Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì nhằm thông tin về nền kinh tế Việt Nam, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và cơ hội đầu tư vào các DN Việt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc. Ảnh: Tường Vi
Bên cạnh đó, một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đang tạo ra dòng chảy thương mại thuận lợi giữa hai quốc gia và các đối tượng tham gia.
Rất nhiều câu hỏi đã được các nhà đầu tư xứ Kim Chi nêu lên tại Hội nghị, thể hiện sự quan tâm đa dạng tới các thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN, cũng như các lĩnh vực kinh tế cụ thể tại Việt Nam.
Đại diện các công ty quản lý quỹ và doanh nghiệp niêm yết chia sẻ cơ hội từ Việt Nam. Ảnh: Tường Vi
Đáp lại sự quan tâm của nhà đầu tư, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ở Việt Nam có 3 sàn chứng khoán, trong đó sàn UPCoM là dành cho các DN đại chúng chưa niêm yết, là nơi nuôi dưỡng, giúp DN làm quen với cơ chế niêm yết, công bố thông tin. Sàn niêm yết dành cho các DN đáp ứng đủ tiêu chuẩn về vốn, hiệu quả kinh doanh, tính đại chúng.
“Với tổng cộng gần 1.500 DN trên sàn và sẽ tăng mạnh về số lượng, tôi tin rằng thị trường vốn Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Dũng nói.
Về thị trường trái phiếu DN, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính chia sẻ, thời gian qua, Việt Nam tập trung phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, còn thị trường trái phếu DN vẫn rất nhỏ bé. Thực tế, các DN Việt Nam vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng là chính, kể cả vốn vay trung và dài hạn.
Trước thách thức này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, trong đó thị trường trái phiếu DN sẽ được thúc đẩy bằng nhiều giải pháp như: Nhóm giải pháp liên quan đến thị trường sơ cấp, tập trung vào yêu cầu DN minh bạch nhiều hơn là tình hình tài chính phải có lãi như trước đây. Trên thị trường thứ cấp, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp làm tăng tính thanh khoản.
Cũng theo bà Hiền, hiện tại thông tin về thị trường trái phiếu DN khá khó khăn, nhưng trong tương lai sẽ xây dựng một trung tâm thông tin về trái phiếu DN, do Sở GDCK làm đầu mối. Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị ban hành Nghị định về trái phiếu chính phủ và đặc biệt, với nhà đầu tư nước ngoài, việc đầu tư trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN tại Việt Nam không bị giới hạn về tỷ lệ đầu tư.
Lãnh đạo SCIC trao đổi cơ hội đầu tư với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ảnh: Tường Vi
Trước câu hỏi của một DN Hàn Quốc có công nghệ tốt và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực hải cảng và hàng không muốn tìm được đối tác Việt Nam, ông Trần Văn Dũng cho biết, có thể xử lý theo hai cách. Cách một là lập DN 100% vốn Hàn Quốc tại Việt Nam và cung ứng dịch vụ tại Việt Nam. Cách thứ hai là góp vốn mua cổ phần của DN cùng ngành tại Việt Nam.
Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng chục cuộc gặp gỡ song phương đã được thực hiện tại chỗ giữa nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam. Nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc là SCIC khi Tổng công ty mang đến Hội nghị cơ hội đầu tư vào Nhựa Tiền Phong, CTCP Xuất nhập Sa Giang, Domesco và FPT.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, có khoảng 2.600 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào DN có vốn của SCIC. Vừa qua SCIC tiếp 10 nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến mấy vấn đề: một là danh mục thoái vốn, hai là cách thức thoái vốn, ba là tìm cơ hội có thể hợp tác đầu tư giữa 2 bên.
Một số DN khác như Vietnam Airlines, Tổng công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn An Phát, Chứng khoán KB, Dragon Capital, Eastpring Investtments... cũng nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc.