Yellen tỏ quan điểm “diều hâu”, giới đầu tư lại hoảng sợ

(ĐTCK) Phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng tăng lãi suất, khiến giới đầu tư cả trên thị trường chứng khoán và vàng ồ ạt bán ra.
Phố Wall giảm điểm trước nỗi lo Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall giảm điểm trước nỗi lo Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới (Ảnh minh họa: AFP)

Trong bài phát biểu hôm thứ Tư, bà Janet Yellen cho biết, bà “mong” việc Fed tăng lãi suất như một minh chứng cho nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ.

Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế của Washington, bà Yellen bảy tỏ niềm tin vào nền kinh tế Mỹ. Sự tăng trưởng của thị trường lao động trong tháng 10 nếu không khả quan cũng sẽ được bù đắp bởi các dữ liệu tích cực khác. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ là “đặc biệt vững chắc”, bà nhấn mạnh.

Phát biểu mang tính “diều hâu” của bà Yellen khiến nhiều nhà phân tích và đầu tư bất ngờ. Phát biểu này đã khiến đồng USD tăng mạnh trở lại và bán tháo đã diễn ra trên thị trường chứng khoán, cũng như thị trường vàng.

Fed sẽ có cuộc họp cuối cùng trong năm 2015 vào ngày 15 và 16 tới đây, nhưng trước tiên, giới đầu tư sẽ chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu tuần này để đoán chắc về thời điểm Fed tăng lãi suất.

Tuy nhiên, dữ liệu về bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) vừa công bố hôm thứ Tư cho thấy, thị trường lao động của Mỹ đang rất mạnh mẽ, bất chấp đơn đặt hàng mới trong nhà máy giảm được công bố hôm trước đó.

Cụ thể, bảng lương ADP tháng 11 có thêm 217.000 việc làm, tăng khá mạnh so với mức 196.000 việc làm trong tháng 10. Việc làm tăng trên diện rộng với việc gia tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong lĩnh vức sản xuất khi lĩnh vực này thu hút thêm 6.000 việc làm trong tháng 11.

Phố Wall giảm trở lại, trả hết những gì đã có trong phiên trước đó ngoài nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất, còn do chịu ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu xuống dưới mức 40 USD/thùng.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Dow Jones giảm 158,67 điểm (-0,89%), xuống 17.729,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,12 điểm (-1,10%), xuống 2.079,51 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 33,08 điểm (-0,64%), xuống 5.123,22 điểm.

Chứng khoán châu Âu lúc đầu tăng khá tốt khi giới đầu tư kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tung ra gói kích thích kinh tế trong cuộc họp vào thứ Năm, đặc biệt là sau dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng euro giảm 0,3% trong tháng 10 và giảm 3,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các thị trường Đức và Pháp sau đó đã đảo chiều giảm nhẹ do chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu phụ tùng xe hơi khi cổ phiếu của Zodiac Aerospace bị công ty môi giới Exane BNP Paribas hạ mức triển vọng từ “outperform - tốt hơn”, xuống “neutral - trung tính”.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,28 điểm (+0,4%), lên 6.420,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 71,22 điểm (-0,63%), xuống 11.190,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,77 điểm (-0,18%), xuống 4.905,76 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trở lại khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của ECB và báo cáo việc làm của Mỹ. Trong khi đó, đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip trên thị trường chứng khoán đại lục đã giúp chứng khoán Hồng Kông duy trì sắc xanh trong phiên thứ Tư. Nhĩ nhiên, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp sau phiên lao dốc mạnh hơn 5% cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 74,27 điểm (-0,37%), xuống 19.938,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 98,34 điểm (+0,44%), lên 22.479,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 80,6 điểm (+2,33%), lên 3.536,91 điểm.

Sau phát biểu của bà Yellen và bảng lương ADP, đồng USD đã phục hồi và chỉ số USD lấy lại được mốc 100, gây áp lực lên giá vàng. Ngoài ra, phát biểu mang tính “diều hâu” của bà Yellen cũng khiến giới đầu tư vàng hoảng sợ, bởi lãi suất tăng sẽ làm cho tính hấp dẫn của vàng giảm đi, đẩy giá kim loại quý này giảm manh trong phiên thứ Tư và một lần nữa xuống mức thấp nhất gần 6 năm, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.060 USD/ounce, thậm chí là đang đe dọa mốc 1.050 USD/ounce để hướng đến ngưỡng hỗ trợ thấp hơn và được dự báo là nguy hiểm là 1.045 USD/ounce.

Kết thúc phiên 2/12, giá vàng giao ngay giảm 15,6 USD (-1,46%), xuống 1.053,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 9,6 USD (-0,90%), xuống 1.054,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 9,7 USD (-0,91%), xuống 1.053,8 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm tới 1,2 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa con số dự báo 417.000 thùng đã khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh trở lại cũng gây áp lực lên giá loại nhiên liệu này.

Kết thúc phiên 2/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,91 USD/thùng (-4,6%), xuống 39,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,95 USD (-4,4%), xuống 42,49 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục