Phạm Ngọc Anh Tùng, sáng lập Foodmap: “Tôi muốn xuất khẩu nông sản Việt có thương hiệu”

0:00 / 0:00
0:00
Rời vị trí Giám đốc Nông trại trà và cà phê Cầu Đất Farm, Phạm Ngọc Anh Tùng bắt đầu hành trình xuất khẩu nông sản Việt có thương hiệu.
Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap

Mục tiêu xuất khẩu nông sản chất lượng cao

Trụ sở chính của Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO (đơn vị sở hữu website thương mại điện tử B2B2C Foodmap.asia) nằm trong con hẻm ở đường Lũy Bán Bích (TP.HCM). Một phần mặt tiền của Công ty được thiết kế như một cửa hàng rau tiện lợi khiến UFO khá biệt lập trong khu vực chỉ dành cho các xưởng sản xuất, nhà kho này.

Kho hàng của UFO cách đó vài trăm mét. Tùng cho biết, kho thứ hai cũng gần đó đang được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa cho việc kinh doanh đang tăng trưởng tốt. Đất cho thuê làm kho, bãi quanh đây khá nhiều, đường sá lại thông thoáng, phù hợp cho việc vận chuyển. “Start-up mà, cái gì cũng phải tính”, Tùng cười nói.

Kho hàng mới mở để chuẩn bị cho việc xuất khẩu. Một trong các sản phẩm đầu tiên UFO xuất khẩu là mật hoa dừa SokFarm. Đây là dòng sản phẩm dành cho người tiểu đường, vì có độ ngọt và các khoáng chất có lợi cho sức khoẻ.

SokFarm đang được đăng ký trên các nền tảng gọi vốn Indegogo và Kickstarter (Mỹ). Thật ra đây chỉ là “chiêu” marketing của Tùng để đưa Foodmap và hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Trước mắt là dòng sản phẩm mật hoa dừa để phục vụ thị trường có đến 30 triệu người đang chung sống với bệnh tiểu đường. SokFarm, với giá thành cạnh tranh hơn mật ong thật (thấp hơn 30%), đang có những lợi thế nhất định.

“Chiến lược của Foodmap là xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế quốc gia”, Tùng nói.

Khi được hỏi vì sao đến tận bây giờ, Foodmap mới có kế hoạch xuất khẩu, Tùng cho biết, đó là lộ trình đã được định sẵn. Cuối năm 2018, khi Foodmap được hình thành, các hộ sản xuất còn chưa biết thế nào là kinh doanh trực tuyến, quy trình làm việc được quản lý theo hệ thống. Việc kinh doanh trực tuyến trong nước còn khó khăn, nên xuất khẩu thời điểm đó là chuyện không tưởng.

Hai năm qua, Foodmap đã và đang kết nối các nhà sản xuất, hỗ trợ họ làm quen với hình thức bán hàng, quản lý mới trên nền tảng công nghệ, trong đó quan trọng nhất là chứng minh hiệu quả kinh doanh. “Bạn sẽ chẳng thuyết phục được ai, nếu không cho mọi người thấy hiệu quả về kinh tế”, Tùng nói.

Bằng cách làm này, Tùng kết nối được 500 nhà sản xuất, đưa hơn 2.000 sản phẩm lên Foodmap trong thời gian qua. Đó cũng là nền tảng đưa anh đến hai giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020” và “Doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award 2021”. Các giải thưởng này đối với Tùng rất quan trọng, vì đó là bảo chứng tốt nhất cho Foodmap và con đường xuất khẩu nông sản Việt của UFO trong mắt đối tác cùng người dùng trong nước và nước ngoài.

Kỹ sư robot đi làm nông

Đang theo học năm thứ ba, Khoa Điện tử - Tự động hoá, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Phạm Ngọc Anh Tùng đã rời ghế nhà trường, đầu quân vào vị trí Giám đốc công nghệ ở Hanel Techcom (Hà Nội).

Sinh ra ở Huế, một thành phố gắn liền với du lịch, nhưng phần lớn người dân đều làm nông, nên từ nhỏ, Tùng đã có niềm yêu thích đặc biệt với lĩnh vực này. Nhưng cho đến thời điểm công tác ngoài Hà Nội, Tùng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm gì và tiếp cận nông nghiệp như thế nào.

Cơ hội bắt đầu rõ ràng hơn khi anh được chọn vào vị trí Giám đốc Nông trại trà và cà phê Cầu Đất Farm, thuộc sở hữu của Seedcom. Trong 3 năm ở Cầu Đất Farm, Tùng có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản, giúp anh hiểu sâu hơn các nghiệp vụ cần thiết để hình thành một hệ thống quản trị tổng thể.

Cùng thời điểm đó, Tùng được đi tham quan mô hình nông nghiệp ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… và nhận ra rằng, các công ty nông nghiệp thế hệ mới đều làm việc trên một nền tảng công nghệ quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Meicai (Trung Quốc) là một doanh nghiệp nông nghiệp thế hệ mới (thành lập năm 2014), nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng quan tâm, gọi được 1,5 tỷ USD đầu tư.

Nhưng càng dấn thân sâu vào ngành nông nghiệp, Tùng càng chứng kiến nhiều hơn những đợt “được mùa mất giá” của nông sản Việt Nam. “Dù quy mô lớn hay nhỏ, nghề nông vẫn quá rủi ro vì đầu ra hạn chế và cuối cùng chỉ người nông dân phải gánh chịu”, Tùng nói.

Điều này đã khơi dậy niềm đam mê với ngành nông nghiệp vốn theo Tùng từ nhỏ và là động lực thôi thúc anh hình thành UFO. Sau khi rời khỏi Seedcom, Tùng dành một năm tư vấn cho các công ty nông nghiệp trong và ngoài nước để hiểu rõ hơn nhu cầu thị trường và tháng 12/2018, UFO được thành lập.

Không nhiều nhà sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có thể bán ra thị trường sản phẩm vì thiếu thông tin, hình ảnh, hệ thống giao nhận và một kênh kết nối với khách hàng. Foodmap cung cấp hầu hết các dịch vụ đó. Khách hàng của Foodmap vừa là khách hàng lẻ, vừa là khách hàng sỉ (nhà hàng, quán ăn, siêu thị tiện lợi) với tỷ lệ đóng góp doanh số ở mức 50-50. 70% lượng đơn hàng của Foodmap nằm ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Để tránh các “ông lớn” trong ngành như Bách hóa Xanh, BigC…, Foodmap hướng tới phân khúc khách hàng cao hơn, điều này phản ánh giá thành sản phẩm của Foodmap luôn cao hơn trung bình thị trường khoảng 30%.

Bên cạnh các đặc sản theo mùa, Foodmap còn phân phối những nông sản phục vụ nhu cầu thường nhật. Thứ Tư hằng tuần, những thùng rau Foodmap tươi ngon sẽ được chuyển đến cho khách hàng. Tất cả rau, củ, quả đều được đội ngũ Foodmap liên kết cùng các đơn vị, hộ nông dân trồng và canh tác theo hướng an toàn tại Đà Lạt. Khách hàng có thể liên hệ với Foodmap để điều chỉnh rau củ không phù hợp với nhu cầu, Foodmap sẽ điều chỉnh và bổ sung bằng rau củ khác.

Trong những ngày dịch bệnh, những thùng rau xanh được giao đến tận cửa Foodmap đang được người dùng đón nhận nhiệt tình, bởi đây là giải pháp an toàn và hiệu quả, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa mang đến những thực phẩm an toàn với chất lượng đảm bảo. Mỗi sản phẩm được đưa lên Foodmap phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí: truy xuất được nguồn gốc; có các chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm; được đội ngũ Foodmap đánh giá thực tế tại cơ sở sản xuất, kiểm tra thông tin độc lập và cuối cùng là sản phẩm phải ngon, hấp dẫn người dùng.

Dù UFO đã đạt được nhiều giải thưởng, thành tích, nhưng Tùng vẫn cho rằng, mình đang đi chậm so với dự kiến của bản thân và càng chậm ngày nào sẽ càng có nhiều nông dân chịu thiệt thòi. Điều này càng nung nấu cho mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp có thương hiệu của Foodmap.

Tùng cho rằng, mình rất may mắn khi tham gia lĩnh vực này vì Việt Nam có rất nhiều sản phẩm là lợi thế quốc gia, lại ít doanh nghiệp ngoại tham gia vì rào cản địa phương rất lớn. “Xuất khẩu nông sản thô năm 2020 đạt hơn 40 tỷ USD là con số thực ấn tượng với tôi, nếu xuất khẩu có thương hiệu thì chắc chắn sẽ cải thiện hơn rất nhiều”, Tùng nói.

Chat nhanh với PHẠM Ngọc Anh Tùng

Vì sao anh thích nông nghiệp, nhưng không chọn học đại học liên quan?

Tôi thích robot, nên chọn vào Bách khoa (cười)

Anh có hối hận không?

Hoàn toàn không. Tư duy công nghệ giúp tôi làm nông nghiệp tốt hơn, bài bản hơn.

Quan điểm kinh doanh của anh là gì ?

Tôi kinh doanh chưa đủ lâu để có thể rút ra quan điểm, tôi chỉ làm theo hai tiêu chí là: “Bán cái gì có lợi cho người tiêu dùng” và “Kinh doanh phải càng gần khách hàng càng tốt”.

Công Sang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục