Nâng kế hoạch gọi vốn lên 500 tỷ đồng
Vốn dĩ, HNM đã lên kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức phát hành riêng lẻ để thực hiện các dự án đầu tư. Kế hoạch này đã được thông qua tại ĐHCĐ năm 2016. Nhưng do giá cổ phiếu giảm quá thấp và HNM bị lỗ trong năm 2017, nên kế hoạch này chưa thực hiện được, trong khi thời gian để phát hành trái phiếu chuyển đổi đã sắp hết. Do vậy, HNM trình cổ đông gia hạn thời gian phát hành trái phiếu chuyển đổi thêm 2 năm, tức là 2019 - 2020 nhằm tìm nguồn vốn đầu tư cho các dự án.
Ngoài kế hoạch phát hành trái phiếu, lãnh đạo HNM còn trình kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2019 đến 2021 và có thể chia thành nhiều đợt khác nhau. Tờ trình nhấn mạnh việc chào bán chỉ dành cho các nhà đầu tư chiến lược.
Về giá phát hành, Chủ tịch HĐQT Công ty sẽ đàm phán và quyết định giá phát hành trên cơ sở tham khảo giá thị trường (bình quân giá đóng cửa của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước thời điểm phát hành của cổ phiếu HNM) cộng với biên độ tăng giảm, nhưng không thấp hơn mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Để thuận lợi cho việc chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, HNM cũng trình cổ đông thông qua việc nới room ngoại lên 100%.
Kinh doanh bết bát, thị giá cổ phiếu thấp, phát hành ai mua?
Với thực tế hoạt động hiện tại, nhiều cổ đông lâu năm của HNM bày tỏ sự lo ngại về khả năng thành công của 2 kế hoạch phát hành trên.
Ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT HNM cho biết, Công ty cũng nhìn thấy sự khó khăn trong kế hoạch phát hành này, nhưng nếu tiếp tục huy động vốn bằng cách vay ngân hàng, Công ty sẽ tiếp tục lỗ bởi gánh nặng chi phí lãi vay. Dù vậy, ông Tuấn cam đoan, việc phát hành trái phiếu ít nhất sẽ… hoàn thành một nửa, bởi nếu không có ai mua, ông sẽ đứng ra mua 100 tỷ đồng trái phiếu.
"Đây là trách nhiệm của người lãnh đạo, cũng là cổ đông lớn của HNM (hiện ông Tuấn nắm hơn 21% cổ phần HNM). Hơn nữa, tôi cũng nhận thấy Công ty thực sự có cơ hội để phát triển", ông Tuấn nói.
Về việc định giá doanh nghiệp, ông Tuấn tự tin, ngoài tài sản hiện tại, HNM còn có đội ngũ cán bộ, công nhân viên giỏi chuyên môn. Theo ông Tuấn, việc đánh giá tài sản của Hanoimilk qua giá cổ phiếu chưa thể hiện hết khả năng của Công ty.
Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết, nhiều công ty nước ngoài đặt điều kiện sẽ đầu tư vào HNM nếu Công ty hủy niêm yết. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo HNM nhận thấy nếu hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các cổ đông nhỏ lẻ.
"Ngoài các nhà đầu tư trong nước, đợt phát hành này còn nhắm tới các đối tác quốc tế và HNM đã có nhiều hoạt động để đối tác đánh giá lại Công ty. Mặc dù có thể phải chờ đợi bởi hiện trạng doanh nghiệp hiện tại, nhưng phải có khả năng thành công thì HĐQT HNM mới đưa nội dung này vào tờ trình để xin ý kiến cổ đông", ông Tuấn nhấn mạnh.
Năm 2017, HNM đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3,6 tỷ đồng, nhưng hết năm báo lỗ hơn 18,6 tỷ đồng. Với tình hình hoạt động hiện tại, khả năng lỗ cũng có thể lặp lại trong năm 2018, cho dù kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ là 2,4 tỷ đồng.
Và nếu năm 2018 HNM tiếp tục lỗ, việc phát hành trái phiếu sẽ không thể thực hiện, song HNM vẫn có thể thực hiện việc phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Tuấn không trả lời ai sẽ mua cổ phiếu phát hành theo mệnh giá, khi mà cổ phiếu HNM đang bị cảnh báo trên HNX và thị giá chỉ còn 2.700 đồng/cổ phiếu.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã sử dụng cách phát hành cổ phiếu cao gấp nhiều lần thị giá cho “nhà đầu tư chiến lược”. Cũng có doanh nghiệp tìm được người mua khi họ chấp nhận bỏ giá cao, nhưng sau những lần tăng giá “bất thường” khi cổ đông chiến lược hoán đổi cổ phiếu, thì nhiều nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn đối với chiêu thức này.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một cổ đông HNM cho rằng, việc phát hành của HNM giống như đang “đi trên dây”, bởi sẽ rất khó thành công trong bối cảnh thị giá cổ phiếu thấp và kết quả kinh doanh bết bát. Tuy vậy, các cổ đông HNM đã nhất trí thông qua các kế hoạch phát hành và đặt trọng trách này lên Ban lãnh đạo Công ty, bởi với tình hình hiện tại, HNM cần có vốn mới mong phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo Điều 12 - Luật Chứng khoán, điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm:
- Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm;
- Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được HĐQT, hoặc Hội đồng thành viên, hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
- Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.