Kinh doanh kém hiệu quả, cổ đông Hanoimilk lo khó gọi vốn

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông của CTCP Sữa Hà Nội – Hanoimilk (HNM) được tổ chức mới đây, mặc dù phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm huy động vốn cho các dự án giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua, nhưng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty còn kém hiệu quả, giá cổ phiếu giảm sâu, nhiều năm khất lần cổ tức…, nhiều cổ đông lo ngại kế hoạch huy động vốn này sẽ khó thành công.
Kinh doanh kém hiệu quả, cổ đông Hanoimilk lo khó gọi vốn

“Khả năng huy động vốn cho các dự án giai đoạn 2016-2020 sẽ rất khó khăn. Đơn cử, việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án trồng cỏ nuôi bò đã cho thấy chẳng hề dễ dàng”, cổ đông Hồ Sỹ Lưu lo ngại.

Cũng theo cổ đông này, báo cáo về dự án đầu tư giai đoạn 2010-2015 trước đó đã không rõ ràng, chưa đưa ra được thông tin chi tiết về doanh thu, lợi nhuận mà dự án mang lại, để giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các dự án của Công ty.

Tiếp thu ý kiến cổ đông liên quan đến chi tiết hóa thông số dự án đầu tư 5 năm trước đây, đồng thời trấn an cổ đông về tính khả thi trong việc huy động vốn cho các dự án 5 năm tới, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk khẳng định: “Chúng tôi được BIDV đánh giá là khách hàng có chất lượng tốt, nên việc huy động vốn sẽ thuận lợi”.

Lý giải nguyên nhân chưa thành công từ những lần phát hành trái phiếu trước đó, ông Tuấn cho biết, một phần do Công ty chưa xác định được giá chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu tại thời điểm thực hiện chuyển đổi. Trong lần phát hành này, Nghị quyết HĐQT đã xác định rõ giá chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu (cao hơn 20% so với giá cổ phiếu tại thời điểm hiện tại), nên việc phát hành sẽ dễ dàng hơn.

Kinh doanh kém hiệu quả, cổ đông Hanoimilk lo khó gọi vốn ảnh 1

Đối với dự án trồng cỏ nuôi bò, ông Tuấn cho hay, Công ty hiện đang thực hiện việc giải phóng mặt bằng, nên trước mắt vẫn sẽ làm theo mục đích ban đầu của dự án là trồng cỏ nuôi bò, sau đó, có thể mở rộng thành trang trại tham quan phục vụ khách du lịch.

Về phương hướng phát triển giai đoạn 2016-2020, Hanoimilk sẽ vẫn tập trung vào các sản phẩm sữa, thức uống dinh dưỡng từ sữa dành cho trẻ em và các sản phẩm cao cấp dành cho gia đình, tiếp tục phát triển thương hiệu sữa IZZI thành thương hiệu sữa trẻ em hàng đầu Việt Nam và phát triển thương hiệu Naturalmilk.

Cùng với đó, Hanoimilk triển khai Dự án đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy chế biến sữa tiệt trùng UHT (tổng mức đầu tư 313 tỷ đồng) để phục vụ việc sản xuất và gia công, xuất khẩu, duy trì và phát triển sản phẩm chủ lực là sữa UHT (chiếm tỷ trọng 60% tổng doanh thu).

Cũng tại Đại hội, những cổ đông lâu năm của Hanoimilk còn bày tỏ sự sốt ruột khi nhiều năm chưa được nhận cổ tức, trong khi giá cổ phiếu mãi lẹt đẹt dưới mệnh giá. Vì vậy, các cổ đông yêu cầu lãnh đạo Hanoimilk đưa ra giải pháp để cải thiện các vấn đề này.

“Giá trị tài sản và tiềm năng của doanh nghiệp còn lớn, nhưng giá cổ phiếu lại quá thấp. Đề nghị Ban lãnh đạo xem xét lại công tác truyền thông, để làm sao nhiều nhà đầu tư biết đến và quan tâm tới sản phẩm của Công ty”, cổ đông Đỗ Anh Tuấn nói.

Về công tác truyền thông, Chủ tịch Hanoimilk cho biết: “Việc PR cho thương hiệu là điều chúng tôi rất muốn làm, nhất là sau vụ việc khủng hoảng truyền thông hồi năm 2010. Điều đáng mừng là Hanoimilk vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy, trong thời gian tới, Hanoimilk sẽ truyền thông mạnh mẽ hơn về thương hiệu, hình ảnh của mình”.

“Chúng tôi chưa thấy kế hoạch sáng sủa về lợi nhuận, cũng như đề cập đến việc chia cổ tức giai đoạn 2016-2020 từ phía Công ty. Nếu có một chiến lược và lộ trình rõ ràng hơn, có lẽ giá cổ phiếu HNM đã tăng”, cổ đông Nguyễn Hồng Nhật nói. Được biết, năm 2015, Hanoimilk chỉ lãi sau thuế 1,9 tỷ đồng (hoàn thành 78,3% kế hoạch đề ra) và tiếp tục không chia cổ tức.

Để giải đáp thắc mắc trên, Chủ tịch Hanoimilk cho hay, cổ tức phụ thuộc lớn vào kết quả hoạt động kinh doanh. Song vì thị trường sữa cạnh tranh rất gay gắt, nên kết quả còn khiêm tốn.

“Chúng tôi rất quan tâm đến cổ tức, song vì lợi nhuận còn lại quá ít nên phải gom lại, hy vọng năm tới có thể chia cổ tức cho cổ đông. Hanoimilk vẫn đang trong giai đoạnh phải đầu tư, trong bối cảnh thị trường sữa cạnh tranh hết sức gay gắt, nên lợi nhuận không cao. Mặc dù vậy, với năng lực hiện có, Công ty sẽ tăng trưởng tốt trong 5 năm tới”, Chủ tịch Hanoimilk nói.               

Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi của Hanoimilk
Hanoimilk sẽ phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 3 năm, tỷ lệ chuyển đổi 1:10 (1 trái phiếu được chuyển đổi thành 10 cổ phiếu).
Dự kiến trái phiếu sẽ được phát hành 2 đợt trong quý III/2016 và quý II/2017. Số tiền thu về được dùng để đầu tư cho các dự án giai đoạn 2016-2020, cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục