Phát triển mạnh hạ tầng khu công nghiệp để “dọn ổ đón đại bàng”

(ĐTCK) Để “dọn ổ đại bàng”, đón đầu làn sóng chuyển dịch vốn FDI, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Phát triển mạnh hạ tầng khu công nghiệp để “dọn ổ đón đại bàng”

Đây là các kiến nghị được nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 2/2020 với chủ đề Thời cơ vàng trong vận hội mới do Tạp chí Thương Gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 19/6 tại Hà Nội.

Cơ hội vàng để thu hút dòng vốn chất lượng cao

Chia sẻ về định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu trong thu hút FDI thời gian tới đây là thu hút đầu tư có chọn lọc dòng vốn đầu tư có chất lượng cao.

Theo định hướng đó, Việt Nam cần thu hút những dự án có chất lượng và có giá trị lan toả, hướng đến sự phát triển quốc gia như công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và giá trị gia tăng của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mới đây, Quốc hội thông qua luật đầu tư, có điều khoản về ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, và đây là tiền đề thuận lợi để hoàn thiện các điều kiện thu hút dòng đầu tư có chất lượng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư và định vị lại chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng, đây là cơ cơ hội vàng để thu hút dòng vốn có chất lượng cao trong thời gian tới. Mặc dù vậy, để có thể tăng cường chất lượng của dòng vốn FDI thì điều vấn đề lớn đặt ra hiện này là khả năng hấp thụ dòng vốn này.

Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thực sự sẵn sàng để đón "đại bàng". Quản lý chặt là để thúc đẩy phát triển nhưng dường như Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các khu công nghiệp càng "teo" lại

GS. Đặng Hùng Võ

“Để nắm bắt cơ hội vàng này trong thu hút đầu tư thì cần hấp thụ được dòng vốn này. Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tái cơ cấu để đa dạng hoá. Việt Nam sẽ phải cần cung cấp đất sẵn nhưng phải phù hợp và đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm nguồn nhân lực lành nghề có sẵn hay tập hợp các nguồn lực lao động từ nước ngoài có tay nghề và thiết lập hệ sinh thái (nhà ở công nhân, khu vực văn hoá, logistic ...)”, ông Hoàng nêu vấn đề.

Đề xuất tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Asean, Trưởng đại diện Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean đưa ra gợi ý mô hình kinh doanh liên kết các khu công nghiệp với nhau, đón được các nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn hệ thống khu công nghiệp Việt Nam so với khu vực. Nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, có nhiều yếu tố tác động đến quyết định của họ.

Trong khi đó, các nhà đầu tư quan tâm đến khu công nghiệp, cần cơ sở dữ liệu về khu công nghiệp và cần một hệ thống xếp hạng khu công nghiệp nên cần xây dựng hệ thống dữ liệu này dựa trên sự kết nối tổng thể hệ thống các khu công nghiệp. Nhìn xa hơn, không chỉ kết nối với những DN lớn mà còn DN vừa và nhỏ, sẽ vừa tầm với các doanh nghiệp Việt Nam.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, cơ hội vốn FDI xuất hiện trước Covid-19, tuy nhiên khi đại dịch này xảy ra trên quy mô toàn cầu thì xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ hơn và được đẩy nhanh hơn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra rất cấp thiết hiện này là làm gì để nắm bắt cơ hội này.

Xét về thực tế phát triển hạ công nghiệp để đón bắt làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, hiện nay đang tồn tại khá nhiều bất cập nếu không khắc phục kịp thời thì sẽ rất có thể để vượt mất cơ hội vàng lần này.

Ông Võ Chỉ rõ, hiện nay, chất lượng quản lý khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các khu công nghiệp vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều quy trình thủ tục rườm rà phức tạp.

“Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thực sự sẵn sàng để đón "đại bàng". Quản lý chặt là để thúc đẩy phát triển nhưng dường như Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các khu công nghiệp càng "teo" lại. Chúng ta cần có quy hoạch, chúng ta cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Võ lưu ý và cho rằng, phải mở cửa hơn nữa thị trường bất động sản công nghiệp.

Phát triển mạnh hạ tầng khu công nghiệp để “dọn ổ đón đại bàng”  ảnh 1

Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn.

Cũng theo chuyên gia này, đã đến lúc cần hướng tới mô hình khu công nghiệp sinh thái mà hiện nay thế giới đã chuyển dịch hướng tới mô hình này. Khái niệm mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ đơn thuần là đảm bảo yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển, mà quan trọng hơn là khu công nghiệp được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái, có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững giữa các doanh nghiệp và chủ đầu tư.

Hoàn toàn đồng tình với ý tưởng phát triển khu công nghiệp sinh thái, ông Đặng Trọng Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Khải Toàn (KTG) cho biết, kinh nghiệm và thực tế đi khảo sát mô hình này tại nhiều quốc gia cho thấy phần lớn các khu công nghiệp và tiêu chí về sinh thái được các nhà đầu tư đánh giá cao.

“Về góc độ đầu tư chúng tôi cũng có sự ràng buộc rõ ràng với DN vì khi đáp ứng được vấn đề tài chính xanh thì chúng tôi sẽ không tăng giá thuê khi không có lý do, do đó chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn về khu công nghiệp sinh thái để thu hút DN hơn”, ông Đức nhấn mạnh.

Phát triển các mô hình khu công nghiệp mới

Chia sẻ định hướng phát triển khu công nghiệp, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằn, cần phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.

Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch khu công nghiệp, đổi mới mô hình khu công nghiệp hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn (khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết ngành, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ) và kiện toàn, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước khu công nghiệp

Quan tâm đến vấn đề nguồn lao động cung ứng cho các khu công nghiệp, ông Dương Nguyên Thành, Phó chủ tịch Công ty BSM cho rằng, Việt Nam tồn tại một vấn đề, đó là lực lượng lao động địa phương (nguồn lao động, chất lượng lao động lành nghề) còn thiếu. Ngoài sự tương tác, liên kết giữa các chủ đầu tư, rất cần các trường nghề, các chính quyền địa phương nên tạo điều kiện mở rộng thu hút lao động và đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động chuyên môn, hỗ trợ trong tương tác giữa các trường - địa phương - DN để đào tạo lực lượng quản lý cấp trung, nhân lực lành nghề.

Phát triển mạnh hạ tầng khu công nghiệp để “dọn ổ đón đại bàng”  ảnh 2

Một phần của Nhà máy Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên

Đề cập vấn đề bức thiết gắn liền với phát triển hả tầng các khu công nghiệp hiện nay là nhà ở cho công nhân, lao động, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh rằng, đây hoàn toàn là vấn đề không mới, nhưng vẫn chưa có nhiều cải thiện, do đó rất cần có chính sách mạnh mẽ hơn.

Theo ông Hà, năm 2018, Nhà nước đã có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (nhà công nhân viên chức, nhà công nhân và nhà sinh viên) - hỗ trợ giải quyết nhu cầu nhà ở lớn. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần của khó khăn. Khó khăn nhất hiện nay là khách hàng là công nhận hiện có thu nhập thấp, chưa thể đáp ứng được. Nếu để giảm giá thành đầu tư, sẽ cần tăng nguồn cung.

“Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đã có các DN phát triển khu công nghiệp chuyên đầu tư nhà ở. Tuy nhiên, 80% lại là những DN địa phương nhỏ lẻ, xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện nhà ở chưa được tốt. Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở cho công nhân phù hợp. Một trong những biện pháp bên ngoài việc nhà nước đầu tư, cần học tập, phát triển nhà công nhân theo mô hình condotel du lịch hiện nay”, ông Hà đề xuất.

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối tháng 5 năm 2020, cả nước có 561 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng các KKT có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201 ngàn ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó bao gồm: 374 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 ngàn ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) à 259 khu công nghiệp chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 ngàn ha (bao gồm 55,8 ngàn ha của 187 khu công nghiệp có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30,8 ngàn ha của 72 khu công nghiệp mới thành lập một phần).

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục