Phân khúc nhà ở xã hội cần được quan tâm đúng mức

(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang có sự lệch pha cung - cầu khi phân khúc căn hộ cao cấp đang đối mặt với dư cung, trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội lại khan hiếm. Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, cần có sự quan tâm tới phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội để tái cân bằng cung - cầu.
Ảnh: Việt Dũng Ảnh: Việt Dũng

Tin vui cho nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, Quốc hội đã thông qua gói vốn 2.000 tỷ đồng, trong đó một phần dành cho Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng, phần còn lại bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đang đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai việc cho vay ngay trong năm nay.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng mất cân đối cung cầu bất động sản vẫn diễn ra tại một số phân khúc. Trong đó, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn thiếu nhiều so với nhu cầu thực.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II/2017, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 184 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 72.000 căn hộ. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 195 dự án, với quy mô xây dựng 165.000 căn.

Tại TP.HCM, qua khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố sẽ có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, nguồn cung này vẫn không đủ đáp ứng được lượng cầu, bởi hiện nay, quy mô dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số; có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới… Chưa kể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại Thành phố, hiện có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở.

Hơn nữa, trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố, có đến 284.000 người đang phải thuê phòng trọ, nhà trọ.

Ông Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai chương trình nhà ở xã hội trọng điểm. Trong đó, tập trung tháo gỡ các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để khuyến khích, huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Nhưng chưa đủ

Với các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất, đặc biệt là gói 30.000 tỷ đồng, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ chính là phân khúc châm mồi lửa để làm tan băng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ngay khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng ngừng triển khai, phân khúc này đã rơi vào khó khăn.

Do đó, thông tin Quốc hội thông qua gói 2.000 tỷ đồng mang lại kỳ vọng cho phân khúc này. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, số tiền này vẫn quá thấp so với tình hình và nhu cầu thực tại.

Theo ông Phấn, trong gói 2.000 tỷ đồng này, sẽ dành 840 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những người có công với cách mạng. Như vậy, chỉ còn 1.160 tỷ đồng là dành cho đối tượng thu nhập thấp. Nếu tính thêm cả nguồn vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thêm được nữa thì cũng chỉ có 2.320 tỷ đồng.

“Như vậy, phân khúc được nhiều người quan tâm hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phấn nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội đã đề nghị nộp tiền sử dụng đất để xin chuyển dự án sang thành nhà ở thương mại.

“Chúng tôi muốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, nhưng nguồn vốn không đủ để hỗ trợ, điều này làm khó cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Nếu chúng tôi đi vay thương mại để tiếp tục triển khai dự án thì đương nhiên là giá thành của sản phẩm sẽ cao hơn. Như vậy, lại không đúng với tiêu chí và nguyện vọng của người dân có nguồn thu nhập thấp”, đại diện chủ đầu tư một dự án tại quận 9 (TP.HCM) chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho biết, do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, nên phân khúc nhà ở xã hội thường bị các chủ đầu tư “ngó lơ”. Trong khi đó, nhu cầu phân khúc này rất lớn, giải quyết nhà ở đối với những người có thu nhập thấp còn mang cả ý nghĩa xã hội. Do đó, phân khúc này cần có sự quan tâm của các bộ, ngành trong thời gian tới, qua đó c tái cân bằng cung  - cầu thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục