Phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được tái cấu trúc dựa trên 4 trụ cột chính: Cơ sở hàng hóa, tổ chức thị trường, cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu

Tiếp tục phát triển ổn định

Với độ mở rất lớn của nền kinh tế, thị trường chứng khoán trong nước năm 2023 chịu tác động lớn từ kinh tế vĩ mô toàn cầu và tình hình bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới. Dù có sự biến động tăng, giảm xen kẽ dưới tác động tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng thị trường vẫn có những điểm sáng nhất định, thông qua sự cải thiện về thanh khoản cũng như số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới gia tăng tích cực.

Cụ thể, sau quý đầu năm khá bình lặng, thanh khoản thị trường quý II và quý III/2023 đã có sự khởi sắc, khi giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 7 đạt 21.166 tỷ đồng; trong tháng 8 đạt 25.667 tỷ đồng và trong tháng 9 đạt 25.264 tỷ đồng. Tháng 10, tháng 11, thanh khoản thị trường có giảm, do tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau chu kỳ tăng dài, cũng như các yếu tố không tích cực từ thị trường thế giới, lui xuống dưới 20.000 tỷ đồng/phiên. Điểm đáng chú ý là trong những phiên thị trường giảm điểm mạnh, thanh khoản tăng rất cao, cho thấy dòng tiền của nhà đầu tư chờ đợi mua cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn là rất lớn.

Như vậy, có thể thấy, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và trên thế giới như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, áp lực tỷ giá… Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Việc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư cùng với việc lãi suất hạ nhiệt đã hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thị trường chứng khoán trong nước vì thế vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì thanh khoản tích cực, cũng như là kênh đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Một số yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ... Đặc biệt, dự án nền tảng công nghệ giao dịch KRX sắp kết thúc giai đoạn kiểm thử và dự kiến sớm đưa vào vận hành sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ cũng như cơ hội nâng hạng thị trường.

Các công nghệ, tính năng đi kèm theo dự án KRX có thể là tiền đề, đưa vào vận hành sản phẩm mới, đã có trong văn bản pháp lý mà giới hạn của công nghệ hiện nay không cho phép vận hành. Trước mắt, sẽ triển khai hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN100 trong quý I/2024, áp dụng cho thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt tác động mạnh của rổ VN30 bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.

Thẳng thắn nhìn nhận để thấy, diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và EU, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước đã tạm dừng, có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân gói nhà ở xã hội cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước.

Ngoài ra, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh môi trường quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường dưới tác động của các chính sách tiền tệ thắt chặt, suy giảm cầu tiêu dùng tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, bất ổn địa chính trị tiếp tục kéo dài...

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường chứng khoán theo hướng chất lượng, bền vững, Việt Nam đang tích cực phấn đấu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Một số giải pháp hỗ trợ việc nâng hạng thị trường đã được bàn thảo, như việc nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ cho phép các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua cổ phiếu...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục có các chính sách thực hiện tái cấu trúc thị trường dựa trên 4 trụ cột chính: Cơ sở hàng hóa, tổ chức thị trường, cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Hướng tới sự phát triển tập trung, bền vững

Theo số liệu thống kê của Wichart, tính đến ngày 30/11/2023, trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam có 1.584 doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch. Giá trị vốn hóa toàn thị trường cuối tháng 11 đạt 4.392.436.623 tỷ đồng.

Thông tư số 69/2023/TT-BTC mới ban hành đã đưa ra lộ trình tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, tổ chức thị trường thời gian tới. Theo quy định mới, toàn bộ 329 mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ được chuyển sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025.

Từ giữa năm 2025, cụ thể là 1/7/2025, HNX sẽ không tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu mới. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2026, toàn bộ 859 mã cổ phiếu trên UPCoM sẽ được chuyển sang HOSE.

HOSE sẽ tập trung vào các sản phẩm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, còn HNX tập trung vào thị trường trái phiếu và phái sinh.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Việc sắp xếp lại các khu vực thị trường cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay, nhằm mục tiêu chính là tối ưu hóa hoạt động của thị trường chứng khoán, giảm thiểu các chi phí cho các bên, đặc biệt là các thành viên tham gia thị trường và chi phí cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán”.

Cũng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khi các sở giao dịch được tập trung vào các sản phẩm chuyên biệt của mình, sẽ giúp nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm đầu tư hơn. Ngay đầu năm sau, HNX sẽ có thêm sản phẩm phái sinh mới - hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số VN100.

Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban triển khai công tác xây dựng cơ chế chính sách thị trường chứng khoán, báo cáo xem xét sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định; trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Thứ hai, về công tác giám sát, thanh tra, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát. Trong đó, phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững. Ủy ban cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thanh tra, giám sát.

Thứ ba, về công tác truyền thông, duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Thứ tư, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Thị trường cổ phiếu phát triển bền vững có thể hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề của thị trường tài chính, trong đó có vấn đề về thị trường trái phiếu.

Phát triển thị trường chứng khoán, tập trung vào nâng hạng thị trường là một trong các giải pháp khả thi. Nếu được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài.

Thông thường, các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ sẽ ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi, vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với thị trường cận biên. Do đó, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trung - dài hạn. Hiện nay, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động như ETFs (thường tập trung vào các thị trường mới nổi) sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng. Thực tế, theo Bộ Tài chính, các quỹ đầu tư thụ động chỉ dành tối đa 2 - 3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên.

Nhiều việc cần làm để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam

Ông Kojima Kazunobu, Chuyên gia tư vấn JICA

Ông Kojima Kazunobu, Chuyên gia tư vấn JICA

Các biện pháp cải thiện chất lượng của công ty niêm yết và tổ chức trung gian (công ty chứng khoán và quỹ) sẽ là các vấn đề quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thập kỷ tới. Ngoài ra, Việt Nam nên áp dụng quy trình dựng sổ và bảo lãnh trong chào bán chứng khoán ra công chúng, giống như các thị trường chứng khoán lớn khác trên thế giới.

Ngoài ra, một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác mà tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc áp dụng, gồm có: Phát huy vai trò của các tổ chức tự quản để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, củng cố việc thẩm định công ty niêm yết, trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết.

Một vấn đề quan trọng khác, để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán, cần phải cải thiện tính thanh khoản của thị trường. Thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nên các nhà đầu tư nước ngoài khó tham gia IPO theo hình thức đấu giá.

Bên cạnh đó là cung hàng. Số lượng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã tăng đáng kể, từ khoảng 2 triệu tài khoản lên đến 7 triệu tài khoản trong 5 năm qua, nhưng số lượng công ty niêm yết và tỷ lệ cổ phiếu lưu hành có thể thanh khoản gần như không có sự thay đổi. Nên xem xét tăng số lượng chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết, gia tăng tỷ lệ chào bán thành công.

Vấn đề về độ mở và linh hoạt của thị trường sẽ là thách thức lớn nhất trong trung hạn đối với sự tăng trưởng, phát triển cũng như gia tăng sự hiện diện của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục