Phát triển thị trường vốn: Chính sách và ưu tiên cần rõ ràng

(ĐTCK) “Phát triển thị trường vốn phải trở thành một trong những ưu tiên cải cách của Chính phủ. Ưu tiên này phải được thể hiện rõ ràng, tương tự như Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hay Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp…”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm. 
Thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển  Thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

Ý kiến từ đại biểu Quốc hội cho rằng sự phát triển của thị trường tài chính, thị trường vốn hiện còn nhiều khiếm khuyết. Trong bối cảnh tái cơ cấu thị trường vốn, thị trường tiền tệ đang được thúc đẩy, theo ông, nên có chính sách phát triển thị trường vốn theo hướng nào?

Phát triển thị trường vốn: Chính sách và ưu tiên cần rõ ràng ảnh 1

 Ông Phan Đức Hiếu

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần đặt trong tổng thể tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn nói chung. Bên cạnh việc cần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, áp đặt mạnh hơn quan hệ thị trường trong các quan hệ cho vay, thì cần thúc đẩy phát triển mạnh thị trường vốn.

Việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn hiệu quả ít nhất sẽ mang lại hai tác động lớn. Thứ nhất là bổ sung kênh tài trợ vốn với nhiều điểm tích cực cho doanh nghiệp. Hai là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp. Qua đó, không chỉ giúp cho cả hai thị trường này phát triển tích cực, mà còn mang lại những lợi ích lớn cho các bên sử dụng hai kênh huy động vốn này. 

Theo ông, nên phân vai đảm trách nhiệm vụ tài trợ vốn cho doanh nghiệp như thế nào giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ?

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy nên là 70 – 30, nghĩa là thị trường vốn đảm đương tài trợ 70% vốn cho doanh nghiệp, 30% còn lại do thị trường tiền tệ gánh vác. Trong đó, thị trường tiền tệ cung cấp nguồn vốn ngắn hạn, vốn lưu động cho doanh nghiệp. Còn thị trường vốn, thị trường chứng khoán đảm đương tài trợ nguồn vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

Kinh doanh bằng vốn vay ngân hàng có một số bất lợi và rất rủi ro cho doanh nghiệp. Đó là nguồn vốn này khó đầu tư dài hạn, hàng tháng doanh nghiệp phải trả lãi, ngay cả khi kinh doanh chưa có lãi. Với đặc thù của nguồn vốn này, khi triển khai các dự án có tính dài hơi, doanh nghiệp chịu áp lực lớn phải gấp gáp tìm kiếm lợi nhuận để trả gốc và lãi.

Tuy nhiên, khi huy động vốn từ khu vực tư nhân thông qua thị trường chứng khoán, doanh nghiệp sẽ khắc phục được những hạn chế trên. Huy động vốn từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp không phải trả lãi và gốc như vay vốn ngân hàng, mà chỉ trả cổ tức khi doanh nghiệp làm ăn có lãi. Các cổ đông khi mua cổ phiếu thì đã luôn có tư tưởng lời ăn lỗ chịu.

Một tác động tích cực nữa khi doanh nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn vốn huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán cho hoạt động đầu tư, kinh doanh là doanh nghiệp phải chịu áp lực giám sát từ cổ đông rất cao. Điều này đòi hỏi khi huy động vốn qua thị trường vốn để triển khai các dự án, doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ về hiệu quả kinh doanh.

Khi doanh nghiệp đối mặt với áp lực phải giải trình với cổ đông gia tăng, chất lượng quản trị doanh nghiệp sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Khi đó, công ty không còn là ông chủ của các cổ đông như hiện trạng tại Việt Nam hiện nay, mà ngược lại, cổ đông mới thực sự là ông chủ của doanh nghiệp. Lúc đó, văn hóa quản trị công ty mới thay đổi. 

Để đảm đương được vai trò lớn hơn trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp như ông chia sẻ, thị trường vốn cần được thúc đẩy phát triển mạnh bằng những quyết sách mới đủ tầm. Theo ông, việc này nên bắt đầu từ đâu?

Cần bắt đầu từ một chương trình hành động cụ thể, rõ ràng từ Chính phủ. Các nước thường có chương trình, chiến lược riêng của chính phủ về phát triển thị trường vốn. Ở nước ta, nội dung này đang nằm đâu đó trong các nghị quyết của Chính phủ, nên chưa đủ sức nặng.

Bởi vậy, trước mắt, phát triển thị trường vốn phải trở thành một trong những ưu tiên cải cách của Chính phủ. Ưu tiên này phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể tương tự như Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hay Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp. Để triển khai nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường vốn thì phải có bộ máy, chẳng hạn phải có ban chỉ đạo.

Cùng với việc sớm triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy thị trường vốn phát triển, các cấp quản lý cần hoạch định chính sách để dịch chuyển dần vai trò cung cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp từ thị trường tiền tệ sang thị trường vốn, để tạo áp lực thay đổi quản trị công ty. 

Sự thay đổi về chất lượng quản trị công ty sẽ có tác động ra sao tới sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn?

Để phát triển thị trường chứng khoán tích cực, phải có nhiều doanh nghiệp tốt. Muốn có nhiều doanh nghiệp tốt, khỏe, thì phải có nhiều doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, mà cái gốc chính là chất lượng quản trị tốt.

Muốn nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, như đã phân tích ở trên, cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, minh bạch của thị trường vốn. Qua đó, hình thành môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn từ khu vực tư nhân thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Điều này sẽ tạo đột phá về nâng cao chất lượng quản trị công ty, vì để huy động được vốn, doanh nghiệp buộc phải hoạt động minh bạch; đồng thời, phải thay đổi cách hành xử từ vị thế ông chủ như hiện tại trở thành người phục vụ; từ ông chủ trở thành người sử dụng đồng vốn của cổ đông - ông chủ thực sự - có trách nhiệm và hiệu quả, trung thực và cẩn trọng.

Ở không ít doanh nghiệp hiện nay, nhiều cổ đông đang ở thế yếu mặc dù về bản chất họ là ông chủ. Những doanh nghiệp nào xác định rõ ràng tâm thế lên niêm yết trên thị trường chứng khoán để có thêm kênh huy động vốn hiệu quả phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì yêu cầu rất quan trọng là phải thường xuyên cải thiện chất lượng quản trị công ty. 

Như phân tích của ông thì mục tiêu của sửa Luật Doanh nghiệp năm 2014 là nâng cao chất lượng quản trị công ty để thúc đẩy khu vực tư nhân bỏ vốn nhiều hơn vào doanh nghiệp thông qua tham gia thị trường chứng khoán vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi?

Luật pháp là một công cụ, chỉ dừng lại ở mức đưa ra các nguyên tắc quản trị ở mức tối thiểu. Khi nói về quản trị, phần lớn người ta nói về thực tiễn quản trị tốt. Tốt ở đây là họ so sánh với mặt bằng quy định của hệ thống pháp lý. Các doanh nghiệp khi muốn có chất lượng quản trị tốt, thì phải áp dụng các thông lệ quản trị quốc tế tốt hơn so mặt bằng của luật.

Các nước ban hành luật để duy trì mức độ tối thiểu về quản trị, còn họ khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp trong tìm kiếm và áp dụng các nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp tốt. Điều này giúp cho các nguồn văn bản về quản trị công ty đa dạng. Chẳng hạn như các bộ hướng dẫn về quản trị công ty của các tổ chức trung gian như sở giao dịch chứng khoán, các trường đại học, các hiệp hội... Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng. Cái mà chúng ta đang thiếu là các bộ quy tắc về quản trị công ty còn hiếm…

Ở khía cạnh sự can thiệp của nhà nước, các quốc gia thường thúc đẩy sự phát triển của khu vực trung gian, để bảo vệ cổ đông nhỏ như các hiệp hội, các tổ chức bảo vệ cổ đông… Có nghĩa là họ sử dụng biện pháp can thiệp bằng các giải pháp thị trường, qua đó giúp nâng cao nhận thức các nhà đầu tư, cổ đông về quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó chủ động đặt ra các yêu cầu với công ty. Điều này sẽ giúp tạo ra áp lực buộc các công ty phải thay đổi về quản trị, ít nhất là thay đổi phù hợp với mặt bằng quy định của luật pháp.  

Liên quan đến hiện trạng phát triển của thị trường vốn, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, TP. Đà Nẵng chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chủ trương phát triển đồng bộ các loại thị trường chậm đi vào cuộc sống, thị trường tài chính có nhiều khiếm khuyết, thị trường bất động sản có phần méo mó...

Phó Thủ tướng đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đồng bộ các loại thị trường như thế nào, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là gì, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm thế nào và có giải pháp gì để phát triển đồng bộ các loại thị trường?

Giải đáp câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Ý kiến nêu vấn đề trên là rất hay. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ nói nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhưng thực tế các vấn đề liên quan đến 5 loại thị trường là thị trường hàng hóa và dịch vụ; thị trường tài chính, theo nghĩa rộng là bao gồm cả tiền tệ; thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghê, còn rất nhiều bất cập và vướng mắc.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Chính phủ và Thủ tướng một mặt tăng cường thực hiện Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mặt khác phải tập trung các biện pháp tổng thể để tháo gỡ các vướng mắc của các loại thị trường...

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục