Vụ Bianfishco: Tòa bác đơn kiện đòi SHB 1.215 tỷ đồng

(ĐTCK) Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa có quyết định bác đơn kháng cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong vụ kiện đòi Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội số tiền hơn 1.215 tỷ đồng.
Vụ Bianfishco: Tòa bác đơn kiện đòi SHB 1.215 tỷ đồng

Kiện yêu cầu SGB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Sở dĩ VDB khởi kiện là vì SHB có chứng thư bảo lãnh cho CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) của bà Diệu Hiền.

Theo đó, VDB có ký 17 hợp đồng tín dụng cho vay đối với CTCP Thủy sản Bình An. Hạn mức cho vay từ 15 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng tùy từng hợp đồng. Việc cho vay diễn ra từ năm 2009 - 2011.

Sau đó, VDB đã giải ngân cho Công ty Thủy sản Bình An và Công ty đã trả được một phần nợ thì mất khả năng thanh toán.

Đến năm 2012, SHB phát hành Thư bảo lãnh không hủy ngang, bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ của CTCP Thủy sản Bình An, giá trị bảo lãnh bao gồm toàn bộ nợ gốc, nợ lãi còn lại, lãi phát sinh và các nghĩa vụ tài chính khác. Số nợ tính tại thời điểm đó là 421 tỷ đồng.

Theo trình bày của VDB, để có được Thư bảo lãnh nêu trên, ngày 26/7/2012, ba bên gồm VDB, SHB, Công ty Thủy sản Bình An đã có buổi làm việc, có biên bản thống nhất các nội dung SHB đồng ý phát hành chứng thư bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ của Công ty Thủy sản Bình An, VDB cam kết giải chấp tài sản bảo đảm cho Công ty Thủy sản Bình An, bàn giao cổ phần của bà Diệu Hiền, bàn giao hồ sơ pháp lý các tài sản đảm bảo tiền vay.

Sau đó, các bên đã thực hiện thủ tục pháp lý, ghi nhận SHB là cổ đông nắm giữ 25 triệu cổ phần (50% vốn điều lệ) của Công ty Thủy sản Bình An thay cho bà Phạm Thị Diệu Hiền.

Do Công ty Thủy sản Bình An không trả nợ nên VDB khởi kiện yêu cầu Toà án buộc SHB thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay theo Thư bảo lãnh với tổng số nợ gốc và lãi đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 1.215 tỷ đồng.

SHB: Có sai phạm trong quá trình cho vay

SHB trình bày rằng, năm 2012, “với tinh thần trách nhiệm cùng xã hội và hành động đẹp đầy nhân văn trong kinh doanh, SHB nhận nhiệm vụ tái cấu trúc toàn diện Công ty Thủy sản Bình An bao gồm nợ xấu tại VDB và các ngân hàng khác”.

Để thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc, SHB buộc phải sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn pháp lý và đủ thẩm quyền. Khi đó, bà Diệu Hiền đang sở hữu 50% cổ phần của Công ty Thủy sản Bình An và được sử dụng làm một trong nhiều tài sản bảo đảm tại VDB.

SHB phát hiện HĐQT Công ty phát hành khống 2 giấy chứng nhận cổ phần cho bà Diệu Hiền. Để có thể sở hữu cổ phần và làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, SHB buộc phải phát hành chứng thư bảo lãnh.

Giờ đây, khi VDB yêu cầu SHB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, ngân hàng này không đồng ý vì quá trình cho vay có sai phạm, lập khống các chứng từ, cần làm rõ.

Trước khi ký chứng thư bảo lãnh, 3 bên đã cùng ngồi lại và có biên bản. Biên bản này do ông Trần Văn Trí - chồng bà Diệu Hiền, ký. Ông Trí không phải là nhân viên công ty, không phải là thành viên HĐQT. Công ty Thủy sản Bình An phủ nhận tư cách của ông Trí trong biên bản.

Vì lý do này, SHB đề nghị Tòa án xác định chứng thư bảo lãnh không có hiệu lực pháp luật.

Bác đơn kháng cáo

Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm xác định Chứng thư bảo lãnh chưa phát sinh hiệu lực, bác toàn bộ đơn khởi kiện của VDB.

Không chấp nhận kết quả này, VDB đã kháng cáo. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét biên bản cuộc họp 3 bên trong đó ghi nhận ông Trần Văn Trí là Giám đốc Công ty Thủy sản Bình An.

Bà Hiền có ủy quyền cho ông Trí một số phạm vi nhất định nhưng việc ủy quyền điều hành Công ty là trái quy định Luật Doanh nghiệp do ông Trí không phải là thành viên HĐQT.

Khi đó ông Trí đang là viên chức Nhà nước, không được phép tham gia quản lý, điều hành Công ty.

Tòa án xác định, quá trình cho vay có một số sai phạm trong hồ sơ vay vốn của Công ty Thủy sản Bình An: hợp đồng mua cá của người dân không có thật, không kiểm tra, xác minh tài sản bảo đảm, thế chấp hàng hóa hình thành trong tương lai cho nhiều ngân hàng...

Vì thế, Tòa án cho rằng Thư bảo lãnh của SHB chưa phát sinh hiệu lực, bác đơn kháng cáo của VDB.

CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) từng là thương hiệu lớn về sản phẩm cá tra, cá basa và gắn với đại gia Diệu Hiền.

Từ năm 2011, Công ty gặp khó khăn về dòng tiền, không thanh toán tiền cá dẫn đến người dân quây nhà máy, quây kín nhà bà Diệu Hiền đòi nợ. Công ty còn nợ nhiều ngân hàng, số nợ lên đến hàng nghìn tỷ. Sau đó, SHB tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp này.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục