Phân bón “hàng hiệu” dính đòn chí tử, hàng dởm có đất tung hoành

(ĐTCK) Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng khiến thị trường rơi vào “tình trạng bát nháo” có thể càng trầm trọng hơn khi tới đây, giá khí và nguồn cung khí áp dụng với các đại gia phân bón biến động mạnh.
Phân bón “hàng hiệu” dính đòn chí tử, hàng dởm có đất tung hoành

Thật giả lẫn lộn

Số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp cho thấy, vào đầu năm 2018, cả nước có tới 735 cơ sở sản xuất phân bón, đăng ký công suất tới 29 triệu tấn, 20.000 đầu tên phân bón.

“Vô lối và mất trật tự ghê gớm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp tháng 6 vừa qua và cho biết, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận trách nhiệm quản lý nhà nước từ Bộ Công Thương đối với lĩnh vực phân bón, cơ quan này đã loại ra được hơn 2.000 sản phẩm không đạt chuẩn.

Đáng lo ngại hơn là nhu cầu thực tế chỉ khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại, công suất cả ngành đang dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng, nhưng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tung hoành, len lỏi, thâm nhập sâu vào các vùng sản xuất chủ lực như đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thực trạng này đang gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân.

Đặc biệt, mỗi khi thị trường có biến động mạnh về giá cả, nỗi lo về nạn phân bón dởm càng lớn, bởi hàng chính ngạch tăng giá mạnh, hàng giả, hàng dởm giá thấp lại càng có cơ hội đến gần bà con nông dân.

Gần đây, thị trường phân bón biến động khá mạnh và đứng trước nguy cơ sốt giá dịp cao điểm mùa vụ cuối năm. Giá bán ure đã tăng xấp xỉ 1.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg dù đang là mùa thấp điểm.

Đây là hệ quả của việc giá urea thế giới tăng vọt trong hơn 1 tháng trở lại đây (hiện tăng lên 300 USD/tấn FOB, cao hơn 50 USD/tấn so với đầu năm, cao hơn gần 100 USD/tấn so với cùng kỳ). Trong tháng 9, các nhà máy đạm đã đồng loạt tăng giá bán 400 – 500 đồng/kg.

Giá urea thế giới trong tháng10 và dịp cuối năm được nhận định sẽ tiếp tục tăng. Diễn biến ngoài dự đoán của giá ure, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 50% trong cơ cấu phân bón cho cây trồng, đang khiến nhiều nông dân, nhà vườn và cả nhà sản xuất lo ngại.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khuyến nghị, phân bón là mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bởi vậy, cần xem trọng sự ổn định của thị trường phân bón, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng ngoài vòng kiểm soát thời gian qua. 

Lo “hàng hiệu” cầm chừng

Ngành phân bón còn đang lo ngại một nguy cơ khác. Đó là khả năng mất ổn định thị trường đến từ việc nguồn cung nguyên liệu khí và giá khí áp dụng với các nhà máy đạm thay đổi đột biến.

Nhu cầu đạm trong nước hiện vào khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi công suất của 4 nhà máy lớn nhất cả nước là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau ở phía Nam, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình (thuộc Vinachem) ở phía Bắc đạt xấp xỉ 2,8 triệu tấn.

Công suất cao hơn nhu cầu thị trường, song mỗi năm cả nước vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn đạm, với kim ngạch gần 100 triệu USD.

Nghịch lý này đến từ việc 2 nhà máy phía Bắc chạy bằng than, có chi phí đầu vào đắt đỏ, giá thành sản xuất thường cao hơn giá bán trên thị trường nên hoạt động cầm chừng.

Thế cân bằng, ổn định của thị trường urea có được nhờ 2 nhà máy đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chạy bằng khí có giá hợp lý. Nhất là từ khi Đạm Cà Mau với công suất nhà máy đạt trên 800.000 tấn/năm đi vào hoạt động, giá bán phân bón đến tay người nông dân ổn định, duy trì quanh 6.000 - 7.000 đồng/kg.

Số liệu từ doanh nghiệp cho biết, kể từ khi chính thức vận hành từ năm 2011 cho đến nay, Đạm Cà Mau đã cung ứng ra thị trường trên 5 triệu tấn sản phẩm urea và hàng trăm nghìn tấn các sản phẩm phân bón cao cấp khác, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường trong nước.

Vậy nhưng, thế cân bằng này tới đây có thể sẽ bị phá vỡ khi hơn 2 tháng nữa, chính sách điều tiết giá khí đảm bảo ROE đạt 12% theo cam kết của PVN khi Đạm Cà Mau cổ phần hóa kết thúc.

Kể từ năm 2014 đến nay, giá khí mà PVN bán cho Đạm Cà Mau dao động khoảng 3 USD/triệu BTU. Đây cũng là mức giá trung bình khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS), tương đương với mức giá khí trung bình trên thế giới áp dụng với các nhà máy đạm (theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, IEA).

Tuy nhiên, theo dự thảo phương án mới áp dụng với Đạm Cà Mau, giá khí đang được trình Chính phủ xem xét lại cao hơn so với khi lập FS.

Giới phân tích tính toán rằng, với giá khí lên tới 7 - 8 USD/triệu BTU, tức cao gấp 2,5 lần mức giá giả định trong FS, tương tự gấp hơn 2 lần so với giá khí bình quân của các nhà máy sản xuất phân đạm hạt đục trong khu vực và trên thế giới, Đạm Cà Mau không thể duy trì giá bán phân bón như hiện tại, đồng thời cầm chắc nguy cơ thua lỗ.

Tác động kép đối với Đạm Cà Mau và cả Đạm Phú Mỹ, hai đại gia nắm 70% thị phần phân đạm, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón cả nước.

Khi “hàng hiệu” bị thu hẹp, hàng giả, hàng dởm sản xuất trong nước và nhập lậu càng có đất tung hoành, nhất là trong bối cảnh giá cả vọt lên cao.

Hàng lậu chất lượng không đảm bảo nên bán rất rẻ, thấp hơn giá hàng chính ngạch từ 1 - 2 triệu đồng/tấn, khi đến tay người dân thấp hơn thị trường khoảng 500 - 1.000 đồng/kg nên dễ thu hút bà con nông dân.

Phân bón dởm giá thấp, nhưng không đem lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, Nhà nước bị thất thu thuế, tệ hơn nữa là làm thoái hóa đất đai, bần cùng hóa người nông dân, kéo lùi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam -  Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã bày tỏ lo ngại trên tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp đang cần được xem xét trên bình diện một bức tranh lớn.

Hoàng Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục