Phần nổi tảng băng “tranh chấp bảo hiểm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Theo thống kê từ website https://congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án nhân dân Tối cao, có nhiều công ty bảo hiểm vướng kiện cáo từ đầu năm 2024 tới nay.
PTI vướng vào 25 vụ kiện liên quan tới sản phẩm “PTI Vững Tâm An” PTI vướng vào 25 vụ kiện liên quan tới sản phẩm “PTI Vững Tâm An”

39 bản án, 10 công ty bảo hiểm thua kiện, bồi thường hơn 40 tỷ đồng

Thông tin công bố (từ ngày 1/1 đến hết ngày 27/10/2024) cho thấy, các tranh chấp bảo hiểm dẫn đến khiếu kiện thường liên quan đến xác định sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm và xuất hiện ở cả mảng bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ, cũng như các nghiệp vụ chính trên thị trường như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu; bảo hiểm xe cơ giới… Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp chủ yếu xuất phát từ việc công ty bảo hiểm chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm.

Xét trên số lượng bản án công bố tại thời điểm trên, cả nước có 39 bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, trong đó công ty bảo hiểm bị xử thua 35 vụ. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu là hơn 47 tỷ đồng, tổng số tiền công ty bảo hiểm thua kiện phải bồi thường là hơn 40 tỷ đồng.

Cần nhắc lại là con số thống kê kể trên là các vụ tranh chấp được mang ra cấp tòa, khởi kiện và đã có bản án dựa trên thống kê của Toà án nhân dân Tối cao, được tổng hợp bởi ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, còn số vụ tranh chấp bảo hiểm nói chung trên toàn thị trường thì lớn hơn nhiều lần, có thể lên tới hàng ngàn vụ mỗi năm. Công ty bảo hiểm đều là bị đơn (bị bên mua bảo hiểm kiện) trong các vụ kiện này.

25 vụ kiện liên quan tới PTI

Xét về số lượng vụ kiện, Bảo hiểm Bưu điện - PTI (mã chứng khoán PTI) là công ty bảo hiểm phi nhân thọ bị tòa án “gọi tên” nhiều nhất liên quan tới sản phẩm bảo hiểm “PTI Vững Tâm An” do nhà bảo hiểm này từ chối thanh toán quyền lợi điều trị dịch bệnh cho người tham gia bảo hiểm.

Tính tới ngày 27/10/2024, có 25 vụ án liên quan đến việc PTI từ chối thanh toán được đưa ra xét xử và tất cả các vụ kiện người mua bảo hiểm đều thắng. Kết quả là PTI phải chi trả toàn bộ tiền bảo hiểm, tổng số hơn 740 triệu đồng.

Bảo hiểm Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) đứng thứ 2 trong khối phi nhân thọ về số vụ kiện với kết quả thua trong cả 3 vụ kiện.

Trong khi đó, Bảo hiểm Hàng không - VNI (mã chứng khoán AIC) ghi nhận số tiền đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất tại vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu biển, số tiền yêu cầu chi trả là hơn 12 tỷ đồng.

Tại khối nhân thọ, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential (Prudential Việt Nam) vướng khiếu kiện nhiều nhất với 3 vụ việc và vụ kiện đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất cũng thuộc về nhà bảo hiểm này (phải trả cho khách hàng số tiền hơn 1,29 tỷ đồng).

2 vụ khởi kiện liên quan tới bancassurance và Prudential đều thắng kiện

Theo thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ có 2 vụ việc người mua bảo hiểm kiện Prudential về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), nhưng cuối cùng phần thắng đều thuộc về Prudential do bên mua không có căn cứ chứng minh sai phạm của bên bán bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm cho rằng, họ không muốn tham gia bảo hiểm nhưng bị lừa dối ký hợp đồng, trong khi bên bán bảo hiểm đưa ra bằng chứng trong các thư yêu cầu cấp bảo hiểm đều thể hiện khách hàng đồng ý lấy chữ ký điện tử để giao dịch, ký hợp đồng mua bảo hiểm.

Như Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh, trong giai đoạn 2022-2023, có nhiều hồ sơ của bên mua bảo hiểm thiếu chứng cứ chứng minh bên bán sai phạm và hầu hết đều không được tổ chức chuyên đi đòi bảo hiểm nhận hỗ trợ bởi khả năng đòi được tiền bồi thường rất thấp, kết quả là các công ty bảo hiểm thường thắng.

Do đó, để tránh những tranh chấp không đáng có sau này, người mua bảo hiểm trước khi đặt bút ký tham gia bất kỳ một hợp đồng bảo hiểm nào cũng phải hiểu rõ về phạm vi, mức độ, trách nhiệm bảo hiểm, cách thức hạn chế rủi ro để không bị rơi vào trường hợp công ty bảo hiểm từ chối khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Ở phía ngược lại, các công ty bảo hiểm cũng cần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của tư vấn viên - những người trực tiếp tư vấn cho khách hàng.

Trước đó, vào tháng 3/2024, trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 10/17 công ty bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong năm 2022, 2023 và phát hiện nhiều sai phạm liên quan tới kênh bancassurance về ban hành quy trình, quy chế; tuân thủ biểu phí sản phẩm; đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật…

Cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý về tài chính 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 gần 1.956 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan thanh tra đã đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn; yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm. Theo kế hoạch, năm 2024 sẽ thanh tra 6 công ty bảo hiểm, trong đó việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir và Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.

Thực tế, không phải đến bây giờ mà từ những năm trước, hầu hết các vụ tranh chấp về bancassurance, bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, tài sản, xe… chỉ dừng ở mức khiếu nại, chưa đưa ra tòa án là do các bên tự thỏa thuận (bên mua bảo hiểm, ngân hàng, công ty bảo hiểm, người mua bảo hiểm). Có những vụ việc có thêm bên thứ ba là tổ chức/cá nhân bảo vệ quyền lợi cho bên mua bảo hiểm. Nhờ có bên thứ ba am hiểu pháp lý hỗ trợ đòi bồi thường bảo hiểm đã giúp nhiều vụ việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, góp phần mang lại niềm tin cho thị trường.

Một số văn phòng luật sư cho biết, từ đầu năm 2024 tới nay ít tiếp nhận các đơn đề nghị hỗ trợ pháp lý từ khách hàng là bên mua bảo hiểm khiếu nại ngân hàng, công ty bảo hiểm, các vụ việc chủ yếu diễn ra trong năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Trong đó, gần đây nhất nhận hỗ trợ 4 vụ việc, kết quả là có 2 vụ hủy hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa bên mua và bên bán bảo hiểm, bên bán đồng ý hoàn tiền phí bảo hiểm cho bên mua, 1 vụ bên mua không có căn cứ chứng minh sai phạm của bên bán bảo hiểm.

Thông qua các vụ tranh chấp mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng nói riêng, tranh chấp bảo hiểm nói chung trên thị trường, giới chuyên gia cho rằng, ngoài nâng cao trách nhiệm của bên bán bảo hiểm, bên mua cũng cần tự trang bị kiến thức về bảo hiểm để có thể bảo vệ mình tốt hơn. Năm 2025, dự báo sẽ có nhiều vụ kiện phát sinh liên quan tới xe cơ giới hoạt động trong khu vực bị ngập nước sau bão Yagi, bởi rủi ro này chưa được tường minh tại các hợp đồng bảo hiểm nên dễ tạo kẽ hở để công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục