PVS, BII, TTZ, trong đó TTZ đóng cửa ở mức trần 3.400 đồng, còn BII lại đóng cửa ở mức sàn 1.000 đồng.

Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này dao động dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,51%), xuống 56,47 điểm với 90 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20 triệu đơn vị, giá trị 361 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng.

Trên thị trường này phiên hôm nay chứng khiến sự đột biến trong giao dịch của PBK khi được khớp tới 8,15 triệu đơn vị trong ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM. Đặc biệt, toàn bộ lượng cổ phiếu này chỉ được khớp ở duy nhất 1 mức giá là 10.900 đồng, tăng 9%.

Ngoài ra, còn có 2 mã khác khớp trên 1 triệu đơn vị là VIB và BSR (1,9 triệu đơn vị và 1,3 triệu đơn vị), nhưng đóng cửa trái chiều nhau. Trong khi VIB giảm 1,6% xuống 18.400 đồng, thì BSR lại tăng 1,04% lên 9.700 đồng.

Trên thị trường phái sinh, trong 4 hợp đồng tương lai VN30, chỉ có duy nhất hợp đồng đáo hạn ngày 19/3/2020 đứng giá, còn lại đều giảm nhẹ. Trong đó, VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 giảm 0,06% xuống 923,6 điểm với 52.186 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.905 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 7 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CVNM1901 với 508.850 đơn vị, đóng cửa tăng 5,26% lên 600 đồng. Các mã khác có khối lượng khớp trên 100.000 đơn vị là CSTB1901, CMWG1906, CMSN1901, CMBB1902, CHPG1906, CHPG1902.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục