Pháp luật kinh doanh: Chậm giải quyết vướng mắc, doanh nghiệp khó tuân thủ đúng

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù ghi nhận “có bước tiến từ hai phía”, nhưng nhiều cộng đồng kinh doanh, dòng chảy pháp luật kinh doanh vẫn còn nhiều ngầm thác.

Bước tiến từ hai phía

Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 25/4 vẫn nóng như thường lệ.

Mặc dù ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã nhắc đến “bước tiến từ hai phía”, gồm cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, trong hoạt động xây dựng và tham vấn chính sách, nhưng ông cũng không thể không nhắc đến một số chính sách đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn.

Chính sách quản lý xăng dầu được ông Công nhắc đến như một ví dụ điển hình. Hiện tại, Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu doanh nghiệp xăng đầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, phải nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập…

Tương tự, thủ tục trong lĩnh vực quản lý giá cũng đang làm khó doanh nghiệp khi Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá. Theo ông Công, các chính sách quản lý này đã làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến doanh nghiệp khi có những biến động trên thị trường.

“Nét tích cực là Chính phủ đang có kế hoạch để sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi căn bản Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Chúng tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy những chuyển biến lớn về tư duy quản lý trong Nghị định mới này”, ông Công chia sẻ trong phát biểu khai mạc.

Trước đó, ông Công cũng nhắc đến khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp được gửi tới VCCI. Có thể kế tới như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y…

Đây cũng là các trường hợp được phân tích chuyên sâu trong Báo cáo Dòng chảy kinh doanh 2023 của VCCI. Ngay trong báo cáo, các chuyên gia cho biết, các cơ quan nhà nước đã tìm hiểu, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, như tiến hành rà soát và sửa đổi các quy định gây vướng (như sửa quy chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy, đề xuất sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy; dự thảo nghị định sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết; …). Nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc và tìm hướng giải quyết cũng đã được tổ chức trong năm 2023.

Tuy vậy, vẫn còn vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất trong quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Ông Bạch Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023

Ông Bạch Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023

Chậm giải quyết vướng mắc, doanh nghiệp khó tuân thủ

Hệ lụy của những chậm trễ trong giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp lại khiến không ít doanh nghiệp đang phải chọn phương án chưa đúng với quy định của pháp luật để có thể tiếp tục hoạt động.

Mang đến Hội thảo vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, ông Bạch Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y đã phải chua xót nhắc đến lựa chọn này của các hội viên.

“Doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn, hoặc là tuân thủ thì không bán hàng, hoặc là tiếp tục bán hàng, để đảm bảo nguồn cung thuốc, vắc-xin thú ý cho thị trường, nhưng đồng nghĩa là chưa làm đúng quy định của pháp luật”, ông Thắng nói.

Pháp luật mà các doanh nghiệp ngành sản xuất và kinh doanh thuốc thú y nói đến là yêu cầu hợp quy với thuốc thú y, dù đây là quy định không nước nào trên thế giới áp dụng - theo ông Bạch Quốc Thắng, và cũng đang trùng lắp với quy trình đăng ký lưu hành.

“Chúng tôi đã kiến nghị 3-4 năm qua, nhiều lần làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành, Văn phòng Chính phủ…, đều nhận được sự đồng thuận là không cần quy định về hợp quy với thuốc thú y, đã được lùi thời hạn áp dụng đến tháng 2/2024. Nhưng đến giờ, không cơ quan nào đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm. Nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục hợp quy rồi mới bán hàng thì sẽ phải mất nhiều tháng, nghĩa là thị trường sẽ không có hàng”, ông Thắng lý giải khi tiếp tục kiến nghị tạm dừng xử phạt vi phạm hành chính đối với các sản phẩm thuốc thú y đã có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành theo Luật Thú y, nhưng không có giấy chứng nhận hợp quy.

Về dài hạn, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan. “Chúng tôi không dám nói sửa văn bản nào vì các cơ quan quản lý chuyên ngành đều nói luật của ngành mình cần, đề xuất bỏ quy định ngành khác”, ông Thắng giải thích.

Câu hỏi thực thi thế nào

"Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, nhưng đến giờ định mức tái chế (Fs) vẫn chưa được ban hành, nên doanh nghiệp không thể tính được mức phí phải nộp", ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) tiếp tục mang vấn đề này đến Hội thảo. Dường như việc điểm danh các dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI, với cả những vấn đề đã được giải quyết và đang chờ giải pháp, là động lực để các hiệp hội tiếp tục đeo bám các đề xuất, kiến nghị về những vướng mắc trong thực thi các quy định pháp luật.

Năm ngoái, đây là nội dung của nhiều cuộc làm việc giữa doanh nghiệp, VCCI và các cơ quan quản lý chuyên ngành khi nhiều nội dung được cho là không hợp lý. Như việc kê khai nộp phí cho cả năm 2023, dù thời điểm hiệu lực là năm 2024; doanh nghiệp chỉ được chọn hoặc là tự tái chế hoặc nộp tiền hỗ trợ tái chế, không được quyền áp dụng cả hai... Đây cũng là lý do trong Nghị quyết 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024, các vướng mắc liên quan đến EPR cũng được nhắc đến với yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ kế hoạch thực hiện trước ngày 20/1/2024.

"Thời điểm thực hiện các quy định đã có, doanh nghiệp mong sớm có hướng dẫn để thực thi", ông Uy gửi khuyến nghị.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục