Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức với tham dự của trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cho các bộ ban ngành, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành phát biểu đánh giá tiềm năng thế mạnh và đưa ra giải pháp đầu tư hợp lý ở Tây Nguyên...
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương vùng Tây Nguyên về cơ hội đầu tư và các dự án đầu tư cụ thể thuộc các ngành, lĩnh vực tại các địa phương trong vùng…
Thời gian qua, các tỉnh trong vùng đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 266 nghìn tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 11,33%, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tăng từ 53,4% lên 69,28%.
Đến nay có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 772,5 triệu USD. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào khu vực Tây Nguyên trên 230.000 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp, cây cà phê, cao su, hồ tiêu…, là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch.
Tuy nhiên, “nhiều tiềm năng phát triển chưa được đánh thức để những nhân tố này thực sự trở thành thế mạnh thu hút đầu tư cho sự phát triển của Tây Nguyên so với các khu vực khác của nước ta và trên thế giới”, ông Tô Lâm nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nướch (ảnh VGP)
Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần này có chủ đề xuyên suốt là phát triển nhanh bền vững để ổn định vững chắc vùng Tây Nguyên. Ông mong muốn các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục mặt còn hạn chế, tìm ra những giải pháp phù hợp, có tính khả thi nhất để đánh thức, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư vào Tây Nguyên.
Chỉ đạo tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá cao sự hợp tác, tham gia tìm hiểu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế mà Tây Nguyên cần khắc phục để thu hút đầu tư như: trình độ dân trí, giáo dục, vấn đề di dân tự do...Bên cạnh đó tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển Tây Nguyên xứng đáng là "nóc nhà" của Đông Dương.