Phát triển nhà đầu tư tổ chức, đừng chỉ thúc đẩy… “trên giấy”

(ĐTCK) Để khắc phục tình trạng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo (khoảng trên 90%) cả trên thị trường chứng khoán cơ sở lẫn phái sinh, gây nên những hệ lụy không tích cực, đã đến lúc cần có bước đi mới hữu hiệu trong phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Phát triển nhà đầu tư tổ chức, đừng chỉ thúc đẩy… “trên giấy”

Hệ lụy từ nhà đầu tư tổ chức “chậm lớn”

Một trong những hạn chế lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam tồn tại suốt gần hai thập kỷ phát triển, là sức cầu vẫn quá phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân. Điểm yếu cố hữu này đã được cơ quan quản lý nhận diện và thường xuyên phát đi thông điệp cần thúc đẩy phát triển nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, các chuyển động với phần nhiều dừng lại ở thúc đẩy “trên giấy”, nên nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm tuyệt đại đa số.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt, theo dự thảo tờ trình dự án Luật Chứng khoán mà Bộ Tài chính trình Chính phủ, đến cuối năm 2017, thị trường chứng khoán trong nước có 45 công ty quản lý quỹ hoạt động, với 39 quỹ đầu tư.

Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty quản lý quỹ đạt 444 tỷ đồng; giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đạt 13.699 tỷ đồng (tương đương 590 triệu USD). Các con số này quá nhỏ so với giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối tháng 7/2018 đạt 34,2 tỷ USD. Và số liệu về thị trường quản lý quỹ này còn quá khiêm tốn khi đem so sánh với tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên (tương đương 215 triệu USD) trong năm 2017. So với quốc tế thì con số này còn nhỏ hơn rất nhiều.

“Vì thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là sự thiếu vắng của các quỹ đầu tư, nên thị trường chứng khoán đang bị chi phối bởi 80% giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến thị trường chứng khoán trong nước thường biến động mạnh so với các thị trường các nước lân cận.

Để khắc phục nhược điểm này, cần phát triển nhanh các nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là tăng số lượng quỹ tương hỗ (mutual funds) cũng như các loại hình quỹ đầu tư khác bằng việc gia tăng số lượng công ty quản lý quỹ”, ông Dũng đề xuất.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư có hơn 20 năm kinh nghiệm tham gia thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, hiện có khoảng 2 triệu nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, trong khi số quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài đang hoạt động chiếm thiểu số.

Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân áp đảo so với nhà đầu tư tổ chức khiến thị trường tăng nóng, hoặc giảm lạnh quá bất thường. Tại các thị trường phát triển, 80% giao dịch hàng ngày trên thị trường là của nhà đầu tư tổ chức, còn lại 20% là của cá nhân.

Trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam thì ngược lại, có nghĩa là 80% là giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, số ít còn lại là của nhà đầu tư tổ chức… Chẳng hạn như tại Mỹ có khoảng 11.000 quỹ tương hỗ (mutual funds) đang quản lý 16.000 tỷ USD, chưa kể các quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Cần chính sách khuyến khích quỹ đầu tư ra đời

Ý kiến từ chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không thể chậm trễ nữa trong triển khai các giải pháp nhằm phát triển nhà đầu tư tổ chức cả về lượng và chất, nhất là trong bối cảnh Luật Chứng khoán đang được xúc tiến sửa đổi.

Để phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, cần hình thành cơ chế khuyến khích thành lập mới các công ty quản lý quỹ.

Theo ông Mạnh, quy định tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi về cấp phép thành lập công ty quản lý quỹ (“cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn tại công ty quản lý quỹ, có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức đáp ứng quy định.

Tỷ lệ góp vốn của tổ chức tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ…”) nếu được ban hành sẽ hạn chế công ty quản lý quỹ thành lập mới. Do đó, cần bỏ quy định này trong dự thảo Luật.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mong muốn phát triển thị trường chứng khoán, nhưng lại hạn chế phát triển các công ty quản lý quỹ là không phù hợp với yêu cầu của một thị trường tự do. Gần đây, thị trường chứng khoán phục hồi đã xuất hiện các tổ chức và cá nhân có nhu cầu thành lập mới công ty quản lý quỹ, trong khi quy định hiện hành gần như không cho phép. Vì vậy, những nhà đầu tư muốn thành lập công ty quản lý quỹ mới như tôi chỉ còn cách mua lại các công ty quản lý quỹ yếu kém hiện có với giá đắt, trong khi bản chất việc này chỉ là mua giấy phép thành lập…”, ông Mạnh cho biết.

Ý kiến từ chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy hình thức đầu tư qua quỹ, nhà hoạch định chính sách  cần có ưu đãi thuế thu nhập giống như các loại hình khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước để thành lập mới các công ty quản lý quỹ.

“Tôi có niềm tin nếu dự luật khuyến khích và cởi mở cho việc thành các lập các công ty quản lý quỹ trong nước, tương tự như tinh thần cởi mở của Luật Doanh nghiệp, thì trong vòng 10 năm tới thị trường sẽ không còn hiện tượng bất hợp lý hiện nay là quá mất cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, vì sẽ có hàng trăm công ty quản lý quỹ mới ra đời…”, ông Mạnh kỳ vọng.

Còn theo Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB, một trong những nguyên nhân chính khiến các các quỹ đầu tư ở Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư là chính sách thuế đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư, hoặc chính sách thuế chưa thực sự hấp dẫn, đặc biệt đối với quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Thêm vào đó, đầu tư thông qua quỹ đầu tư đang phải chịu mức thuế cao hơn nhiều so với việc đầu tư trực tiếp. Trong khi theo thông lệ quốc tế, hầu hết các nước phát triển thường ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quỹ đầu tư so với đầu tư trực tiếp vào chứng khoán nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư phát triển.

Ngoài ra, cũng cần khuyến khích quỹ thành viên ra đời. Bản chất của quỹ thành viên là giống như doanh nghiệp huy động vốn qua hình thức chào bán riêng lẻ, nên các thành viên góp vốn là cá nhân hay tổ chức đều tốt. Thông thường, các thành viên là các cá nhân có tiềm lực tài chính, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm…

Trong điều kiện kinh tế của nước ta, các tổ chức pháp nhân kinh tế tư nhân thường thiếu vốn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nên việc dự thảo Luật Chứng khoán chỉ cho phép quỹ thành viên huy động vốn từ các pháp nhân là bỏ sót nguồn tiền nhàn rỗi ở trong dân, thiếu tính khả thi.    

Nên nới lỏng điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với công ty quản lý quỹ…
Phát triển nhà đầu tư tổ chức, đừng chỉ thúc đẩy… “trên giấy” ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Dũng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị 
kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt

Cơ quan quản lý nên nới lỏng điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với công ty quản lý quỹ theo thông lệ quốc tế, dễ dàng thành lập như các loại hình công ty khác theo Luật Doanh nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Lý do trước tiên, bản chất của công ty quản lý quỹ là một trung gian trong việc ra quyết định mua bán chứng khoán thay cho các nhà đầu tư, chứ không phải là trung gian tài chính giống như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. 

Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại là trung gian tài chính, có nghiệp vụ cung cấp tín dụng trên thị trường, nên cần phải có đủ số vốn tối thiểu đáp ứng hệ số an toàn CAR theo thông lệ quốc tế.

Trong khi công ty quản lý quỹ không cung cấp nghiệp vụ tín dụng, nên số vốn pháp định ở mức thấp, hoặc thậm chí không cần quy định như một số nước phát triển. Không nên đánh đồng điều kiện cấp giấy phép kinh doanh của công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán, mà điều kiện cấp phép hoạt động với công ty quản lý quỹ nên dễ dàng hơn. 

Theo đó, chỉ nên tập trung đưa ra điều kiện cấp phép vào yếu tố con người, nhất là điều kiện về người điều hành, người quản lý  quỹ cần có đủ kinh nghiệm thành công trên thị trường chứng khoán, có uy tín, có đủ chứng chỉ hành nghề. Đối tượng cần tăng điều kiện cấp giấy phép là các quỹ đại chúng, giống như điều kiện chào bán chứng khoán đại chúng…

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục