Tiến về phía trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hơn 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ công tác phát triển thị trường, quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của TTCK được nâng cao.
Tiến về phía trước

Dự thảo Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030 đặt ra 4 mục tiêu tổng quát bao gồm phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế; Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam và TTCK các nước phát triển.

Trong những mục tiêu cụ thể để thực hiện được mục tiêu tổng quát trên có yêu cầu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu, tăng số lượng tài khoản của nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu về nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết, áp dụng tiêu chuẩn ESG tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững. Nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE và MSCI cũng là mục tiêu cận kề.

Nhìn nhận một cách khách quan, sau hơn 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ công tác phát triển thị trường, quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của TTCK được nâng cao... Tuy nhiên, để hội nhập với thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025 thì còn rất nhiều việc phải làm.

Trước hết là sự phát triển bền vững, ổn định của thị trường, để qua đó người dân có thể coi chứng khoán là một kênh cất giữ tài sản. Sẽ có rất nhiều việc cần làm, ở tầm chiến lược quốc gia để đạt được sự vững mạnh của thị trường vốn, để qua đó khơi thông kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế thay vì phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng như hiện nay, đòi hỏi sự chung tay của các thành viên thị trường. Song yếu tố quan trọng hàng đầu là năng lực tăng trưởng bền vững của các công ty niêm yết.

Có nhiều yếu tố làm nên sự thành công của doanh nghiệp, tuy nhiên từ thực tế của hơn 760 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX cho thấy, năng lực tự thân và khát vọng tiến về phía trước, liên tục đổi mới sáng tạo đã đem lại những bước tiến dài cho doanh nghiệp. Việc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch tập trung cũng là một bước đệm, tạo ra những động lực thay đổi của tổ chức niêm yết.

Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết xét trên 3 khía cạnh bao gồm báo cáo thường niên, quản trị công ty, báo cáo phát triển bền vững đã được thực hiện 15 năm qua nhằm tôn vinh, khích lệ những doanh nghiệp điển hình về minh bạch, quản trị công ty tốt, sản xuất - kinh doanh bền vững. Nhân lên những hạt giống tốt, lan tỏa những cách làm hay, qua đó thị trường có thêm các doanh nghiệp thành công, nhà đầu tư có thêm lựa chọn hàng hóa chất lượng, tài sản người dân gia tăng.

Chuyên đề “Vượt sóng vươn xa” được Báo Đầu tư Chứng khoán thực hiện công phu trong số báo này cũng với thiện ý đó. Kỳ vọng rằng bạn đọc sẽ chắt lọc được những thông tin hữu ích trên hành trình đầu tư của mình.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ