Phản ứng bất ngờ của giới đầu tư phố Wall

(ĐTCK) Thông thường, khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tích cực, phố Wall và giá vàng sẽ giảm mạnh do khả năng tăng lãi suất của Fed cao. Tuy nhiên, lần này thì khác, khi bảng lương phi nông nghiệp lạc quan, cả phố Wall và giá vàng đều tăng vọt.
Phố Wall khởi sắc trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư chú ý nhiều hơn vào sức khỏe nền kinh tế Mỹ, thay vì hành động của Fed (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall khởi sắc trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư chú ý nhiều hơn vào sức khỏe nền kinh tế Mỹ, thay vì hành động của Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 211.000 việc làm trong tháng 11. Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 và tháng 10 cũng có thêm 35.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mước thấp nhất 7 năm rưỡi, ở mức 5%.

Dữ liệu vừa công bố khẳng định thêm sự vững chắc của thị trường lao động và càng thêm cơ sở chắc chắn cho Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15 và 16/12. Khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 đã tăng lên tới 75%. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng, Fed sẽ tăng lãi suất từ từ với mức tăng lên 0,75% vào giữa năm 2016 và 1,12% vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, một phản ứng bất ngờ đã xảy ra trên thị trường chứng khoán khi cả 3 chỉ số chính đồng loạt tăng mạnh hơn 2% trong phiên cuối tuần. Trước đó, mỗi khi giữ liệu việc làm tốt, làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất, phố Wall luôn giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, hiện giới đầu tư đã quan tâm nhiều tới sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, chứ không phải là động thái của Fed nữa. Đó chính là lý do Phố Wall tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi các dữ liệu kinh tế Mỹ công bố khả quan.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Dow Jones tăng 369,96 điểm (+2,12%), lên 17.847,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,07 điểm (+2,05%), lên 2.091,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 104,74 điểm (+2,08%), lên 5.142,27 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,28%, trong khi S&P 500 tăng nhẹ 0,08% và Nasdaq tăng 0,29%.

Trong khi phố Wall bay cao, thì chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần sau khi chính sách nới lỏng tiền tệ của ECB gây thất vọng cho một số nhà đầu tư. Ngoài ra, việc đồng euro tăng mạnh cũng ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu thiên về xuất khẩu của châu Âu.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thô giảm mạnh trở lại cũng tác động tiêu cực tới nhóm cổ phiếu năng lượng, qua đó góp phần kéo chứng khoán châu Âu giảm điểm. Với 2 phiên giảm điểm cuối tuần, chứng khoán châu Âu đã có tuần giảm mạnh trong tuần, trong đó chứng khoán Đức và Pháp giảm tới hơn 4%.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 36,71 điểm (-0,59%), xuống 6.275,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 37,14 điểm (-0,34%), xuống 10.752,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 15,42 điểm (-0,33%), xuống 4.714,79 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,57%, trong khi chỉ số DAX giảm tới 4,8% và chỉ số CAC 40 cũng giảm tới 4,37%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc ECB đưa ra chính sách tiền tệ nói lỏng không như kỳ vọng của nhà đầu tư đã thúc đẩy làn sóng bán tháo đồng USD, đẩy đồng bạc xanh giảm mạnh so với các loại tiền tệ khác, trong đó có đồng yên khiến chứng khoán Nhật Bản lao dốc. Chỉ số Nikkei 225 trong phiên cuối tuần có phiên giảm mạnh nhất từ 29/9 và xuống dưới mức thấp nhất gần 3 tuần.

Ảnh hưởng của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm trở lại trong phiên cuối tuần. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục sau 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần cũng đã điều chỉnh giảm trở lại.

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 435,42 điểm (-2,18%), xuống 19.504,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 181,12 điểm (-0,81%), xuống 22.235,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 59,83 điểm (-1,67%), xuống 3.524,99 điểm.

Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy đi hết tất cả những nỗ lực trước đó của Nikkei 225, khiến chỉ số này giảm 1,91% trong tuần qua, trong khi đó, chỉ số Hang Seng tăng 0,76% và chỉ số Shanghai Composite hồi phục 2,58% sau khi giảm tới 5,35% trong tuần trước.

Dữ liệu việc làm vừa công bố khả quan của Mỹ khiến đồng USD tăng trở lại sau khi giảm mạnh hôm thứ Năm khi ECB gây thất vọng cho giới đầu tư, thúc đẩy họ mua vào euro và bán ra USD. Tuy nhiên, cũng giống như chứng khoán, giá vàng bất ngờ nhảy vọt trong phiên cuối tuần và cứu giá kim loại quý này tránh được tuần giảm tiếp theo.

Giá vàng tăng mạnh trở lại bất chấp khả năng Fed tăng lãi suất lên cao khi nhà đầu tư đánh cược rằng, kỳ vọng vào việc tăng lãi suất đã được phản ánh hết vào đà tăng vừa qua của đồng USD và đồng bạc xanh này khó mà có thể tăng tiếp. Ngoài ra, nếu Fed tăng lãi suất, thì mức tăng cũng chỉ là 25 điểm cơ bản, không quá lớn và việc Fed tăng lãi suất cũng đã phản ánh vào giá vàng. Do đó, giới đầu tư nhanh chóng mua vào với kỳ vọng giá vàng sẽ khó giảm tiếp.

Kết thúc phiên 4/12, giá vàng giao ngay tăng 24,27 USD (+2,29%), lên 1.086,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 25,1 USD (+2,36%), lên 1.086,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 24,6 USD (+2,32%), lên 1.085,8 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,81%, giá vàng giao tháng 12 tăng 2,93% và giá vàng giao tháng 2/2016 tăng 2,81%.

Tuần này, trong số 417 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 240 người, tương đương 58% cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục hồi phục trong tuần tới, có 144 người, tương đương 35% dự đoán giá vàng sẽ giảm trở lại và 33 người, chiếm 8% giữ quan điểm trung tính.

Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 19/36 người được hỏi trả lời, có 11 người, tương đương 58% nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới, 5 chuyên gia, chiếm 26% dự đoán giá vàng sẽ giảm trở lại và 3 người, chiếm 16% giữ quan điểm trung lập.

Trong cuộc họp vừa diễn ra tại Vienne (Áo), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng khi mẫu thuẫn giữa các thành viên xảy ra. Iran không đồng ý bất kỳ việc cắt giảm sản lượng nào cho đến khi hồi phục được sản lượng sản xuất sau thời gian dài bị cấm vận từ các nước phương Tây.

Thông tin này đã khiến giá dầu lao dốc trong phiên cuối tuần với mức giảm hơn 2%, làm tăng thêm sự mất mát trong tuần sau khi hồi phục trong tuần trước đó.

Kết thúc phiên 4/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,11 USD/thùng (-2,78%), xuống 39,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,84 USD (-1,95%), xuống 43,00 USD/thùng.

Trong tuần giá dầu thô Mỹ giảm 4,17% sau khi tăng 3,27% tuần trước, giá dầu thô Brent cũng giảm tới 4,15% sau khi chỉ có mức tăng nhẹ 0,45% tuần trước.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục