Đây là những vấn đề cần được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Trách nhiệm vật chất được hiểu là là trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thực hiện nghĩa vụ lao động đã gây ra. Giám đốc và cán bộ quản lý cũng là người lao động trong mối quan hệ với các chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, trong trường hợp gây thiệt hại thì cũng cần xem xét trách nhiệm của họ.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 có quy định trách nhiệm vật chất của giám đốc và cán bộ quản lý khi gây thiệt hại cho công ty tại khoản 2, Điều 85; khoản 4, Điều 116 và điểm b, d khoản 2, Điều 134. Tuy nhiên, các quy định này chỉ đưa ra trường hợp chung mà chưa quy định cụ thể đến trường hợp làm mất vốn, do đó thiếu hành lang pháp lý để áp dụng trong quá trình xử lý.
Các thành viên góp vốn, cổ đông cũng như thành viên hợp danh đều có quyền khiếu nại và yêu cầu người gây thiệt hại phải bù đắp các tổn thất đã xảy ra. Đồng thời, với công ty cổ phần thì Ban Kiểm soát có trách nhiệm thông báo với Hội đồng Quản trị để đưa ra phương án giải quyết cũng như buộc bồi thường thiệt hại theo điểm g, khoản 1, Điều 41; Khoản 7, Điều 123 quy định về quyền và nhiệm vụ của Ban Kiểm soát công ty cổ phần; Điểm d, khoản 1, Điều 134 về quyền của thành viên hợp danh.
Tuy vậy, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng chỉ có các quy định chung về bồi thường thiệt hại đã nêu trên, mà chưa có quy định cụ thể trong trường hợp giám đốc và cán bộ quản lý làm mất vốn. Việc làm mất vốn cũng được xem như là gây thiệt hại cho doanh nghiệp, song để xác định yếu tố lỗi của người quản lý là tương đối phức tạp. Cũng chưa có quy định về việc xác định mức bồi thường, cách thức thực hiện việc bồi thường cũng như các vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục áp dụng trách nhiệm vật chất.
Nhằm hoàn thiện quy định về trách nhiệm vật chất để phạt đúng người, đúng tội, cần xây dựng bổ sung các quy định cụ thể trường hợp giám đốc và cán bộ quản lý có lỗi làm mất vốn, mức bồi thường và cách thức thực hiện bồi thường.
Nguyên tắc chung là mức bồi thường trong trách nhiệm vật chất không được vượt quá mức thiệt hại trực tiếp họ gây ra. Vậy điều quan trọng nhất là phải xác định được mức thiệt hại tương ứng với lỗi của chủ thể gây ra. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thực xác định mức bồi thường.
Ngoài ra, do tới nay, cũng chưa có quy định cụ thể nào là một hợp đồng trách nhiệm, vì vậy, nên quy định hợp đồng trách nhiệm phải bằng văn bản và được ký trực tiếp giữa giám đốc, cán bộ quản lý với Hội đồng Thành viên, Hội đồng Quản trị, thành viên hợp danh... Trong đó quy định rõ trách nhiệm của người được giao quản lý, điều hành hoạt động, mức bồi thường và cách bồi thường nếu xảy ra thiệt hại. Hợp đồng trách nhiệm có thể là một hợp đồng độc lập.
Cũng cần có phiên họp để Hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị hoặc Ban Kiểm soát chứng minh được lỗi của người quản lý doanh nghiệp và thiệt hại xảy ra. Còn người quản lý doanh nghiệp thì có quyền tự do bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Khi quyết định mức bồi thường cần xét đến các thành tích mà cán bộ quản lý, giám đốc đã tạo lập cho doanh nghiệp.
Tóm lại, trách nhiệm vật chất đền bù thiệt hại của giám đốc và cán bộ quản lý khi làm mất vốn của công ty quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn còn nhiều hạn chế về tính cụ thể cũng như tính thực thi trong thực tiễn áp dụng, do vậy cần phải có những quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp.