Thế mắc kẹt
Ách tắc kéo dài ở nhiều cửa ngõ ra vào các thành phố trong tuần này sẽ còn là nỗi ám ảnh rất lớn với tất cả doanh nghiệp.
Dù tình hình đã dần được tháo gỡ sau khi Chính phủ đã có Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 20/7 yêu cầu các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ, nhưng theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban VI), thực tế đang cho thấy chưa dễ giải tỏa thế kẹt của doanh nghiệp.
“Chúng tôi thực sự sốt ruột”, bà Thủy nói và đưa ra hình ảnh các đoàn xe container xếp hàng dài vài cây số được doanh nghiệp gửi về.
Có xe báo, đi từ Bắc Ninh lúc 18 giờ, nhưng đến 11 giờ hôm sau vẫn chưa đến được chốt Quán Toan (Hải Phòng). Có xe báo, đến Quảng Nam lấy hàng, nhưng chốt kiểm dịch ở Núi Thành yêu cầu đưa hàng ra chốt, không cho xe vào...
Nhưng doanh nghiệp không chỉ vất vả ở chốt chống dịch.
“Tôi vừa nhận được câu hỏi của doanh nghiệp ở Nha Trang về việc đã áp dụng Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/7 chưa, vì thực tế không như những gì mà chúng tôi gửi cho doanh nghiệp trước đó”, bà Thủy chia sẻ thông tin.
Doanh nghiệp này cho biết, khi làm thủ tục cấp lại phù hiệu xe, cơ quan quản lý tại địa phương vẫn giữ yêu cầu phải lắp camera thì mới cấp phù hiệu mới, cho dù trong hồ sơ xin cấp lại phù hiệu xe không có điều kiện này. Trong khi đó, với Nghị quyết 66/NQ-CP, Chính phủ đã cho phép tạm ngừng xử phạt ô tô chưa lắp camera giám sát đến hết ngày 31/12/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Trong bối cảnh bình thường, những khó khăn do độ trễ trong thực thi văn bản như trên dường như là bình thường và ít khi doanh nghiệp phải lên tiếng, nhưng thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang chịu quá nhiều áp lực, quá khó khăn.
Cách đây vài ngày, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung cho biết đã phải gửi văn bản đề nghị tới nhiều địa phương vì họ đề nghị doanh nghiệp phải nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm với thực phẩm nhập khẩu hoặc qua đường bưu điện do dịch bệnh.
“Chúng tôi đã kiến nghị thực hiện online để đỡ thời gian đi lại đang rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Cũng đề nghị các cơ quan quản lý công nhận kết quả kiểm định của nhau. Cùng là một sản phẩm, nhưng cơ quan nào cũng thực hiện kiểm định riêng, gây nên chi phí rất lớn không đáng có cho doanh nghiệp”, ông nói.
Còn nhiều chi phí có thể cắt giảm
Khi chia sẻ về những chờ đợi của doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta cho rằng, thực tiễn kinh doanh, khoa học - công nghệ đã thay đổi rất nhiều, nên cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những thay đổi về tư duy.
Ông Nghĩa đã thử tính, chỉ cần một thao tác đơn giản là kết nối phần mềm hải quản cảng với Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) để xác thực quá trình ra vào cụ thể của một lô hàng ở khu giám sát hải quan, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 300 triệu USD/năm cho thủ tục thanh lý tờ khai hải quan.
“Hiện tại, chúng tôi có hơn 400 nhân viên trên khắp cả nước, thì 10% trong số này làm việc đơn giản là cầm tờ A4 đi chỗ này, chỗ kia. Nếu kết nối được các thủ tục kiểm tra chuyên ngành ở hải quan như trên, lao động của chúng tôi sẽ có thời gian làm việc khác. Phía ngân sách nhà nước cũng có lợi khi tiết giảm được nhiều biên chế đang làm thủ tục đơn giản này”, ông Nghĩa nói.
Nhiều năm trước, chính ông Nghĩa cũng không nghĩ là thủ tục hải quan có thể đơn giản hóa được như vậy.
Đặc biệt, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, biểu thuế xuất nhập khẩu giảm mạnh... khiến xung đột giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp liên quan đến áp mã HS, xác định trị giá tính thuế giảm xuống. Doanh nghiệp đã thấy rõ thực tiễn là không thể “né” thuế bằng việc làm thấp giá trị tính thuế nhập khẩu, vì như vậy, thuế phải nộp khi tiêu thụ nội địa sẽ tăng lên.
“Chúng tôi muốn nói đến điều này, mong có cái nhìn cởi mở hơn của cơ quan hải quan. Đúng là nhiều khi có doanh nghiệp muốn kiện cơ quan hải quan vì xác định giá trị tính thuế không đúng, nhưng không dám. Vấn đề là, khi bị áp giá tính thuế oan uổng, doanh nghiệp không còn lợi nhuận nữa”, ông Nghĩa chia sẻ ruột gan.
Đây là lý do bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, những hỗ trợ từ thực thi chính sách một cách có trách nhiệm, với tinh thần phục vụ, thay vì quản lý doanh nghiệp sẽ có tác dụng kích thích doanh nghiệp hơn cả vào thời điểm này.
“Doanh nghiệp vẫn đang rất kêu về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, dù đã có thay đổi rất lớn là chuyển từ trước thông quan sang sau thông quan với phần lớn trường hợp. Tuy nhiên, chính vì không còn áp lực về thời gian thông quan như trước, nên tốc độ cải thiện thủ tục có vẻ chậm đi”, bà Thảo nói.
Đặc biệt, việc kết nối thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia vẫn chủ yếu ở cấp độ 3, nghĩa là vừa thực hiện online, vừa yêu cầu hồ sơ giấy cũng đang khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện khi dịch bệnh lan rộng.
Theo bà Thảo, đây chính là lúc đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia lên cấp độ 4. Với trường hợp bắt buộc phải có hồ sơ gốc, phương án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất là xử lý trước trên hệ thống, hậu kiểm hồ sơ sau có thể cần được xem xét, nhân rộng.
“Lúc này, chỉ cần nhanh hơn một chút, thì doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn nhiều”, bà Thảo khuyến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp không ngại thay đổi quy định nếu vướng mắc được gỡ
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu đoàn Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc tới những khó khăn rất lớn của doanh nghiệp.
Khó khăn đến từ dịch bệnh, từ các biện pháp phòng, chống dịch, từ việc tăng phi mã của giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào của sản xuất.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, hàng hóa phi nhiên liệu tăng gần 40%, riêng nhóm hàng hóa cho sản xuất công nghiệp tăng tới 70% sau gần 1 năm. Giá nhiên liệu tăng gần 110%. Giá thuê đất ở khu công nghiệp tăng xấp xỉ 8%. Giá vận tải biển tăng 4-8 lần, tùy hải trình.
Chi phí mà doanh nghiệp đang gánh thực sự quá lớn, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Thậm chí, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế quốc dân) đang lo ngại những khó khăn trong giao thương, thương mại khiến nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình thế định trệ, nếu không có những động thái quyết liệt.
“Chúng ta sẽ không thể bàn về một gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như nhiều nền kinh tế khác, cũng không thể đòi hỏi ngân hàng hạ chuẩn cho vay..., nhưng chúng ta lại có dư địa để nói về gói hỗ trợ thể chế. Quan điểm của tôi vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tháo gỡ thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, hoàn thiện thể chế pháp luật bên cạnh đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ doanh nghiệp đang được thực hiện”, ông Lộc đề xuất.
Đặc biệt, ông Lộc đang chờ đợi vào việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ trong quá trình rà soát tổng thể các quy định, để phát hiện những quy định không phù hợp, đang làm khó doanh nghiêp.
“Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn tất trong tháng tháng 7/2021. Việc này cần làm nhanh để Chính phủ có kế hoạch sửa đổi, bổ sung kịp thời. Có thể sẽ có nhiều văn bản phải chỉnh sửa, nhưng nếu cần thì phải làm nhanh và quan trọng là có chất lượng, phù hợp với thực tiễn”, ông Lộc nói thêm.
Trong khá nhiều cuộc điều tra doanh nghiệp gần đây, có một điểm khác biệt so với trước là, doanh nghiệp không còn kêu ca nhiều về tình trạng văn bản thay đổi liên tục. Trong báo cáo Mức đội hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu mà VCCI vừa công bố tuần trước, doanh nghiệp không cảm thấy phiền hà khi tần xuất văn bản thay đổi khá nhiều kể từ năm 2017 đến nay.
Đây là lý do ông Lộc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và cả cơ hội, việc xem xét, sửa đổi quy định không còn phù hợp, dù có thể mới ban hành, cũng là một cách thức hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Lộc đề nghị các địa phương có thể ứng dụng mô hình Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương (vừa ban hành theo Quyết định 1242/QĐ-TTg).
Tổ này được Chính phủ giao nhiệm vụ rà các dự án đầu tư công (bao gồm dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài); dự án đầu tư kinh doanh (bao gồm dự án đầu tư trong nước và dự án FDI); dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
“Đây là những dự án lớn, có tính liên kết. Nhưng ở các địa phương còn nhiều dự án quy mô nhỏ hơn của các doanh nghiệp cũng cần được tháo gỡ, nhất là các dự án của doanh nghiệp tư nhân. Lúc này, cứ tháo được ách tắc nào, thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội hồi phục nhanh hơn”, ông Lộc phân tích.
Nhiều tổ chức nghiên cứu hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021
Trong các báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô, nhiều tổ chức nghiên cứu đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 so với lần công bố trước.
Cụ thể, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ở mức 6,5%, giảm nhẹ do với dự báo 6,7% được ngân hàng này đưa ra trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống còn 5,8%.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng vừa công bố 3 kịch bản, trong đó ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ khoảng 4,5 - 5,1% nếu dịch được kiểm soát vào cuối quý III/2021; kịch bản cao là 5,4 - 6,1% nếu trong tháng 8/2021 các biện pháp giãn cách đủ điều kiện gỡ bỏ. Trong lần công bố trước, các dự báo là 6,0 - 6,3%.
Hai kịch bản của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là 5,9 và 6,2%.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!